Giáo dục

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Đề thi Ngữ văn 100% lớp 12, thí sinh hớn hở

25/06/2019, 10:38
image

Với môn thi mở đầu Ngữ Văn được thầy và trò đánh giá dễ thở với phổ điểm trung bình khoảng 6-7.

img
Đề ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Thí sinh: Người phấn khởi, người "sốc"

Buổi thi Ngữ Văn được đánh giá tạo tâm lý tốt cho thí sinh bước vào buổi thi Toán chiều nay.

Bước ra khỏi điểm thi với gương mặt rạng rỡ, thí sinh Nguyễn Ngọc Trang tại điểm thi THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Em cảm thấy đề văn năm nay là vừa sức và có thể đạt được điều mà mình mong muốn. Em ước tính sẽ được khoảng 6-7 điểm và đủ để tốt nghiệp".

Video: Thí sinh nhận xét đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019

Trong khi đó, thị sinh Nguyễn Phương Uyên cho rằng: “Đề thi môn Ngữ Văn năm nay không hẳn là khó nhưng gây bất ngờ. Phần đọc hiểu khiến em mất khá nhiều thời gian để suy luận những nội dung có trong đó. Còn với tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” khiến em bị sốc. Có thể các bạn học khối xã hội sẽ làm tốt hơn”.

Tại TP.HCM nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức, có thể dễ dàng "kiếm" điểm 5-6.

img
Thí sinh Nguyễn Minh Tuấn, (tại điểm thi Nguyễn hữu Huân, TP.HCM) tự tin với bài làm môn Ngữ văn

Tại Bạc Liêu, nhiều thí sinh ở điểm thi trường THPT chuyên Bạc Liêu, (Cụm thi số 61) tỏ ra khá vui vẻ và phấn khởi, tự tin đạt điểm 6, điểm 7 với bài thi môn Ngữ văn.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thí sinh Nguyễn Huỳnh Mai Anh, lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Bạc Liêu đánh giá đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó, các giáo viên ôn thi sát với đề.

“Với khả năng của mình, em nghĩ kết quả đạt khoảng 6-7 điểm”, Mai Anh tự tin và cho rằng: Câu khó của đề thi nằm ở phần đọc hiểu, vì bài thơ đối với em có phần mới lạ, em chưa tiếp xúc nhiều với bài thơ này.

img
Nhiều thí sinh tỏ vẻ phấn khởi sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn. Ảnh: Gia Minh

Thí sinh Nguyễn Minh Khang lớp 12A8 trường THPT Bạc Liêu cũng cho rằng: Phần thi đọc hiểu khó hơn so với đề thi năm 2018. Tuy nhiên, theo đánh giá của em, đề thi nằm ở mức vừa sức với các bạn, không đánh đố thí sinh, nếu nắm chắc kiến thức, có thể đạt 6-7 điểm.

Giáo viên nhận xét gì?

Theo đánh giá của cô giáo Nguyễn Thu Nga, Giáo viên dạy Văn trường THPT Vinschool, đề thi năm nay vừa sức học sinh, phổ điểm rơi vào 6,5 và 7. Học sinh khá giỏi hoàn toàn có thể đạt 8 - 8.5 điểm.

Phần đọc hiểu đưa ra các câu hỏi nhỏ theo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu hỏi không khó, vừa sức học sinh, với những kiến thức cơ bản. Ở phần đọc hiểu có câu hỏi dễ, học sinh cấp 2 có thể làm được.

Nghị luận xã hội cơ bản, không đánh đố học sinh. Với câu hỏi đánh giá sức mạnh, ý chí con người trong cuộc sống thường được ôn đi lại nhiều… đưa vấn đề nghị luận rõ ràng. Đây là dạng đề nổi, không phải đề chìm nên học sinh trung bình có thể làm được. Tuy nhiên, với câu hỏi này thí sinh không được thể hiện nhiều quan điểm của mình so với việc ra câu hỏi dạng đề chìm.

Riêng với phần nghị luận văn học, thường học sinh sợ bài Sông Hương tuy nhiên đây là một đề dễ. Nếu đề thi không cho đoạn trích thì dễ gây khó khiên thí sinh bó tay, nhưng đề cho đoạn trích, thì học sinh chỉ nhìn vào đoạn trích để diễn đạt lại cũng… dễ đạt 2/5 điểm.

Đề thi năm nay tập trung 100% kiến thức lớp 12, không có so sánh liên hệ với kiến thức lớp 10 và lớp 11 như công bố của Bộ.

"Với đề thi này tương đối dễ thở sẽ tạo tâm lý tốt cho học sinh trong các buổi thi sau", cô Nga chia sẻ.

Chia sẻ về đề Ngữ Văn của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 này, cô Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm HN) cho rằng đề thi chưa đảm bảo đủ tiêu chí phân loại đánh giá thí sinh, cũng như chưa đủ “mở” để thí sinh được thể hiện quan điểm, cá tính của mình. Đề thi mới dừng ở kiểm tra kiến thức thí sinh.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Hương Thủy, giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận định: Đề thi có cấu trúc tương đương với đề minh họa. Học sinh không bị bỡ ngỡ và có tinh thần làm bài khá thoải mái. Đề đã đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh THPT. Học sinh có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, tải nghiệm của cá nhân.

Với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.

Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”); những học sinh thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.

Cô Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đề văn về cơ bản không đánh đố học sinh. Câu nghị luận xã hội đề tài quen thuộc dễ bày tỏ suy nghĩ. Câu nghị luận về sông Hương cũng rõ ràng, học sinh hầu như được ôn khá kỹ trong nhà trường vì vậy học sinh trung bình cũng làm được.

“Nhìn chung đề kiến thức chủ yếu nằm trong lớp 12, kiến thức cơ bản. Học sinh trung bình làm được cơ bản, tuy nhiên vẫn phát huy được sự sáng tạo của học sinh vì các câu hỏi nghị luận đều theo hướng mở, học sinh có thể tự do bày tỏ theo cảm nhận. Đặc biệt là nghị luận văn học về phần Sông Hương khá dễ viết, dễ cảm dù chưa hoàn toàn mới mẻ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.