Bạn cần biết

Kỳ lạ lên núi rừng Tây Nguyên làm... ngư dân

02/09/2016, 07:54

Họ là những người miền Tây, bỏ biển, bỏ sông nước mênh mông, thậm chí có người từ Biển Hồ Campuchia...

17

Toàn bộ quang cảnh “Xóm chài buôn Ba Jang”

Họ là những người miền Tây, bỏ biển, bỏ sông nước mênh mông, thậm chí có người từ Biển Hồ Campuchia, để tìm đến những “ao làng” thủy điện trên rừng núi để đánh cá. Họ ngụ cư tại xóm chài buôn Ba Jang (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) hơn 6 năm nay, từ khi Thủy điện Buôn Tua Sar đóng nước, cá tôm nhiều vô kể...

Tình người trên nhà bè

Cường - một thanh niên da ngăm đen, cơ thể rắn chắc chèo xuồng đưa chúng tôi lên nhà bè ở lưng chừng bờ. Anh là con một gia đình sống lâu đời ở xóm chài. Năm nay, Cường vừa tròn 20 tuổi nhưng nhìn dáng vóc và cách ăn nói già hơn nhiều so với độ tuổi. Cường nghỉ học từ năm lớp 6, rồi theo gia đình lên bè đánh bắt cá mưu sinh. Sống trên bè, ngoài Cường và bố, còn có đứa em tên Duy, sau khi học hết lớp 8, cũng lên bè theo cha và anh rong ruổi kiếm cá.

Trên ngôi nhà bè đóng bằng gỗ, phía dưới được thiết kế lồng nuôi cá, bên trên đóng sàn gỗ và mái được lợp tôn. Nhà bè được cố định bằng dây thừng cột vào bờ và được làm nổi bằng những chiếc thùng phuy to. Ngày qua ngày, mọi sinh hoạt của “ngư dân” đều diễn ra trong nhà bè chật hẹp. Kế bên gia đình Cường là bè của ông Dũng và anh Nam. Nối tiếp đó, kéo dài xuống hàng trăm mét phía cuối xóm. Nơi đây, chủ yếu là người miền Tây sinh sống.

Buổi tối, ba gia đình Cường, ông Dũng và Nam thổi cơm ăn chung. Chúng tôi được mọi người đãi những món đặc sản của xóm chài. Những món cá lóc, cá thác lác, cá rô đồng được chế biến theo cách riêng, thơm lừng. “Cá này anh em tự đi mần đó, hai anh em cứ ăn thoải mái, chứ về thành phố không có đâu”, ông Dũng vừa nói vừa gắp cá bỏ vào chén chúng tôi.

Bên ngoài, trời tối đen như mực, gió thổi kèm theo hơi nước luồn vào bè lạnh tê người. Màn đêm yên tĩnh bỗng đánh thức bởi những chiếc xuồng máy lướt vun vút từ xóm dưới lên. Ông Dũng giật mình, “đã đến giờ đi làm. Hai chú chuẩn bị để đi cùng anh em cho kịp”.

Ông Dũng vừa dứt lời, mọi người xách dụng cụ bỏ lên xuồng, nào là bình ắc-quy, cần điện, vợt... bắt đầu “hành trình” đánh bắt cá. Thấy những chiếc xuồng máy chạy tóe nước, tôi hỏi Cường sao mình không dùng xuồng máy, Cường cười đáp: “Mình đi tìm cá, luồn lách vào những bụi cây và khu vực nước cạn, đi xuồng máy sẽ bị vướng và mắc cạn ngay”.

Mưu sinh trong màn đêm

Đêm xuống. Phía trước chúng tôi, lòng hồ thủy điện rực rỡ ánh sáng như một thành phố. Trên lòng hồ, có hàng trăm chiếc gió đèn (gió đèn là những cái bẫy được người dân tạo ra trên mặt hồ. Buổi tối người ta dùng bình ắc-quy thắp sáng một bóng đèn ở giữa. Thấy ánh điện, các loại phù du bay vào rớt xuống nước. Lúc này, các loại cá nhỏ bơi vào ăn. Sau khoảng 5 tiếng, cá tập trung đông ăn mồi, người dân quay lưới lên để thu gom) được thắp điện từ sớm để săn mồi cho cá bống tượng.

Ông Y Tây Pang Ting, Phó chủ tịch xã Krông Nô cho biết, theo thống kê mới nhất của chính quyền xã, tại khu vực xóm chài buôn Ba Jang có 34 hộ dân sinh sống. Chủ yếu là người miền Tây, ngoài ra có số ít là người dân các tỉnh khác. Công việc chủ yếu là đánh bắt và nuôi cá lồng. Công an xã đã nhiều lần đi kiểm tra để vận động người dân đăng kí tạm trú, tạm vắng. Hầu hết các trẻ em trên xóm chài đều nghỉ học sớm.

Để đến được “mỏ cá”, chúng tôi phải vượt qua mặt hồ nước mênh mông, lòng hồ lâu lâu còn trơ lại những cái cây đã chết do bị ngập nước. Tôi và Cường đi phía trước, ông Dũng và anh Nam theo sau. “Ở giữa lòng hồ nước sâu cả trăm mét, khu vực đánh cá của chúng ta ở phía thượng nguồn, phải mất khoảng 30 phút nữa mới đến. Ở đó, nước cạn, cá thường tập trung nhiều”, giọng anh Nam oang oang trong màn đêm.

