Điều tra

Ký khống mua điện mặt trời giá cao, “rút ruột” Nhà nước

05/07/2021, 08:00

Nhiều dự án điện mặt trời tại đồng bằng sông Cửu Long đã được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế.

img

Công trình năng lượng mặt trời của Công ty TNHH TM-DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long và Công ty TNHH Phú Nguyên Khang sai lệch công suất pin giữa hồ sơ nghiệm thu và hợp đồng mua bán điện

Để chạy đua với thời điểm phải nghiệm thu công suất, ký hợp đồng mua điện trước ngày 31/12/2020 mới được áp giá cao, nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) tại đồng bằng sông Cửu Long đã được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế.

Nếu các hợp đồng mua bán điện này không được xử lý, mỗi năm chính điện lực đã tiếp tay cho nhà đầu tư “rút ruột” Nhà nước nhiều tỷ đồng…

Kỳ 1: Ồ ạt ký hợp đồng khống công suất, “chạy” giờ G

Từ tố cáo của bạn đọc, PV Báo Giao thông đã vào cuộc, điều tra và phát hiện hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Vĩnh Long, Sóc Trăng được ký hợp đồng “chạy” thời điểm được ưu đãi về giá, với công suất ký khống gấp cả chục lần so với công suất thực.

Ký khống công suất vượt cả chục lần

Sau khi đăng tải loạt bài “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại”, Báo Giao thông nhận được đơn tố cáo có nội dung: Tại Công ty Điện lực Vĩnh Long, có nhiều sai sót, vi phạm trong việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua điện cho một số dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Theo thông tin từ hồ sơ, trưa 1/7/2021, PV đã đến hiện trường công trình năng lượng điện mặt trời tại ấp Phú An, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Dự án có diện tích khoảng 5.000m2 nằm cạnh TL907, phía sau là sông Cổ Chiên, xung quanh rào tôn kín mít, phía trước ghi tấm biển: “Không phận sự cấm vào”.

Công trình đã xây dựng khung giá đỡ để lắp đặt nhiều tấm pin và có trạm biến áp. Bên dưới những tấm pin vẫn sạch láng, không có cỏ mọc, chứng tỏ vẫn có người trông coi, chăm sóc cẩn thận.

Trao đổi với PV về dự án này, ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông cho biết: “Trước đây, miếng đất đó là kho của Công ty Lương thực Vĩnh Long. Sau đó, Công ty TNHH TM-DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long và Công ty TNHH Phú Nguyên Khang đầu tư 2 công trình năng lượng điện mặt trời chung một chỗ”.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH TM- DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long thành lập vào năm 2017, có địa chỉ trụ sở chính ở số 25, đường Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP Vĩnh Long, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề.

Trong đó, có nghề kinh doanh lắp đặt hệ thống điện, lắp đặt hệ thống xây dựng khác… Còn Công ty TNHH Phú Nguyên Khang được thành lập từ năm 2014, có địa chỉ trụ sở chính ở 117/1, đường số 38, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là TP), TP HCM, ngành nghề kinh doanh là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, lắp đặt hệ thống điện…

Theo hồ sơ có trong tay và tìm hiểu thực tế của PV, 2 công trình Năng lượng mặt trời 999,8kWp của Công ty TNHH TM-DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long và công trình Năng lượng mặt trời 999,8kWp của Công ty TNHH Phú Nguyên Khang đều được ngành điện “ký khống” công suất so với thực tế.

Cụ thể, đối với công trình của Công ty TNHH TM-DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long, trong biên bản nghiệm thu để ký hợp đồng vào ngày 29/12/2020, tổng công suất pin đã được lắp đặt là 95,8kWp (với 213 tấm pin x 450kWp).

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại hiện trường vào ngày 7/4/2021 (sau gần 4 tháng), thì tổng công suất pin lắp đặt mới chỉ 312,7kWp (695 tấm pin x 450kWp).

