Xã hội

Kỷ luật cán bộ về hưu phải gắn với quyền lợi vật chất để có tính răn đe

24/05/2019, 16:06

Việc kỷ luật cán bộ về hưu phải gắn trực tiếp với quyền lợi về vật chất, tinh thần mà người đó đã được hưởng mới có tính răn đe.

img
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Chiều 24/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không...

Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84 Luật Cán bộ Công chức quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng: cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

“Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định”, ông Tân nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu nhằm có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.

Đồng thời, cần phải làm rõ được nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tán thành đề xuất bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, song theo ông Định, hoạt động của công chức là “hoạt động công vụ”, hoạt động của viên chức là “hoạt động nghề nghiệp”, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là khác nhau.

Vì thế, nên tách, đưa nguyên tắc về xử lý kỷ luật đối với viên chức vào Điều 2 về sửa đổi Luật Viên chức và nghiên cứu, cân nhắc để thể hiện được những điểm khác nhau trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với xử lý kỷ luật viên chức.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật, Chính phủ cũng đề nghị không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi giữ đồng thời 2 hình thức kỷ luật "giáng chức" và "cách chức" dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng "giáng chức" thay vì phải "cách chức".

Hơn nữa, quy định kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức "giáng chức" thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

"Để bảo đảm sự nghiêm khắc với các vi phạm, đặc biệt là vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý ở mức độ nhẹ hơn thì dự thảo Luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật lại có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục giữ quy định "giáng chức", vì cho rằng về mặt pháp lý, quy định này là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua đã được áp dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.