Thế giới giao thông

Kỹ sư khiến Hyundai, Kia phải triệu hồi hàng triệu xe

18/05/2017, 09:34

Ông Kim Gwang-ho, một kỹ sư ở Hàn Quốc khiến người ta nhớ lại câu chuyện "Lê Văn Tạch tại Việt Nam".

23

Ông Kim Gwang-ho, nhân vật chính trong câu chuyện tố cáo hãng Hyundai ở Hàn Quốc

Câu chuyện tố giác lỗi động cơ trên nhiều phương tiện của hai hãng sản xuất ô tô Hyundai và Kia của một kỹ sư Hyundai tại Hàn Quốc khiến hai hãng này phải đối mặt lệnh triệu hồi hiếm thấy, có nội dung tương tự chuyện kỹ sư Lê Văn Tạch tố chất lượng và ỉm lỗi xe Toyota Việt Nam năm nào. 

Bay từ Hàn Quốc sang Mỹ để tố cáo

Nhân vật chính trong câu chuyện này là kỹ sư người Hàn Quốc Kim Gwang-ho (55 tuổi), làm việc tại Hyundai hơn 26 năm. Ông Kim bắt đầu làm việc tại Hyundai từ năm 1991 ở vị trí kỹ sư kế hoạch - thử nghiệm động cơ và luôn là người làm công, ăn lương trung thành, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tố giác nội tình cơ quan.

Năm 2015, ông Kim được chuyển sang Đội Chiến lược chất lượng của Hyundai - bộ phận chịu trách nhiệm đưa ra quyết định về thu hồi xe lỗi. Cùng năm, Hyundai thông báo lệnh triệu hồi khoảng nửa triệu xe sedan Sonata tại thị trường Mỹ vì lỗi sản xuất có thể khiến động cơ dừng bất ngờ. 

"Có lẽ, tôi là người tố giác đầu tiên và cũng là cuối cùng trong ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc. Vì để làm việc đó, chúng tôi phải mất quá nhiều thứ”.

Ông Kim chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Reuters

Không đồng tình với quyết định này, ông Kim cho rằng, Hyundai đã che giấu lỗi thực sự nghiêm trọng và trên diện rộng, ảnh hưởng tới nhiều dòng xe và cả thị trường Hàn Quốc. Theo ông Kim, lỗi đó không nằm ở quy trình sản xuất mà liên quan tới thiết kế động cơ.

Đồng nghĩa, Hyundai cần phải khắc phục lỗi động cơ trên tất cả xe ô tô bị ảnh hưởng với mức giá rất “chát”, Reuters dẫn lời ông Kim cho biết. Về phần mình, hãng Hyundai từ chối các cáo buộc, cho biết họ luôn giám sát tất cả các vấn đề mà ông Kim đưa ra. “Hyundai đã thực hiện các bước đi thích hợp để đảm bảo an toàn, chất lượng, tuân thủ quy định hiện hành trên các thị trường mà chúng tôi hoạt động, trong đó tất cả xe Hyundai bị ảnh hưởng đều được triệu hồi đúng hạn”. 

Tuy nhiên, ông Kim đã bay hơn 8.000km từ Hàn Quốc sang Washington để làm điều mà ông chưa bao giờ nghĩ đến, đó là tố cáo lỗi của phương tiện Hyundai tới Cơ quan An toàn đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA).

Theo báo cáo nội bộ từ Đội Chiến lược chất lượng của Hyundai, ông Kim tố cáo hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc không làm đến cùng để giải quyết lỗi động cơ dẫn đến phương tiện có nguy cơ cao gây ra tai nạn. Sau đó, ông Kim đã chia sẻ thông tin với báo giới và giới chức trách Hàn Quốc. Một quan chức Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết, sau động thái đó, Hyundai đã bị điều tra và triệu hồi các phương tiện tại Hàn Quốc.