Mặc dù vậy, Giám đốc Điện lực Vũng Liêm trước đó vẫn ký hợp đồng mua điện mặt trời với khách hàng này với tổng công suất pin lên đến 999,8kWp (2.222 tấm pin x 450kWp), giá 1.943 đồng/kWh.

Đây là mức giá ưu đãi dành cho dự án hoàn tất trước ngày 31/12/2020 (cao hơn ít nhất 600 đồng/kWh so với giá mua điện của dự án hoàn thành thủ tục từ ngày 1/1/2021 trở về sau).

Nếu Giám đốc Điện lực Vũng Liêm ký hợp đồng đúng quy định, ngành điện chỉ phải mua giá 1.943 đồng/kWh đối với tổng công suất pin là 95,8kWp -theo đúng biên bản nghiệm thu vào cuối năm 2020.

Số pin lắp đặt sau, sẽ mua theo giá thấp hơn khoảng 600 đồng/kWh. Bình quân với công suất 1kWp sẽ phát được 4kWh/ngày.

Nghĩa là, với công suất kê khống 904kWp (999,8kWp - 95,8kWp) ở công trình này, ngành điện mỗi năm sẽ mua gần 1,32 triệu kWh điện (4kWh x 904 x 365 ngày) với giá cao hơn so với quy định ít nhất 600 đồng/kWh. Như vậy, nếu hợp đồng này được thực hiện trót lọt, thì chủ đầu tư sẽ “ăn gian” khoảng 792 triệu đồng/năm!

Tương tự, tại công trình Năng lượng mặt trời 999,8kWp của Công ty TNHH Phú Nguyên Khang, hợp đồng mua bán điện mặt trời do Giám đốc Điện lực huyện Vũng Liêm đã ký có tổng công suất tấm pin 999,8kWp (2.222 tấm pin x 450kWp).

Nhưng trong biên bản nghiệm thu ngày 29/12/2020, tổng công suất pin chỉ mới ở mức 49,9kWp (111 tấm pin x 450kWp). Còn kết quả kiểm tra hiện trường ngày 7/4/2021 của cơ quan chức năng, tổng công suất pin đã lắp đặt đến thời điểm đó cũng mới đạt 727,2kWp (1.616 tấm pin x 450kWp).

Như vậy, tổng công suất pin mà phía điện lực đã ký hợp đồng mua điện với khách hàng lớn hơn so với biên bản nghiệm thu là 949,9kWp, so với thực tế kiểm tra hiện trường khách hàng đã lắp đến ngày 7/4/2021 là 272,6kWp… Tính theo cách trên, dự án này nếu “qua mặt” được, sẽ “ăn” thêm tiền của ngành điện khoảng 830 triệu đồng/năm!

Tìm hiểu của PV cho thấy, hàng loạt các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng bị phát hiện có sai phạm tương tự.

Cụ thể, cuối năm 2020, ông Lê Trương Duy Tuấn, khi đó là Phó giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra 5 dự án điện mặt trời mái nhà (đấu nối ban đầu) tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề của các chủ đầu tư gồm: 2 trạm của Công ty cổ phần PN Solar; 1 trạm của Công ty TNHH Power Nature Solar và 2 trạm của Công ty TNHH Power Nature. Theo kết quả kiểm tra, mỗi trạm lắp đặt hoàn thành 9 bộ Inverter với công suất 110kW/bộ và 2.280 tấm pin. Tổng cộng 5 trạm có công suất 4.950kWp và 11.400 tấm pin.

Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2020, ông Dương Hoài Du, Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Trần Đề đã ký 5 hợp đồng mua bán điện mặt trời đối với các chủ đầu tư nói trên; mỗi hợp đồng có công suất 990kWp.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng ngày 19/1/2021, từ ngày khởi công xây dựng đến nay, khu vực này chỉ thi công được 2.280 tấm pin, có công suất tương đương 990 kWp, tương ứng với công suất nghiệm thu, hợp đồng của… 1 trạm (hụt đến 9.120 tấm pin, tương ứng công suất 3.960kWp)…

Nhà nước có nguy cơ thiệt hại cả nghìn tỷ

Không chỉ ưu ái ký kết mua điện giá cao hơn quy định tới 600 đồng/kWh, ngành điện còn bỏ qua hàng loạt vi phạm khác của các dự án điện này.

