Xã hội

Kỷ luật nguyên Bộ trưởng nhưng khó xử cựu quan chức địa phương?

24/05/2019, 18:58

ĐBQH đặt vấn đề: Bộ trưởng về hưu có thể bị kỷ luật, nhưng với quan chức cấp địa phương về hưu mà có vi phạm thì ai ra quyết định kỷ luật?

img
Ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đó, quy định kỷ luật cán bộ công chức đã nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi từ phía các đại biểu.

Liên quan tới việc xử lý kỷ luật cán bộ về hưu trong thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu vấn đề: "Đối với các chức vụ từ Bộ trưởng trở lên, khi về hưu bị kỷ luật thì có Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách “nguyên Bộ trưởng”. Vậy quan chức cấp địa phương, nếu về hưu thì ai ra quyết định cảnh cáo, ai ra quyết định khiển trách? Do đó phải cân nhắc kỹ cơ sở pháp lý, phải đảm bảo chặt chẽ nếu không sẽ không xử lý được, không có tác dụng răn đe".

Tương tự, đại biểu Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cho biết, vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng có hàng loạt công chức, khi bị phát hiện vi phạm thì đã nghỉ hưu.

“Có mấy đồng chí như nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Giám đốc Sở Y tế dính một loạt sai phạm, nhưng cũng không xử lý được và cũng chả giải quyết được điều gì vì họ đã hạ cánh an toàn. Vì vậy, tôi cũng đề nghị cần phải có quy định rõ hơn về xử lý đối với đảng viên, quan chức tại địa phương, ai là người ra quyết định khiển trách, ai cảnh cáo... Bên cạnh đó, cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe cho những người sau, tránh trường hợp cán bộ trước như thế, cán bộ sau cũng có thể làm được, thậm chí làm quá hơn”.

Đi vào giải pháp cụ thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị nên bỏ hình thức xóa tư cách “nguyên” lãnh đạo mà lâu nay vẫn đang áp dụng. “Thực tế không hề có chức danh này vì “không có ai bổ nhiệm cả”, mà đã không có thì không thể cách chức được. Vì vậy, đề nghị có hình thức kỷ luật thiết thực hơn, chẳng hạn nên phạt tiền, tính từ thời điểm vi phạm đến khi nghỉ hưu”, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề xuất.

Liên quan về đề xuất kỷ luật cán bộ về hưu bằng cách trừ tiền lương hưu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phản đối: “Sao anh lại trừ tiền lương hưu của người ta? Việc cắt lương hưu chỉ có thể áp dụng nếu vị cựu quan chức đó vi phạm, phải đi tù. Còn khi vẫn được công nhận quyền công dân thì phải trả lại lương hưu cho họ. Chúng ta từng có bài học xương máu trước năm 1995 là cắt hết, bây giờ rất nhiều người không được trả lại”.

Ngoài ra, ông Lợi cũng đề nghị cần bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ công chức vi phạm. “Quan điểm cá nhân của tôi là trong luật này không nên vừa có giáng chức vừa cách chức. Anh đã vi phạm thì tôi phải cách chức anh. Còn nếu anh phấn đấu thế nào để bổ nhiệm trở lại vị trí cũ thì là do anh phải phấn đấu, tu nhân tích đức”, vị đại biểu nêu quan điểm.

Được biết, tại Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình Quốc hội kỳ này, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng: Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi giữ đồng thời 2 hình thức kỷ luật "giáng chức" và "cách chức" dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng "giáng chức" thay vì phải "cách chức".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.