Điện ảnh

Kỳ thú show diễn tái hiện làng quê Bắc bộ

30/03/2023, 07:19

“Tinh hoa Bắc bộ” gói gọn trong thời gian ngắn với cách thể hiện sinh động, độc đáo, sau gần 6 năm hoạt động đã thu hút 80.000 lượt khán giả.

Vở diễn thực cảnh ngoài trời “Tinh hoa Bắc bộ” diễn ra mỗi dịp cuối tuần tại Khu du lịch sinh thái Tuần Châu (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) đã trở thành một “món quà” người Hà Nội tự hào giới thiệu với bạn bè.

Những nghệ sĩ nông dân

img

Thủy đình tỷ lệ 1:1 với thủy đình Chùa Thầy đang nổi lên mặt nước trong 60 giây

19h30 tối, sau cánh cổng gỗ, từng đoàn người nuối đuôi nhau lách qua những rặng tre, dưới ánh đèn vàng, vào sân khấu chính. Con đường quanh co, gió thoang thoảng, tre đong đưa, lao xao như dẫn khách trở lại quê cũ.

“Ôi! như đi xem văn công!”, chị Phùng Thị Hạnh, một khán giả thốt lên háo hức. Ký ức tuổi thơ ùa về, chị Hạnh chia sẻ, quê chị ở ven đô Hà Nội. Khoảng thập niên 80 thế kỷ XX, đèn điện, ti vi là những món đồ xa xỉ. Vì thế, mỗi khi có đoàn văn công về diễn tại sân đình, cả làng ăn cơm tối sớm, rồng rắn rủ nhau đi xem. Ai cũng cắp theo một chiếc ghế và cố dành cho được chỗ gần để xem cho rõ...

Bà Nguyễn Thị Ước (60 tuổi) chợt trùng lại trước hình ảnh gắn với cuộc sống của bà những năm 80 thế kỷ XX. Đó là sự đối lập giữa không gian sân khấu tối đen với hoạt cảnh sản xuất hối hả, người đánh cá, người cất vó, người úp nơm, sàng gạo, lũ trẻ bì bõm nô đùa, vồ cá trên ruộng nước.

Âm thanh, ánh sáng 4D khiến sân khấu càng trở nên sống động như một góc làng quê xưa.

Cảnh trí lại thay đổi khi 4 cô gái mặc áo tứ thân, thổi sáo, gảy đàn trong 4 khung tranh giữa lòng hồ qua máy chiếu, bỗng từ trong tranh bước ra. Rồi chiếc thủy đình nặng hàng chục tấn nổi lên và biến mất trên mặt nước chỉ trong tích tắc, khiến người xem trầm trồ.

Chương trình diễn ra hơn 1 giờ với 20 phân cảnh, 6 phần nội dung: Thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui, ngày hội, giúp khán giả cảm nhận được các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc... lồng ghép vào đó các tác phẩm như: Ca trù, quan họ, hầu đồng…

Dẫn dắt bằng sự tích Chùa Thầy gắn với công đức thiền sư Từ Đạo Hạnh dạy học, giảng đạo, chữa bệnh, dạy dân các trò đá cầu, đánh vật, múa rối nước, hát chèo... chương trình đem lại cho khán giả đi hết từ cảm xúc này đến cảm xúc khác.

Đáng nói, những bất ngờ đó được tạo ra bởi chính những người nông dân địa phương. Nhiều khán giả nước ngoài thích thú cho biết, họ đặc biệt ấn tượng khi được giới thiệu các diễn viên trên sân khấu nước đa phần là các diễn viên không chuyên. Nhờ chính những kỹ năng nhà nông thuần thục, các “diễn viên” đã thể hiện rất uyển chuyển, mềm mại, diễn mà như không diễn.

“Tinh hoa Bắc bộ” gói gọn trong thời gian ngắn với cách thể hiện sinh động, độc đáo, sau gần 6 năm đi vào hoạt động đã thu hút 80 nghìn lượt khách, trong đó 50 nghìn lượt khách quốc tế. Bản thân “Tinh hoa Bắc bộ” cũng đón nhận 2 kỷ lục Guinness Việt Nam: “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” (4.300m²) và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” (150 nông dân).

Chủ đầu tư đã khéo léo khước từ chia sẻ về doanh thu từ vở diễn, nhưng theo nhẩm tính, nếu mỗi buổi diễn được lấp đầy 2.000 ghế, giá vé hiện tại trung bình khoảng 300.000 đồng/người (người lớn 400.000 đồng/vé, trẻ em 200.000 đồng/vé), mỗi buổi diễn mang về khoảng 600 triệu đồng, tương ứng doanh thu khoảng 28 tỷ đồng/năm.

Thu nhỏ cả ngôi làng vào 2ha

Dẫn PV dạo quanh khuôn viên khoảng 20.000m2, bà Nguyễn Thị Phương Thơm, Giám đốc Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cho biết, “Tinh hoa Bắc bộ” được xây dựng dựa trên ý tưởng quảng bá nét đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới của Chủ tịch Đào Hồng Tuyển.

