Công nghệ mới

Kỳ tích của chàng trai Việt chế tạo phi thuyền vào không gian

12/04/2015, 07:44

Việc thử nghiệm thành công chiếc phi thuyền vào không gian khiến giới khoa học ngỡ ngàng, làm chấn động dư luận.

gia-vinh2
Phạm Gia Vinh - người đứng bên phải.

“Một cuộc sống không mục tiêu là một cuộc sống không giá trị”, xin mượn câu nói trên của thiên tài Albert Einstein để nói về Phạm Gia Vinh. Bởi có lẽ nếu có cơ hội tiếp xúc và “ngắm nhìn” những gì anh đã làm trong suốt những năm tháng qua thì sẽ thấy Vinh theo đuổi đam mê như thế nào. Chế tạo thành công phi thuyền vào không gian.

Ai? Một nhà khoa học nào đó trên trái đất này à? Không, tác giả của chiếc phi thuyền ấy chính là Phạm Gia Vinh. Việc thử nghiệm thành công khiến giới khoa học ngỡ ngàng, làm chấn động dư luận, nhưng cao cả hơn, giá trị nhân sinh của công trình sẽ mở ra những cơ hội  lớn trong nghiên cứu tầng khí quyển cao, nghiên cứu môi trường, tài nguyên, viễn thông và phục vụ quốc phòng… 

Bắt đầu từ câu hỏi tại sao (?)

Có lẽ, với bất kỳ ai, ở độ tuổi nào nếu quan tâm hoặc đam mê máy bay mô hình ở Việt Nam hẳn không còn xa lạ với chàng trai trẻ có cái tên Phạm Gia Vinh. Bởi giới thích điều khiển động cơ bay ít nhiều đã từng gặp hoặc nghe tiếng Vinh trên cương vị Chủ nhiệm CLB máy bay mô hình phía Bắc với rất nhiều các mẫu máy bay được các bạn trẻ đam mê. Chàng trai thuộc thế hệ 8X này còn là Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu và Phát triển Đông Giang - một trong số ít công ty chuyên biệt nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái ở Việt Nam.

Phạm Gia Vinh tâm sự, tên công ty được lấy từ chính tên ông ngoại của anh, đó là Thiếu tướng Võ Đông Giang, nguyên Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư. Nhưng nếu chỉ có vậy là chưa đủ để nói về Phạm Gia Vinh, khi mà mới đây, ngày 3-4-2015, đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về hàng không vũ trụ đã gặp trực tiếp anh, lý do là gì, chúng ta cùng đi tìm câu trả lời… 

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm ngoại giao, từ nhỏ Phạm Gia Vinh đã theo bố mẹ sang Đức - nơi đây đã nhóm lên tình yêu của anh với khoa học, đặc biệt là niềm đam mê với máy bay. Vinh tâm sự, thuở đó, tôi vô tình lạc bước tới một cửa hàng ở Đức và bị “ngợp” vì thấy người ta bán rất nhiều máy bay mô hình.

Đôi chân tôi níu lại, đôi mắt thì “dán” chặt vào những mô phỏng máy bay và ngắm chúng rất lâu. Rồi suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu rằng, tại sao mình không tự làm ra chúng và điều khiển chúng bay được? Câu chuyện bẵng đi, anh tốt nghiệp cấp III rồi sang Pháp học chuyên ngành Điện, Điện tử công nghiệp - Điều khiển tự động tại Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Pháp (INSA de Rennes).

Đây được coi là cái nôi đầu tiên để chàng trai trên cương vị Chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại TP Rennes, Pháp biến ước mơ thuở nhỏ của mình thành hiện thực. 5 năm theo học, Vinh trở thành Chủ tịch CLB Hàng không của trường, được cấp chứng chỉ huấn luyện viên và bay biểu diễn. Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, anh tiếp tục theo học chương trình Thạc sỹ tại trường ĐH Paris 12, bước chuyển tiếp nối khiến khát khao về những chiếc máy bay có thể bay được trên bầu trời càng cháy bỏng. Từ lý thuyết bước ra thực tế, trong thời gian thực tập, Phạm Gia Vinh làm việc cho Công ty MID - đơn vị chuyên sản xuất máy bay mô hình hàng đầu thế giới.

gia-vinh3
 

 Được đào tạo bài bản, cộng thêm kinh nghiệm, Phạm Gia Vinh được nhiều nơi ở Pháp lẫn châu Âu mời về làm việc với sự đối đãi hấp dẫn, không chút do dự, lời từ chối nhanh chóng được đưa ra. Anh trở về quê hương để bắt tay vào thực hiện ước mơ được tự nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái; đặc biệt hơn cả mà theo anh chia sẻ đó là được đóng góp chút trí tuệ nhỏ bé của mình cho ngành công nghiệp còn non trẻ này ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, ở tuổi 25, Phạm Gia Vinh thành lập công ty và trở thành người điều hành. 

