Hạ tầng

Kỳ tích vượt khó làm đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

28/09/2019, 08:12

Sau hơn 2 năm chính thức triển khai xây dựng, nhìn lại lịch sử dự án mới thấy đây là kỳ tích của nhà đầu tư, địa phương và của cả Bộ GTVT.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Ngày 29/9/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả sẽ tổ chức lễ thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng. Nhìn lại lịch sử của dự án với nhiều thăng trầm, vướng mắc tưởng như không thể giải quyết được, để rồi sau hơn 2 năm chính thức triển khai xây dựng mới thấy đây là kỳ tích của nhà đầu tư, địa phương và của cả Bộ GTVT.

Không ngày nghỉ cho lời hứa đúng hẹn

Những ngày tháng 9, nắng trải dài trên công trường dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, các nhà thầu vẫn miệt mài triển khai thi công 3 ca liên tục, không một ngày ngơi nghỉ cho lời hứa đúng hẹn. Ngay cả dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, đã có rất nhiều cán bộ, công nhân viên của ban điều hành dự án, các nhà thầu không về thăm gia đình, để rốt ráo chuẩn bị những hạng mục cuối cùng.

Trong buổi làm việc với Ban Điều hành dự án đúng ngày nghỉ lễ Tết Độc lập, ông Vũ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả động viên: “Chúng ta chuẩn bị hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để thông xe kỹ thuật. Thời gian qua, Ban Điều hành và toàn thể cán bộ công nhân viên tại dự án đã rất nỗ lực rồi. Tiến tới thông xe và đưa công trình vào vận hành, chúng ta càng phải tập trung hơn nữa”.

“Song song với việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, Ban Điều hành phải phối hợp với địa phương lưu ý đến công tác hoàn trả mặt bằng, ổn định dân sinh, có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và ATGT trên địa bàn dự án đi qua”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngay khi làm việc với Ban điều hành dự án, ông Vũ Minh Hoàng cùng Tổng giám đốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn Nguyễn Quang Vĩnh đã đến thăm, động viên và tặng quà các cán bộ công nhân viên tại trạm thu phí của dự án.

Trước thời điểm thông xe, đại diện của nhà đầu tư khẳng định, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, tuy nhiên, các công việc vẫn phải tiếp tục được thi công dưới sự giám sát sát sao, bất kỳ nhà thầu nào chểnh mảng công việc ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ dự án đều có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào.

Có thể nói, để dự án “cán đích” ngoài quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu, còn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các địa phương, sự ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn khi thực hiện việc GPMB. Tuy nhiên, đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30km là nút thắt giao thông, cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả do được tối ưu hóa đầu tư để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Song đến nay, đoạn tuyến này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

Công trình mẫu mực khi đưa vào khai thác

img
Tuyến cao tốc đẹp như dải lụa vắt ngang qua hai tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn

Chiều 24/9/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp kiểm tra chất lượng thi công tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi thị sát, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá các đoạn tuyến được thảm nhựa tương đối êm thuận, có thể lưu thông thuận lợi từ điểm đầu đến điểm cuối. Tuy vẫn còn một số hạng mục nhỏ chưa hoàn thành như: Biển báo, sơn phản quang... Cùng đó, một vài vị trí do quá trình vừa GPMB vừa thi công và một số đoạn chưa làm vệ sinh, nên việc đi lại chưa đảm bảo êm thuận tối đa.

“Thời gian tới, nhà đầu tư cần tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn trở thành một trong những tuyến cao tốc trọng điểm đảm bảo chất lượng, tiến độ và đảm bảo mỹ quan, phục vụ tốt cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Bộ trưởng nói.

Trước đó không lâu, ngày 23/8/2019, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó chủ tịch thường trực hội đồng cũng đã chủ trì thăm và kiểm tra công tác thi công dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định: “Tập đoàn Đèo Cả đang là nhà đầu tư lớn nhất về đầu tư hạ tầng, cho nên chúng tôi khá yên tâm. Qua kiểm tra tuyến cho thấy chất lượng đến giờ phút này đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan phải thực hiện việc kiểm tra độc lập, để đảm bảo chất lượng công trình”.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trong nhiều lần kiểm tra dự án cũng đều đánh giá, đây là một dự án quan trọng không riêng Lạng Sơn mà của cả nước.

“Chúng ta khởi động lại dự án từ tháng 6/2017, với độ dài tuyến lên tới 64km, vừa phải làm cầu cống, vừa phải sẻ núi mở đồng, đến nay, hơn hai năm dự án đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, phải nói rằng đây là thành tích thần kỳ của nhà đầu tư BOT. Khi đưa vào vận hành thì đây là công trình mẫu mực”, ông Trưởng cho biết.

Đến nay, tuyến cao tốc đã cơ bản hoàn thành toàn bộ phần mặt đường. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục bảo đảm ATGT, sơn kẻ vạch, hộ lan…

Quá trình “giải cứu” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện.

Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm (đến tháng 6/2017 thì hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc). Người đứng đầu nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì họ đã ứng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Dự án. Số nợ ngày càng lớn vượt qua sự kiểm soát, đã có nhà thầu nghĩ đến việc tìm đến cái chết vì “không nhìn thấy lối thoát”.

Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc Dự án: Chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại”.

Sau hơn 2 năm đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây với mục tiêu bị kiểm soát tổng vốn đầu tư của dự án để tiết giảm sát với thực tế dẫn đến vào thời điểm nước rút, các nhà thầu có năng lực hạn chế đã bộc lộ khả năng, bỏ dở không kết thúc được phần việc đã ký hợp đồng nhưng với kinh nghiệm xử lý các vướng mắc thường gặp ở các dự án trước đây, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu đến nay dự án đã hoàn thành tạo niềm tin cho người dân.

Từ tháng 3/2018, hợp phần QL1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu TNGT, đảm bảo ATGT trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, phá bỏ được việc trì trệ của các dự án cao tốc tại Việt Nam trước đây khi không có dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm, so với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.