“Điều đặc biệt ở loại hình nghệ thuật này là có thể mang đến trải nghiệm chân thực nhất với khán giả thông qua những bối cảnh sân khấu thực tế, từ cảnh quan thiên nhiên cộng với âm thanh ánh sáng hiện đại”, bà Thơm kể, Tuần Châu đã đầu tư gần 10 triệu USD cho một vở diễn và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

Theo bà Thơm, ban đầu, dù ý tưởng, kịch bản đã có, nhưng để hiện thực hoá thì phải mất hàng năm trời. Để thu nhỏ cả ngôi làng vào diện tích 2ha, đòi hỏi mọi thứ phải co lại.

Trong đó, việc tìm tre là đau đầu nhất. Sau khi tìm kiếm khắp 7 tỉnh miền Bắc, cuối cùng đội ngũ cũng “chốt” được giống tre trúc Hoà Bình, vừa đáp ứng được tiêu chí đặt ra, vừa tiện vận chuyển về Hà Nội. Tuần Châu đặt mua nguyên cả một đồi, đánh từng khóm một về Sài Sơn, chăm mất gần 1 năm để tre hồi phục như ban đầu.

Đứng cạnh thủy đình giữa sân khấu nước, bà Thơm cho hay, thủy đình này phục vụ phân cảnh múa rối nước. Cao khoảng 13m, ngang 10m và nặng khoảng chục tấn, nó được làm tỷ lệ 1:1 với thủy đình nghìn năm tuổi trên hồ Long Trì trước cửa Chùa Thầy.

Lúc triển khai, đạo diễn yêu cầu đặt chìm dưới nước, đến đoạn diễn múa rối mới nổi lên trong thời gian 60 giây. Hết đoạn diễn khoảng 10 phút lại hạ chìm, không tạo sóng ảnh hưởng đến các cảnh diễn khác.

“Công nghệ nâng, hạ thì nước ngoài có nhiều, nhưng làm sao để đáp ứng yêu cầu của đạo diễn mới đau đầu. Mời chuyên gia nước ngoài, rồi cả kỹ sư chế tàu ngầm về hỗ trợ cũng không ăn thua. Cuối cùng, chính những người thợ cơ khí địa phương lại khắc phục được”, bà Thơm chia sẻ.

Chùa Thầy thêm hấp dẫn

Gắn bó với vở diễn từ những ngày đầu, ông Đỗ Xuân Thanh, Giám đốc Câu lạc bộ thực cảnh chia sẻ, khoảng 150/250 diễn viên là nông dân, chưa tiếp cận nhiều với diễn xuất. Do đó, ông đã vẽ ra một sân khấu nước trên cạn, như thật cho bà con luyện tập trong 2 năm.

“Trước mỗi buổi diễn, ốm đến mấy cũng phải ôm chiếc điện thoại xem ai báo nghỉ để còn kịp lấp chỗ trống”, ông Thanh chia sẻ.

Anh Tô Văn Đức, công nhân kiêm vai độc “anh Mõ” cho biết: Ngày thường anh làm công nhân của bộ phận đạo cụ. Khi vở diễn tổ chức anh lại làm diễn viên. Anh tự hào và có rất nhiều cảm xúc mỗi khi bước lên sân khấu để làm tròn các vai diễn của mình.

Ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Văn hoá huyện Quốc Oai cho biết: Người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp. Sau khi Tập đoàn Tuần Châu về đầu tư, sử dụng lao động địa phương phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại xung quanh cũng phát triển nhờ tiêu thụ được các sản phẩm cho du khách. Bản thân Tuần Châu cũng thu hút khách du lịch mọi nơi đổ về, giúp phát triển được hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là di tích Chùa Thầy.

“Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, đường sá cũng phát triển, góp phần phát triển đời sống sinh hoạt cho bà con. Địa phương đang làm hồ sơ, cải tạo hạ tầng Chùa Thầy trở thành điểm du lịch thành phố, kết nối các điểm du lịch văn hoá Hà Nội”, ông Nam chia sẻ.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho hay, sân khấu "Tinh hoa Bắc bộ" rộng đến 19.000m2, trong đó khu vực hồ nước rộng gần 4.300m2.

Để tạo hiệu ứng tốt, ngoài cảnh đẹp sẵn từ thiên nhiên, sân khấu thực cảnh phải sử dụng nhiều kỹ thuật dàn dựng sân khấu cũng như hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại bao gồm giao thoa laser và 3D mapping.

Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng trong show diễn đều là những thiết bị hàng đầu trên thế giới. Chính hiệu ứng này đã tôn lên sự kỳ vĩ, hoành tráng của không gian thiên nhiên, góp phần tạo nên sự đặc sắc của vở diễn.

Nguyễn Dung

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.