Chính trị

Kỷ niệm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải với cầu Rạch Miễu

22/03/2018, 17:23

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng cho rằng cầu Rạch Miễu là tiền đề xây dựng mô hình BOT giao thông.

unnamed

CốThủ tướng Phan Văn Khải và lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Tiền Giang trong ngày hợp long cầu Rạch Miễu

Ban biên tập Báo Giao thông trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của cố Thủ tướng Phan Văn Khải về cầu Rạch Miễu - một công trình đặc biệt của ngành giao thông.

Đây cũng là dự án nhận được nhiều sự băn khoăn lo lắng khi xin chủ trương của Chính phủ, bởi có quá nhiều thử thách chưa từng làm với những người quản lý dự án và thợ cầu Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, dự án đã hoàn thành như một mốc son của ngành GTVT, làm tiền đề cho rất nhiều dự án quan trọng sau này. Công trình khi đó do chính Thủ tướng ký phê duyệt dự án và đích thân tới dự lễ hợp long. Bài viết của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đăng trong cuốn sách Cầu Rạch Miễu - Khát vọng và hiện thực do Bộ GTVT chủ biên và phát hành năm 2009.

Sự khẳng định của những niềm tin

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải

Tôi rất vui khi được tin cầu Rạch Miễu tổ chức khánh thành thông xe vào ngày 19/1/2009. Chúng ta đã phải vượt qua nhiều thách thức và trở ngại để có được thành quả này. Những niềm tin của cá nhân tôi khi đặt bút phê duyệt  dự án này, cũng như niềm tin của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công nhân ngành GTVT, của lãnh đạo và nhân dân hai  tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long đối với sự thành công và hiệu quả to lớn của việc xây dựng cầu Rạch Miễu, đã được khẳng định.

Hơn thế nữa, thành quả này còn là sự khẳng định niềm tin vào lòng quả cảm, ý chí quyết tâm, tự lực tự cường, tinh thần dám nghĩ dám làm, chịu trách nhiệm trước  nhân dân của chúng ta để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như  Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong muốn.

Cách đây hơn 6 năm, không phải không có những băn khoăn, lo lắng của một số ít người đối với sự thành công của dự án này: Việt Nam có đủ năng lực, tri thức và kinh ngiệm để làm chủ kỹ thuật công nghệ xây dựng cầu dây văng nhịp lớn nhất hay chưa? Liệu việc xây dựng cầu Rạch Miễu có thực sự hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội? Liệu mô hình xây dựng, khai thác, chuyển giao (BOT) đã thích hợp đối với một công trình xây dựng kết cấu hạ tầng tầm cỡ, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài như dự án xây dựng cầu Rạch Miễu không?

Liệu các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông trong nước đảm nhận công trình này có đủ năng lực mọi mặt để thi công và đảm bảo chất lượng đối với một công trình có yêu cầu về tài chính khá lớn và rất phức tạp về mặt kỹ thuật như cầu Rạch Miễu chưa? Và còn nhiều câu hỏi liên quan khác nữa. Nhưng hôm nay, những câu hỏi này đã được giải đáp thỏa đáng.

Cầu Rạch Miễu, cây cầu dây văng hiện đại đòi hỏi những công nghệ kỹ thuật xây dựng rất phức tạp đã được các kỹ sư, cán bộ, công nhân của chúng ta xây dựng thành công.  Kiên trì học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệp, tăng cường hợp tác trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, chịu khó tìm tòi suy nghĩ, các kỹ sư và công nhân của chúng ta đã nắm bắt và làm chủ được tất cả các khâu tính toán, thiết kế, thi công dựng lắp và bảo trì sau này đối với cây cầu dây văng hiện đại này.

Các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, các đơn vị thi công xây lắp của các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 5, 6 của Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án xây dựng giao thông 7 cùng các cơ quan tham mưu chức năng của Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp rất có hiệu quả để cùng nhau giải quyết rất tốt các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ để có được thành quả.

Công trình này theo tôi đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng cầu của nước ta. Chúng ta có quyền tự hào là đội ngũ cán bộ công nhân của Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các vấn đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật trong việc xây dựng các công trình xây dựng giao thông hiện đại. Cầu bê tông vượt nhịp lớn, hầm đường bộ hiện đại và giờ đây là cầu dây văng vượt nhịp hàng mấy trăm mét. Và còn nhiều công nghệ xây dựng hiện đại và tiên tiến khác nữa. Niềm tin vào trí tuệ và năng lực của chúng ta càng được khẳng định.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án này, nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, hợp lý hóa và hoàn thiện từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt. Những khó khăn ban đầu về mô hình tổ chức quản lý xây dựng theo phương thức BOT, về huy động nguồn lực trình độ cao, thiết bị hiện đại đã được chúng ta vượt qua, tìm được cách giải quyết và giải quyết thành công.

Có thể nói, ít có một công trình xây dựng nào nhận được sự quan tâm và trực tiếp giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, về nguồn vốn, về giải phóng mặt bằng… của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các ngành và của lãnh đạo các cấp hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang như đối với công trình này. Qua đó, chúng ta đã thành công trong việc hoàn thiện từng bước mô hình Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các dự án đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Đó còn là mô hình kết hợp mẫu mực giữa Trung ương và địa phương trong dự án này. Và còn nhiều bài học kinh nghiệm khác mà Bộ GTVT, các Bộ, ngành liên quan cùng với các địa phương cần tổ chức tổng kết để vận dụng cho các dự án sắp tới.

Cầu Rạch Miễu hoàn thành đưa vào khai thác đã đáp ứng lòng mong mỏi, thỏa mãn ước mơ ngàn đời không những của người dân trên mảnh đất ba dải cù lao, bốn bể bao bọc bởi các con sông lớn của hệ thống sông Cửu Long, mảnh đất Bến Tre anh hùng, mảnh đất quê hương của phong trào Đồng Khởi, mà còn nối thông Quốc lộ 60, phá thế ngăn sông cách trở, gắn kết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mở ra triển vọng to lớn để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, giao thương trong vùng. Không còn bao lâu nữa, khi cầu Hàm Lương hoàn thành đưa vào khai thác, cầu Cổ Chiên được xây dựng thì điều kiện phát triển của khu vực này càng thuận lợi hơn, càng được khẳng định hơn.

Ngày 20/08/2008 vừa qua, khi tham dự buổi lễ hợp long nối thông nhịp chính dây văng cầu Rạch Miễu, tôi đã được chứng kiến và chia sẻ nỗi vui sướng, phấn khởi, niềm hân hoan tột độ của cán bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Những khuôn mặt rạng ngời, những cái bắt tay nồng ấm, những lời cảm ơn sâu sắc, chân tình của nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và cả của nhân dân Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng…đối với những người thợ cầu là những khẳng định tuyệt vời sự đúng đắn của chủ trương xây dựng cầu Rạch Miễu, khẳng định niềm tin đối với Đảng. Thật là đúng ý Đảng, lòng dân.

Xây dựng thành công cầu dây văng hiện đại Rạch Miễu, ngành GTVT đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải nói chung và đặc biệt là trong việc thực hiện phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020 nói riêng.

TP.HCM năm 2009

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.