Thất bại không đếm xuể

“Chúng tôi quyết định sản xuất phi thuyền bay vào không gian hoàn toàn ở Việt Nam để khẳng định công nghệ của nước ta, cũng như muốn chứng minh rằng Việt Nam có khả năng xuất khẩu những sáng chế công nghệ ra nước ngoài”, Phạm Gia Vinh bày tỏ. Nhưng để có được thành tựu ngày hôm nay, ngày mới bắt đầu, anh bắt tay vào phát triển các loại máy bay và khí cụ bay không người lái, những sản phẩm đầu tiên ra đời là máy bay không người lái tự động và bán tự động (M94, M96) phục vụ huấn luyện phòng không. 

Khởi đầu từ số vốn ít ỏi, hoạt động trong một “địa hạt” đặc biệt đã tạo cho công ty của Vinh có những bước đi chắc chắn, những lô hàng máy bay mô hình được xuất khẩu ngược trở lại châu Âu. Phạm Gia Vinh chia sẻ: Nói đến thành quả thì đơn giản vậy, nhưng hành trình chinh phục chính mình, sau rồi đến khách hàng đầy những gian nan, khó khăn.

gia-vinh1
 

Còn nhớ năm 2009, thế giới chìm vào cơn suy thoái kinh tế khiến mọi chi tiêu bị cắt giảm, có những giai đoạn công ty không xuất được một đơn hàng nào, tiền không dễ kiếm. Cũng nản lắm chứ, nhưng đầu hàng là thất bại. Rồi những bỡ ngỡ trong quản lý, thiếu kinh nghiệm, làm người chèo lái công ty lại buộc tôi phải tự học, mày mò nghiên cứu. Rồi lao vào thiết kế các mẫu máy bay, cùng cộng sự trực tiếp xuống xưởng láp ráp mô hình cùng công nhân để tạo niềm vui trong quãng lặng đó.

Về nguyên lý hoạt động, sản xuất máy bay mô hình cũng giống như máy bay ứng dụng cần phải có một đội ngũ kỹ sư, công nhân trình độ tay nghề cao, mà nhân lực trong hạng mục này không nhiều, vì vậy tôi phải vừa làm vừa hướng dẫn các cộng sự bằng những kiến thức mình đã được học và thực nghiệm để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, ưng ý và hoàn hảo nhất. Mà nào chỉ có thế, máy bay mô hình muốn hoàn thiện phải trải qua những cuộc bay thử nghiệm và máy bay… rơi.

Thế là tiền tan tành mây khói, thiệt hại vô cùng lớn vì các thiết bị lắp đặt đều được nhập khẩu với giá thành rất cao. Vinh và các cộng sự đã trải qua 6 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi với những lần thất bại đếm không xuể.

Từ ý tưởng đến thành công 

... Tháng 2-2014, Phạm Gia Vinh hình thành nên một ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể bay được ở trần cao gấp 3 đến 5 lần máy bay thông thường. Anh cho biết: Thế giới đã có thiết bị tương tự được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thử nghiệm, thực nghiệm các thiết bị hàng không và hàng không vũ trụ nhưng tôi và các cộng sự vẫn quyết định nghiên cứu cho ra đời thiết bị bay “made in Vietnam” có những điểm khác biệt nổi trội như khả năng thu hồi chính xác thiết bị sau khi hoàn thành thử nghiệm, tránh thất lạc và giảm chi phí tìm kiếm, thu hồi, giữ an toàn cho các thiết bị đo đạc đắt tiền lắp đặt bên trong.