Cụ thể, với 2 dự án điện mặt trời tại Phú An, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long của Công ty TNHH TM-DV&SX Gạch không nung Vĩnh Long và Công ty TNHH Phú Nguyên Khang đều bị ngành Tài nguyên - Môi trường và chính quyền địa phương lập biên bản đề nghị tháo dỡ vì xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng ngành điện vẫn cho qua…

Nghiêm trọng hơn, Điện lực thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) còn sửa, thay đổi biên bản nghiệm thu để nâng công suất 1 công trình điện mặt trời từ 530kWp thành 930kWp nhằm đối phó với đoàn kiểm tra hồi tháng 4/2021 và hợp thức hóa Hợp đồng mua bán điện ký vượt công suất thực tế.

Cũng tại Vĩnh Long, một số dự án điện mặt trời mới vận hành thương mại một phần, nhưng giám đốc điện lực một số chi nhánh vẫn ký hợp đồng mua điện cho toàn bộ dự án!

Như Công ty TNHH Tỷ Xuân có đến 8 dự án vi phạm như vậy. Một số dự án công suất gần 1 MWp nhưng thực tế chỉ lắp đặt được vài chục đến vài trăm kWp, còn thiếu rất nhiều so với hợp đồng đã ký kết với ngành điện trước ngày 1/1/2021…

Theo tìm hiểu, ngày 29/6/2021, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Thông báo kết luận của Giám đốc Sở Công thương về việc rà soát giải trình công tác phát triển điện mặt trời của Công ty Điện lực Vĩnh Long.

Sau khi kiểm tra, rà soát thực tế 44/60 công trình ĐMTMN thì có đến 19 dự án vi phạm. Sở Công thương đã đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của một số lãnh đạo điện lực chi nhánh; một số hợp đồng mua điện không đúng quy định sẽ giao Thanh tra Sở xử lý theo pháp luật

Với 19 công trình sai phạm được phát hiện này, một cán bộ ngành điện tính toán: Với tổng công suất hơn 30MWp thì trong vòng 20 năm ngân sách Nhà nước sẽ thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

Vì hiện đã qua rất lâu “giờ G” - ngày 31/12/2020 nhưng các doanh nghiệp này chỉ mới lắp đặt được một phần rất ít.

Việc ký lại hợp đồng theo thực tế hiện nay Công ty Điện lực Vĩnh Long cũng chưa thực hiện được do các khách hàng này không thống nhất vì đã bỏ ra số tiền đầu tư rất lớn, nếu ký lại theo thực tế (hoặc theo khối lượng nghiệm thu trước thời điểm ngày 31/12/2021) thì hầu như không thể thu hồi vốn.

Chiều 1/7, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long rất bất ngờ khi được PV thông tin về vụ việc, bởi đến nay ông vẫn chưa được nhận báo cáo nào về các sai phạm trên. Ông Liệt rất quan tâm và hỏi PV cặn kẽ, chi tiết về vấn đề này…

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đầu tư các công trình điện mặt trời đúng quy chuẩn và được sự nghiệm thu của ngành điện, chủ đầu tư sẽ được ký hợp đồng bán điện cho ngành điện. Số điện này sẽ hòa vào lưới điện, bán lại cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp…

Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới có thể lên đến 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Nếu hợp đồng ký với ngành điện được hoàn tất trước ngày 31/12/2020 thì chủ đầu tư sẽ được mua giá ưu đãi cao hơn ít nhất 600 đồng/kWh so với việc hoàn thành thủ tục từ ngày 1/1/2021 trở về sau.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.