Hạ tầng

Kỳ tích khoan cọc nhồi làm cầu Mỹ Thuận 2

07/10/2021, 14:00

Thi công cầu Mỹ Thuận 2 - cầu dây văng lớn bắc qua sông Tiền là thử thách không nhỏ, đặc biệt khi đây là cây cầu có những yếu tố kỹ thuật khó...

Thi công cầu Mỹ Thuận 2 - cầu dây văng lớn bắc qua sông Tiền là thử thách không hề nhỏ, đặc biệt khi đây là cây cầu có những yếu tố kỹ thuật khó, đường kính cọc khoan nhồi đến 2,5m, độ sâu 113m, lớn nhất trong số các cây cầu ở Việt Nam đến nay.

img

Để khoan những cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu 115m tại cầu Mỹ Thuận 2, ngoài yếu tố công nghệ, kỹ thuật còn đòi hỏi những thợ khoan lành nghề, kinh nghiệm nhiều năm

Nhịn ăn để canh con nước

Ông Nguyễn Tiến Tường, Chỉ huy trưởng nhà thầu Công ty CP VNCN E&C cho biết, sau khi sử dụng công nghệ khoan cọc máy RCD S600 không thành công, dự án phải ngưng 3 tháng (12/2020 - 3/2021) để đánh giá lại kỹ thuật trong sự lo lắng của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu.

Bằng kinh nghiệm thi công các dự án lớn, liên danh nhà thầu quyết định chuyển sang công nghệ khoan bằng cần Kelly. Nhưng thay vì sử dụng khoan cần Kelly trên hệ sà lan dễ mất ổn định do nước chảy rất mạnh, độ thẳng của hố khoan xử lý rất khó, nhà thầu chọn giải pháp đóng hệ sàn đạo bằng thép hình, ống vách.

Cầu Mỹ Thuận 2 là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay được thực hiện bởi nội lực trong nước. Từ việc thiết kế, thi công, giám sát đều là những nhà thầu Việt Nam và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ở đây, các nhà thầu Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng lực của mình.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án 7


Cùng đó, dùng cần cẩu 500 tấn để cẩu cả 2 máy khoan nặng hàng trăm tấn lên hệ sàn đạo là thiết bị khoan BG36 và cẩu khoan dự phòng.

“Việc thiết kế, thi công sàn đạo đảm bảo ổn định cho dây chuyền khoan hơn 200 tấn hoạt động cũng chưa có tiền lệ.

Nhà thầu đóng những ống vách vĩnh cửu đường kính D2500, dài hơn 40m xuống lòng sông.

Nghe thì dễ, nhưng để đóng những ống thép dài 40m xuống lòng sông Tiền chảy xiết không phải chuyện chơi”, ông Tường kể.

Anh Lê Thanh Huyền, một thợ khoan của Công ty Trung Nam E&C cho biết, dòng nước, lưu lượng nước chảy, độ xoắn và thuỷ triều lên xuống rất phức tạp.

Thời gian cả đội hạ ống vách xuống để làm sàn đạo thi công trụ chính dây văng T16, anh em phải nhịn ăn để canh chờ con nước. Bởi theo anh Huyền, những lúc con nước ổn nhất thường rơi vào giờ đẹp như sáng sớm, 12h, 18-19h.

“Muốn canh được con nước ổn nhất, anh em phải ra công trường trước đó mấy tiếng. Khi nước đứng là bắt tay vào việc ngay, mấy tiếng đồng hồ sau hoàn thành công việc mới nhớ lại mình chưa ăn gì”, anh Huyền kể.

Nghe tiếng máy, đoán tầng địa chất

Từng tham gia nhiều dự án, nhưng trước khi vào ngồi máy để khoan cọc nhồi tại trụ chính dây văng T15, anh Nguyễn Văn Khoa, thợ khoan của Công ty TNHH Xây dựng Bình Định cũng chịu nhiều áp lực, bởi trước đó một đơn vị đã “bỏ chạy”.

Anh cho biết, đội của anh đã khoan những cọc đường kính đến 2m tại cầu Cửa Đại, Mỹ Lợi. Nhưng với cọc 2,5m thì là lần tiên.

Những người thợ phải dựa vào các thông số địa chất để quyết định sử dụng những loại gầu nào phù hợp. Chẳng hạn tầng nào cát chảy, tầng nào cát sét, chỗ nào khoan nhanh, chỗ nào khoan chậm.

Ở tầng địa chất này những gầu thông thường không phá được, phải đổi gầu phá địa chất cứng như cát sét.

Người thợ khoan lành nghề chỉ cần nghe tiếng máy là biết đang khoan ở tầng địa chất nào. Chẳng hạn khi gặp tầng cát, máy sẽ rất nặng, tiếng kêu rì rì, tua máy giảm và gầm lên.