Sau khi trình bày với một khách hàng tiềm năng, công ty của tôi đã dành được hợp đồng sản xuất và bay thử mẫu thiết bị bay và hệ thống thu hồi chính xác phục vụ nghiên cứu khoa học.

gia-vinh4
 

 Hơn nửa năm miệt mài, nhiều đêm nghiên cứu, Phạm Gia Vinh cùng các cộng sự của mình đã chế tạo ra phi thuyền không người lái có trọng lượng 600kg với trần bay từ 30-50km với thời gian bay có thể lên tới 1 tuần. Những ngày đầu năm, Vinh âm thầm mang khí cụ đi nước ngoài bay thử. Anh phối hợp với một công ty công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của Singapore tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Singapore đã thành công, sản phẩm đạt 80% yêu cầu được các đối tác và khách hàng đánh giá cao. Ở lần bay này, trần bay của “phi thuyền” đạt mức 23km với bán kính bay là 150km trong 7 giờ đồng hồ. Ở độ cao này Vinh cho biết nó đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng đang có trên thị trường thế giới.

Chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được, ngày 15-3 vừa qua, Vinh mang chiếc “phi thuyền” đến TP Hyderabad, Ấn Độ để thử nghiệm lần thứ hai và đã thành công ở độ cao 29,5km, duy trì trong thời gian 110 phút và có thể lên cao hơn. Tuy nhiên, kiểm soát không lưu yêu cầu hạ độ cao do thời gian đăng ký bay đã hết.

Phạm Gia Vinh chia sẻ điều đặc biệt trong lần bay thử thứ hai này rằng đây là lần thử bay thực tế đầu tiên trên không trung chứ không phải như ở Singapore là mô phỏng đưa vào buồng chân không làm lạnh, mô tả môi trường giống độ cao trên 30km. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu chế tạo của chúng tôi đã kết hợp với trung tâm nghiên cứu của nước bạn vô cùng sung sướng khi sau 110 phút bay ở vùng cận vũ trụ ở độ cao 29,5km, “phi thuyền” đã mang theo 3 con chuột bạch - để thí nghiệm nhằm kiểm tra biến đổi ở cấp tế báo trên môi trường cận vũ trụ để tiến tới bào chế thuốc - đã trở về trái đất an toàn trong tình trạng còn sống, khỏe mạnh… sau chuyến đi qua cả giới hạn độ cao mà áp suất không khí cực thấp bằng cách sử dụng khinh khí cầu tầng bình lưu. 

…Và ước mơ bay xa

“Việc chế tạo và vận hành thiết bị bay không người lái đạt tới độ cao 30km là công nghệ không đơn giản về mặt kỹ thuật, trước tiên là về công nghệ vật liệu, để lên được độ cao 30km thì thiết bị bay phải bay qua tầng đối lưu của khí quyển. Trong tầng khí quyển này, nhiệt độ sẽ giảm dần đến mức thấp nhất là từ -50 độ C đến -80 độ C; và thách thức lớn nhất nằm ở việc điều khiển thiết bị bay và kiểm soát nó. Và dự kiến vào trung tuần tháng 5 tới, tôi sẽ tiến hành thử nghiệm tầm bay từ thị trấn Alice Springs, Australia với mục tiêu cao hơn là vượt qua trần bay 30km”, Vinh chia sẻ về dự định mới.

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km. Chiếc “phi thuyền” của nhóm Phạm Gia Vinh đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30km như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm là việc kiểm soát được vị trí hạ cánh của khoang đổ bộ một cách tương đối chính xác từ điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50km-80km với sai số dưới 50m không ảnh hưởng tới người, nhà và các công trình dưới mặt đất. 

Thực tế công trình của Phạm Gia Vinh và cộng sự có thể sử dụng được trong rất nhiều lĩnh vực, từ phục vụ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu công nghệ vũ trụ, thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất. Từ độ cao đó, thiết bị bay có thể gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường, mang camera để chụp các hình ảnh có độ phân giải cao truyền về trái đất. Thiết bị có thể giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng; quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng thiết bị như một trạm thu, phát sóng trong thời gian 1 tuần để phục vụ sửa chữa. Chia sẻ những dự định trong tương lai, tuy không dễ nhưng Phạm Gia Vinh mong muốn tập trung trung sản xuất các loại máy bay mô hình tự động loại nhỏ phục vụ cho công tác huấn luyện quốc phòng, chủ yếu là để trinh thám, quan trắc. Đặc biệt là loại máy bay tự động nhỏ, không người lái, có thể sử dụng vào nghiệp vụ trinh sát, theo dõi đối tượng từ trên không, hoặc giám sát đối tượng ở những vị trí mà người thường rất khó tiếp cận để phục vụ ngành công an... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.