Kinh tế

Kỳ lạ khu đất đền bù 500 triệu/m2 8 năm vẫn bỏ hoang

23/03/2018, 07:32

Suốt gần 8 năm qua, kể từ khi giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư vẫn án binh bất động...

17

Phía ngoài khu “đất vàng” số 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tọa lạc ngay gần Hồ Gươm, khu đất nằm trên hai mặt phố Hai Bà Trưng (số 25- 27) và Hàng Bài (số 22- 24) được xem là khu “đất vàng” vì giá trị đền bù kỷ lục nửa tỷ đồng mỗi mét vuông từ năm 2011. Tuy nhiên, suốt gần 8 năm qua, kể từ khi giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư vẫn án binh bất động, không triển khai gì khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về sự lãng phí.

Đền bù kỷ lục: 500 triệu đồng/m2!

Tháng 11/2004, khu “đất vàng” được UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi và giao cho Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà (thuộc TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng cao 7 tầng, với thời hạn thuê đất 20 năm.

Dự án bao gồm hai khu nhà A và B. Trong đó, khu nhà A được dành làm trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, khu nhà B làm văn phòng và dành một phần diện tích để xây 27 căn hộ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Quyết định này cũng ghi rõ: Sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu công ty không triển khai xây dựng thì Sở Tài nguyên - Môi trường lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi quyết định thuê đất.

Liên quan đến dự án tại số 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng của doanh nghiệp Tân Hoàng Minh “đắp chiếu” nhiều năm đang đợi thành phố cho phép xây dựng nhà cao tầng, chiều 22/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: “Cái đấy do thành phố quyết, về quy hoạch thì cũng rõ ràng rồi, có thể chưa xây dựng được là vướng nhiều thứ liên quan đến dự án này”.

Còn khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu có phải thành phố sẽ cho xây dựng khách sạn 5 sao tại đây, ông Lê Vinh nói : “Vấn đề này là chủ trương của thành phố, tôi không nắm được”.

Trong tổng diện tích 4.072m2, có 3.776m2 do Công ty Nhựa Hà Nội thuê của thành phố và gần 300m2 là diện tích mà 27 hộ dân đang sinh sống.

Cho đến tận năm 2011, công tác GPMB tại khu đất nói trên vẫn chưa được hoàn tất, khi 27 hộ dân không đồng ý với phương án đền bù của UBND quận Hoàn Kiếm và kiên quyết không di dời, với lý do: Đây là dự án kinh tế nhằm mục đích thương mại chứ không phải dự án mang mục đích an ninh - quốc phòng, có nghĩa là không thuộc diện Nhà nước thu hồi. Vì vậy, họ không đồng ý với việc UBND quận áp đặt mức giá cao nhất là 42 triệu đồng/m2. Đồng thời, nhiều người cũng cho rằng có khuất tất khi một dự án “treo” suốt nhiều năm nhưng không bị thu hồi. Mặt khác, việc xây dựng một trung tâm thương mại cao 7 tầng tại khu vực này chắc chắn sẽ làm cho cảnh quan bị phá vỡ, mật độ giao thông thêm tắc nghẽn.

Bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã thuyết phục được 22 hộ dân nhận tiền đền bù và di dời, tất nhiên không phải với mức 42 triệu đồng/m2 mà trong đó có hộ được nhận với mức 200 triệu đồng/m2.

Cuối cùng, chỉ còn 5 hộ dân kiên quyết ở lại và đòi đền bù với giá 1 tỷ đồng/m2. Sự việc này gây xôn xao dư luận vào thời điểm năm 2011. Quá trình thương lượng diễn ra khá căng thẳng trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, đến sáng 12/7/2011, 5 hộ dân cuối cùng tại khu “đất vàng” đã chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, tổng số tiền đền bù mà các hộ dân nhận được là 47 tỷ đồng, trong đó mức đền bù cao nhất là 500 triệu đồng/m2 (trong số 5 hộ thì có những hộ sinh sống trên tầng 2 được đền bù 200 triệu đồng/m2).

18
Bên trong khu “đất vàng” số 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ai là chủ nhân khu đất?

Ngoài mức đền bù kỷ lục, dự án trung tâm thương mại ở góc đường Hàng Bài - Hai Bà Trưng còn khiến dư luận quan tâm ở chỗ: Ai mới là chủ nhân đích thực của khu “đất vàng” hơn 4.000m2, trị giá hàng ngàn tỷ đồng?

Tháng 11/2004, khu đất được UBND thành phố quyết định thu hồi và giao cho Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà (thuộc TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án kể trên. Tuy nhiên, đến tháng 12/2006, tại khu đất triển khai dự án, người ta lại thấy treo tấm biển ghi trụ sở của một doanh nghiệp có tên Công ty CP Thời Đại Mới T&T (Công ty T&T). Tự tìm hiểu, người dân mới biết công ty này là do Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà sáng lập, với số vốn góp 80% trên tổng số vốn điều lệ. Số vốn còn lại là do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh) góp 14% và 2 cá nhân khác là 4% và 2%. 

Đến tháng 5/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh tên chủ sử dụng đất từ Công ty Kinh doanh và xây dựng nhà thành Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà (do doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước), đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này ký lại hợp đồng thuê đất. Thời hạn thuê đất cũng được nâng từ 20 năm lên thành 50 năm. Tuy vậy, đến tháng 6, cũng chính UBND thành phố lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty T&T thực hiện dự án tại khu đất nói trên.

