Sản phẩm mới

Kỷ nguyên máy bay siêu thanh sắp trở thành hiện thực

29/07/2016, 06:03

Flash Falcon có thể chở đến 250 hành khách, tốc độ nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

1

Flash Falcon có thể chở đến 250 hành khách, tốc độ nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Sau sự cố máy bay Concorde diễn ra cách đây 15 năm, trong tương lai sẽ có thế hệ máy bay siêu thanh mới Flash Falcon, tốc độ cao gấp 3 lần vận tốc âm thanh, theo BBC.

Chuyên gia thiết kế Tây Ban Nha - Oscar Vinals hiện đang nghiên cứu cho ra đời thế hệ máy bay siêu thanh mới có tên Flash Falcon, với cấu trúc 2 tầng, giống một phi thuyền không gian, tốc độ đạt Mach 3 (3.680km/h - gấp ba lần vận tốc âm thanh), có thể chở được 250 hành khách. Flash Falcon có thể bay xuyên đại dương, từ Sân bay Heathrow ở London (Anh) đến Sân bay John F. Kennedy (Mỹ) chỉ mất khoảng 180 phút.

Ngoài ra, Flash Falcon có thể nghiêng tới 200, cất/ hạ cánh như trực thăng. Đặc biệt, Flash Falcon chạy bằng năng lượng phi carborn, với động cơ siêu âm dựa trên lò phản ứng nhiệt hạch di động cùng với 6 động cơ điện di động. Phản ứng tổng hợp hạt nhân là yếu tố quan trọng của Flash Falcon để tạo năng lượng thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường. Động cơ siêu âm được chế từ vật liệu siêu bền, siêu nhẹ và có tác dụng bảo vệ máy bay trong trường hợp bất trắc xảy ra.

Theo Oscar Vinals, phản ứng nhiệt hạch là nguồn năng lượng tối ưu cho tương lai, nó không chỉ mang tính kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường. “Hiện nay có nhiều dự án sử dụng phản ứng nhiệt hạch như dự án Tokamak, Iter và Stellarator. Tôi hy vọng trong vòng 5-7 năm nữa, thiết kế lò phản ứng nhiệt hạch sẽ được cải tiến, tăng tính ổn định, hiệu quả và an toàn nên có thể dùng cho máy bay được”, Oscar Vinals nói.

Simon Weeks, chuyên gia hàng không của Viện Công nghệ không gian vũ trụ Mỹ (ATI) cho rằng, để ứng dụng năng lượng nhiệt hạch cho máy bay, vấn đề cốt lõi là quản lý và sử dụng lò phản ứng nhiệt hạch. Điều này không chỉ cần đến một “hệ thống khép kín”, tức lò phản ứng sử dụng nhiên liệu thải, mà còn cần đến một lượng lớn vật liệu bọc, che chắn bức xạ - Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân sản sinh nhiều neutron, đây chính là nguồn bức xạ nguy hiểm nhất cho con người và môi trường”, Simon Weeks nhấn mạnh.

Riêng trường hợp lò phản ứng tổng hợp hạt nhân của Flash Falcon chưa được công bố nên người ta chưa rõ có an toàn hay không. Về phần mình Oscar Vinalss tin rằng, công nghệ hiện nay vẫn chưa chín muồi, nhưng trong 10 năm tới, năng lượng nhiệt hạch có thể sẽ trở nên thông dụng, ra đời thế hệ năng lượng mới, giúp cho những chuyến bay siêu âm sẽ trở thành hiện thực. Đặc biệt, lò phản ứng được cải tiến với những tấm chắn vừa nhẹ lại hiệu quả để ngăn chặn sự ảnh hưởng của các neutron. Và lúc đó trọng lượng của máy bay sẽ nhẹ hơn nhiều và kỷ nguyên máy bay siêu âm sẽ trở thành hiện thực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.