Tháng trước, Hyundai và Kia đã thông báo triệu hồi 1,5 triệu ô tô tại Mỹ, Canada, Hàn Quốc vì lỗi dừng động cơ, tiêu tốn tới 360 tỉ won (318 triệu USD). NHTSA không cho biết, quyết định này có xuất phát từ thông tin mà ông Kim tiết lộ hay không. NHTSA khẳng định, họ đang xem xét các tài liệu mà ông Kim cung cấp và sẽ có động thái thích hợp”. 

Đáng chú ý, cuối tuần qua, vì bê bối trên, Bộ Giao thông lần đầu tiên ra quyết định bắt buộc triệu hồi toàn bộ các phương tiện của Hyundai và Kia có liên quan. Theo đó, Hyundai và Kia (thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai Kia AG) thông báo triệu hồi hơn 240 nghìn phương tiện tại Hàn Quốc. 

Mặc dù vẫn thực thi lệnh triệu hồi nhưng hãng Hyundai bác bỏ mọi cáo buộc. Trong thông báo gửi tới Reuters, công ty này cho biết, họ khuyến khích việc cởi mở và minh bạch hóa trong tất cả các hoạt động liên quan tới an toàn; Mọi quyết định triệu hồi đều tuân thủ các thủ tục an toàn trong nước và quốc tế.

“Kỹ sư Tạch của Hàn Quốc”

Hành động của ông Kim gây liên tưởng tới câu chuyện của kỹ sư Lê Văn Tạch tại Việt Nam năm nào. Vốn là một kỹ sư ô tô làm việc nhiều năm trong Phòng Kỹ thuật Công ty Toyota Việt Nam (TMV), ông Tạch đã mạo hiểm tố giác chất lượng và ỉm lỗi xe Toyota khiến dư luận “dậy sóng”, làm thay đổi lịch sử triệu hồi xe ở Việt Nam.

Sau sự việc, ông Tạch đã không được làm công việc chuyên môn cũng như mất cơ hội thăng tiến và trở thành người vận chuyển giao nhận xe. Tình hình ông Kim cũng không khá hơn. Hiện, chưa biết ông Kim có bị Hyundai kiện ra tòa vì tiết lộ thông tin mật hay không. Nhưng, tháng 2 vừa rồi, ông Kim đã bị cảnh sát khám xét nhà và thu giữ nhiều tài liệu, ổ cứng. Phía cảnh sát cho biết, họ đang điều tra khiếu nại của Hyundai với ông Kim. 

Giữa dòng văn hóa coi trọng sự trung thành với doanh nghiệp tại Hàn Quốc, hành động của ông Kim được coi là mạo hiểm vì đã “lội ngược dòng”, công bố 250 trang tài liệu về lỗi động cơ cùng 9 lỗi khác liên quan. Nhiều năm trở lại đây, Hàn Quốc chứng kiến nhiều doanh nghiệp gặp bê bối, nhưng rất hiếm trường hợp do lọt tin nội bộ. Vì những người để lộ thông tin mật thường có khả năng cao bị sa thải hoặc bị tẩy chay, kể cả pháp luật có bảo vệ họ, nhiều nhóm vận động cho biết. 

Ông Kim đã bị sa thải vào tháng 11 năm ngoái, vì rò rỉ các bí mật thương mại về công nghệ và việc kinh doanh của công ty cho truyền thông. Nhưng ông được phục chức sau phán quyết của cơ quan Chính phủ về Luật Bảo vệ người tố giác. Trước khi được phục chức, ông thất nghiệp và sống dựa vào tiền tiết kiệm, vay mượn. “Lúc đầu, vợ tôi khuyên không nên tố giác, vì cô ấy lo nếu tôi bị sa thải, gia đình sẽ gặp khó khăn. Nhưng tôi là người rất cứng đầu và nhất quyết thuyết phục vợ rằng, những vấn đề này sẽ mãi mãi bị chôn vùi nếu tôi không lên tiếng”, vị kỹ sư 55 tuổi kể lại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.