Không cần ánh đèn chỉ đường, các “ngư dân” cứ thế chèo xuồng về vị trí định sẵn. Đến nơi, ba xuồng ráp máy kích điện, tay cầm vợt, tay cầm cần xua cá. Tiếng điện phóng ra kêu rè rè, cá bị kích điện, bất động trong nước, Cường đưa vợt, vớt từng con ném lên khoang xuồng.

“Trước đây, cá nhiều, ngư dân bắt bằng lưới và câu. Tuy nhiên, khi cá cạn dần, người dân dùng điện kích mới bắt được cá. Biết là bị cấm sử dụng nhưng vì cuộc sống mưu sinh, người dân không biết cách nào hơn”, ông Dũng phân trần.

Cách chúng tôi khoảng 20m, bỗng anh Nam hét lớn “cá to”, rồi nhảy xuống nước lần mò. Một lúc sau, anh Nam vớt lên một con cá lóc bông to. Màn đêm bị xua tan bởi cảnh cá nhảy, người hò reo vui sướng khi trúng “ổ cá”.

“Hai năm trở lại đây, cá, tôm bắt đầu cạn dần. Nhiều ngư dân chuyển sang đóng lồng để nuôi cá bống tượng. Loại cá này được đánh bắt giống trên hồ thủy điện mang về nuôi. Cá bống tượng không có giống, đây là cá xuất khẩu, được các thương lái từ Sài Gòn, miền Tây lên thu mua. Mỗi kg có giá từ 250 - 400 nghìn đồng. Nếu được trời thương, mùa cá mỗi gia đình cũng kiếm được chút đỉnh”, anh Nam cho hay.

Theo ông Dũng, thời gian quay gió đèn không sớm cũng không muộn. Sớm thì chưa đủ độ chín để cá bơi vào ăn mồi, muộn khi trời sáng, phù du tản đi thì cá tôm cũng đi hết, mình không bắt được con nào.

Ước mơ lên bờ

Trên nhà bè, mắt anh Bùi Tấn Thanh (45 tuổi) đỏ hoe, khi kể về người vợ: “Vào một buổi trưa năm 2013, vì cố bắt cho được thêm vài kg cá, khi chèo xuồng để quay gió đèn khiến chiếc xuồng lật úp người vợ bị đuối nước tử vong, bỏ lại hai đứa nhỏ tội nghiệp”.

Sau ngày vợ mất, anh Thanh chán nản bán nhà bè, quyết định lên bờ. “Vợ mất vì nghề cá, mình sống và tiếp tục theo nghề thì thấy tội lỗi lắm, mỗi lần đi ngang qua đoạn vợ mất, tôi không cầm nổi nước mắt”, anh Thanh ngậm ngùi.

Cách nhà anh Thanh chừng 50m là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Phái (52 tuổi, người gốc Campuchia), ông là người đầu tiên đến xóm chài sinh sống. Năm 2005, thủy điện chưa có, gia đình ông đã về đây đánh bắt cá. Sau ngày thủy điện đóng nước, gia đình ông chuyển lên xóm chài. Cuộc đời ông gắn với thủy điện hơn 20 năm, tất cả các thủy điện như: Đồng Nai, Đắk Mơ, Cần Đơn, Hàm Thuận - Đa Nhim, ông Phái đều có mặt để bắt cá mưu sinh...

“Cảnh sông nước, nay đây mai đó nên mấy đứa con không học gì cả, vừa biết đọc, biết viết là nghỉ. Ban đầu, 4 đứa con đều theo nghề của tôi, nhưng sau đó thấy khó khăn quá, tôi khuyên mấy đứa đi học nghề, lên bờ sống nhưng hai đứa lớn kiên quyết ở lại nghề sông nước”.

“Ông bà ta từng có câu: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Cá tôm ăn mãi rồi cũng sẽ hết, ở lại hồ thì lấy gì mà sống. Tôi cũng nhiều lần định cho các cháu lên bờ, tìm nghề ổn định kế sinh nhai nhưng vì thiếu vốn. Ngán lắm, nhưng cứ ráng thêm năm nữa, xong vụ cá sẽ lên bờ thôi, ông Phái cho hay.

Ở xóm chài này, không một ai học hành lên cao cả. Tụi trẻ vừa học hết cấp hai đành vứt bỏ sách vở lên bè sống, đánh bắt cá cùng gia đình.

Góp vào câu chuyện, chị Giàu (quê Đồng Tháp) bảo: “Nhớ quê, nhớ con lắm nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh đành để tụi nhỏ dưới quê. Dù sao thì ở đây cũng kiếm được cái ăn hơn miền dưới. Vào hè, nhớ tụi nhỏ thì cho lên đây chơi rồi về dưới học. Gia đình cũng muốn làm vài năm có vốn rồi lên bờ, ở trên sông nước, xa quê tụi nhỏ thiệt thòi lắm”.

Chia tay xóm chài buôn Ba Jang trong ánh bình minh khi cảnh người bán cá diễn ra tấp nập, chúng luẩn quẩn trong dòng suy nghĩ rồi hoàn cảnh của những phận đời, những đứa trẻ thất học, xóm chài sẽ đi về đâu khi cá tôm ngày càng cạn kiệt do lối đánh bắt hủy diệt bằng kích điện...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.