Lúc này thợ khoan không thể đạp ga mạnh được mà phải giữ đúng nhịp, cắt từng lớp một. Các thiết bị chỉ là một phần, còn dựa vào kinh nghiệm là chính.

Ở các tầng đất trên mặt thường mềm, mấy anh em đổi nhau khoan, nhưng khi gặp tầng địa chất “xương” phải điều những người có kinh nghiệm khoan.

“Có lúc gặp lớp đất sét cát, cứng như đá, đội phải đổi gầu phá đá để phá mới xuyên qua được. Bình thường các lớp khác chỉ tầm 10 phút là khoan xuyên nhưng gặp những lớp này có khi cả tiếng đồng hồ mới khoan được vài mét”, anh Khoa kể.

Cùng chung tâm trạng khi khoan cọc đầu tiên của trụ dây văng T16, anh Lê Thanh Huyền cũng thao thức cả đêm. Mặc dù là một người có tay nghề thâm niên, nhưng với trách nhiệm rất lớn, sự thành bại đều từ cọc đầu tiên này nên anh rất hồi hộp, phải tập trung tuyệt đối 200% để không có một chút sơ sẩy nào.

Ở miền Tây, nhưng nhiều lúc cũng gặp những đoạn cát chết, gây cho thiết bị quá tải, trong khi khoan đang ở chiều sâu 105m, chỉ một chút sơ sẩy là mất cả tháng để xử lý, tốn chi phí rất lớn.

Có hôm đang khoan đến chiều sâu 107m gặp gỗ, cả ngoặm gầu kéo lên toàn gỗ cứng khiến ai cũng ngạc nhiên không biết ở tầng địa chất đó gỗ đâu ra, phải chăng đã kết tinh cả nghìn năm rồi?!

Những kỷ lục mới của thợ cầu Việt

Khoan cọc nhồi đã khó, cẩu những lồng thép nặng 100 tấn dài hàng chục mét hạ xuống hố khoan cũng là một kỹ thuật đòi hỏi người lái máy phải kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Khoa cho biết, ngoài chuyện phải dùng sà lan to, đủ tải, còn phải neo sao thật cân đối.

Bởi khi cẩu lồng thép nặng xoay theo vị trí ngang sẽ mất thăng bằng, nước trong sà lan chao đảo, chỉ cần di chuyển không đúng tốc độ là gãy cần, hoặc thiết bị ào xuống sông ngay.

Hôm khoan cọc cuối cùng, anh Nguyễn Đình Thắng (Công ty Trung Nam E&C) cả đêm không ngủ, bởi với anh cọc cuối bao giờ cũng áp lực nhất, như cầu thủ bóng đá sút luân lưu 11m quả cuối bao giờ cũng bị tâm lý.

“Đêm ấy khoan đến 3h sáng mới xong, cả đội ngồi canh không thể ngủ được, đến khi mẻ gầu cuối cùng kéo lên an toàn mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Thắng kể.

Với anh Lê Thanh Huyền, xong cọc cuối cùng cảm giác như trút bỏ được một gánh nặng trên vai. Bởi mấy tháng trước đó, sáng nào ngủ dậy là trong đầu phải nghĩ đêm qua các anh em đã khoan đến đâu, có ổn không, sáng nay mình tiếp nhận công việc như thế nào.

“Tối đó khoan xong cọc cuối tầm 3 giờ sáng, cả đội về ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau mở mắt ra đầu óc nhẹ nhõm lạ thường!”, anh Huyền chia sẻ.

Đối với anh Nguyễn Đình Thắng, việc hoàn thành 60 cọc khoan nhồi ở cầu Mỹ Thuận 2 còn có một ý nghĩa khác đó là chứng tỏ bản lĩnh, kỹ thuật của những người thợ Việt Nam.

Nếu như trước đây cũng với công nghệ cần Kelly nhưng ở cầu Cao Lãnh mất 70 giờ mới khoan xong một cọc khoan nhồi, ở cầu Mỹ Thuận 2 rút ngắn còn 30 giờ.

Ở các dự án khác phải mất từ 24 - 36 giờ mới vệ sinh, hạ xong một lồng thép, nhưng ở đây chỉ 6 giờ đã hạ xong lồng thép nặng 100 tấn.

“Trước đây phải mất hơn 4 ngày để khoan, vệ sinh, hạ lồng thép cho một cọc khoan nhồi, nay chỉ chưa tới 2 ngày, một kỷ lục về thời gian”, anh Thắng nói.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự án có tổng chiều dài 6,61km đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỷ đồng.

Đến nay, dự án đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp, khối lượng đạt hơn 66%. Các nhà thầu đang thi công đường dẫn hai đầu cầu, bệ của 2 trụ neo và chuẩn bị thi công bệ 2 trụ chính.

Đồng thời chuẩn bị triển khai gói thầu XL.03B - thi công thân trụ (từ trụ T14 - T17) và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2023 để cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tạo thành trục cao tốc đi TP.HCM đến Tây Đô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.