Ngoài ra, trong giấy chứng nhận đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 7 của Công ty T&T, tỷ lệ góp vốn của các bên lại có sự thay đổi. Trong đó, Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà chỉ còn 4%, hai cá nhân khác là 4% và 2%, còn Công ty Tân Hoàng Minh là 90%. Chính điều này càng khiến người dân khó hiểu, không biết chủ nhân đích thực của dự án là Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà, Công ty T&T hay Công ty Tân Hoàng Minh. Đây cũng chính là lý do mà 5 hộ dân cuối cùng (đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng vào sáng 12/7/2011) cho rằng, dự án không minh bạch và không di dời.

Ông Hoàng Quốc Định, một trong 5 hộ dân di dời cuối cùng, cho biết: “Dự án này không minh bạch từ khâu thẩm định, phê duyệt cho đến GPMB. Dự án sau 2 năm không thể tiến triển thêm một bước nào nữa, đáng lẽ phải bị thu hồi, vậy mà vẫn tồn tại và được chuyển giao cho nhiều công ty cổ phần một cách khó hiểu theo thời gian dài, cho đến tận giữa năm 2011. Nếu sát giá thị trường, chủ đầu tư phải mua của chúng tôi với giá cao hơn rất nhiều, nhưng thực lòng chúng tôi đã quá mệt mỏi vì bị o ép, dọa cưỡng chế trong suốt một thời gian dài. Tôi lo ngại đây sẽ là một tiền lệ xấu trong việc thu hồi đất của dân”.

Ông Định cho biết thêm, sau khi nhận được tiền đền bù, gia đình ông đã mua một căn hộ khác tại quận Tây Hồ để sinh sống. Bốn hộ cuối cùng chịu di dời cùng với hộ ông Định đều là anh em, họ hàng với ông cũng đã chuyển đi nơi khác. “Nghe con số hàng chục tỷ đồng được bồi thường có vẻ ghê gớm, nhưng thật lòng chúng tôi không muốn rời xa mảnh đất cha ông mình đã sống từ xưa. Nếu không bị o ép quá đáng, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đi đâu cả, dù với giá đền bù cao thế nào”, ông Định nói và cho biết thêm, ông cảm thấy rất lạ, bởi nếu như trước kia chủ đầu tư cố giành giật bằng được khu đất này thì suốt gần 8 năm qua họ lại để hoang. Đó là sự lãng phí cực kỳ lớn không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả thành phố. Điều lạ nữa là dự án không hề bị thu hồi theo quy định.

Bỏ hoang, lãng phí nhiều năm

Những ngày cuối tháng 3/2018, có mặt tại khu “đất vàng”, PV Báo Giao thông ghi nhận khu đất vẫn được quây kín bằng tôn, phía ngoài đặt các tấm biển quảng cáo lớn về dự án. Bên trong vẫn là mặt bằng được giải phóng từ năm 2011 đến nay, không có bất cứ dấu hiệu gì của việc xây dựng. Một bảo vệ làm việc tại đây từ năm 2016 cho biết: “Công ty Tân Hoàng Minh thuê đơn vị của tôi trông giữ khu vực này. Khoảng trước Tết gần 2 tháng, nghe nói Công ty Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng khu đất cho một doanh nghiệp khác và doanh nghiệp này hiện đang trả lương cho chúng tôi. Tôi cũng không rõ họ sẽ xây cao ốc hay khách sạn ở đây”.

Lý giải về việc dự án “đắp chiếu” nhiều năm, trao đổi với PV, ông Trần Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh cho hay: “Quá trình GPMB sau khi thống nhất được mức đền bù với người dân thì lại vướng Luật Thủ đô nên không thể triển khai xây dựng. Tổng diện tích lô đất này là 4.200m2 nhưng thành phố chỉ phê duyệt cho xây 8 tầng và 1 tum, nếu nói về góc độ kinh tế thì chúng tôi sẽ thua lỗ. Vì thế, chúng tôi xin xây 12 tầng, mặc dù được Hà Nội đồng ý nhưng Bộ Xây dựng không trả lời nên Hà Nội cũng không có cơ sở để cấp phép. Dự án ách tắc là do cơ chế chính sách chứ đối với doanh nghiệp thì lúc nào cũng muốn triển khai xây dựng ngay”.

Theo ông Sơn, thời điểm đó lãnh đạo thành phố chỉ đạo, thành phố đang thiếu khách sạn nên đề nghị Tân Hoàng Minh xây khách sạn phục vụ du lịch và tập đoàn đã đi xin phép lại từ đầu. “Nhưng nếu xây khách sạn ở vị trí này thì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế, vì rất khó đông khách. Ngay cả khi chúng tôi đồng ý xây khách sạn thì cũng không không được cấp phép 12 tầng. Dự án ách lại nhiều năm qua khiến chúng tôi thiệt hại rất lớn nhưng cũng không biết làm thế nào”, ông Sơn cho hay.

Liên quan đến thông tin Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng khu “đất vàng” cho một doanh nghiệp khác, ông Sơn cho biết: “Tôi không nắm được, việc có chuyển nhượng hay không là do các sếp”.

Để tìm hiểu thêm thông tin về số phận của khu “đất vàng”, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.