Quản lý

Kỳ tích của ngành Giao thông vận tải TP.HCM 45 năm sau ngày thống nhất

06/11/2020, 07:50

Sự kiện đón đoàn tàu metro số 1 ở TP.HCM hôm 13/10 là một trong số những dấu son của ngành GTVT thành phố trong suốt 45 năm qua.

img
​​​​​​Ngày 13/10 khoảnh khắc đoàn tàu metro đã đặt bánh xuống đường ray ga Long Bình, quận 9

Ngày 5/11/1975, sau ngày hoàn toàn thống nhất đất nước, Ủy ban quân quản TP.HCM thành lập Sở Giao thông vận tải, trụ sở đặt tại 94, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.

Trong những năm đầu, Sở Giao thông vận tải đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt để sửa chữa, hoàn thiện hàng trăm km đường giao thông nông thôn, duy tu, bảo trì hệ thống cầu, đường bộ trong nội đô thành phố. Các xí nghiệp công tư hợp doanh về vận tải ô tô, vận tải thủy đã phát huy tác dụng khá tốt trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lúc bấy giờ.

Năm 1991, UBND Thành phố có quyết định hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Công trình đô thị với tên gọi mới là Sở Giao thông - Công chánh. Đến năm 1998, trụ sở được dời về địa chỉ số 63, đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1.

Trong nhiệm vụ mới, Sở Giao thông - Công chánh đã có những quyết sách chiến lược hình thành nhiều dự án, công trình mang tầm vóc thế kỷ được triển khai thực hiện như: mở rộng đường Điện Biên Phủ, xây dựng mới đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông - Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ), cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các nhà máy xử lý nước thải...

Đến năm 2008, Sở Giao thông - Công chánh được đổi tên thành Sở Giao thông vận tải cùng thời điểm này thành lập Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) trực thuộc Sở quản lý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực giao thông đô thị như, Chiếu sáng công cộng, Công viên Cây xanh, Môi trường đô thị, Thoát nước đô thị, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Quản lý Công trình Cầu Phà, Quản lý Giao thông Sài Gòn cũng từng bước được cổ phần hóa. Sở đã tham mưu thành phố thành lập các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4, thành lập Khu đường sông, Cảng vụ Đường thủy nội địa.

Nhiều công trình đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả như: cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Trường Chinh, nút giao An Sương, nút giao Cát Lái, cầu Thủ Thiêm, tuyến đường Phạm Văn Đồng... Các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa cũng được hình thành và phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng đa dạng của người dân thành phố.

img
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Vân Trang làm Chánh Thanh tra Sở GTVT thành phố vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Sở GTVT TP.HCM.

Sau 45 năm, với sự nỗ lực, tập trung sức người, sức của, thành phố ngày càng được đầu tư mở rộng, xây mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông không chỉ của TP.HCM mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại 45 năm qua, có thể khẳng định, kể từ thời kỳ đầu thành lập đến nay, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Giao thông vận tải TP.HCM luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để nhanh chóng khôi phục, hình thành, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, vận tải và dịch vụ đô thị của thành phố ngày càng hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, trở thành Thành phố thông minh, Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Ngày 5/11, cùng ngày sự kiện 45 năm năm thành lập Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT, ông Trần Quang Lâm đã trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Vân Trang làm Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Chánh Thanh tra Sở GTVT được điều chuyển về làm Trưởng phòng Pháp chế, Sở GTVT thành phố.

Bà Trần Thị Vân Trang, sinh năm 1971, quê quán huyện Bình Chánh, TP.HCM, trình độ cử nhân Luật, cao cấp chính trị.

Từ tháng 9/2018 đến 4/2020 giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế, Sở GTVT. Ngày 3/4 Giám đốc Sở GTVT đã trao quyết định bổ nhiệm Trưởng phòng Pháp chế cho bà Trần Thị Vân Trang.

img
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng khang trang, hiện đại.
img
Cầu Sài Gòn
img
Cầu Bình Lợi mới
img
Đại lộ Nguyễn Văn Linh
img
Hầm vượt sông Sai Gòn - Lê Hữu Dũng
img
Đoàn tàu metro cập cảng Khánh Hội đánh dấu cột mốc quan trọng cho toàn tuyến metro số 1
img
Ngày 13/10 khoảnh khắc đoàn tàu metro đã đặt bánh xuống đường ray ga Long Bình, quận 9
img
Ga nhà hát Thành phố đã hoàn thiện

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.