Xã hội

Ký ức chiến sĩ công an cứu 100 phạm nhân giữa “đại hồng thủy”

17/02/2021, 06:45

Trong trận “đại hồng thủy” năm 1999 tại Huế, một sỹ quan công an đã cứu hơn 100 tù nhân. Năm 2020, anh lại cứu sống 3 người trong dòng lũ dữ...

img

Anh Nam (thứ 3 bên trái) đi kiểm tra thiệt hại của người dân sau cơn bão số 13 đổ bộ vào Huế

Từ lời kể một người bạn từng chịu án tù

Khoảng 10 năm trước, bạn học của vợ tôi mãn hạn tù, sau hơn 10 năm ở tù, con đường quê bạn cũng không nhớ nổi vì dòng đời và xã hội đổi thay. Mặc cảm khiến lòng bạn day dứt. Và bạn đến với vợ chồng tôi, nhâm nhi chén rượu.

Trong cái buồn rười rượi, bạn kể về những ngày tháng tù đày. Câu chuyện bạn kể thoát chết bởi trận “đại hồng thủy” trong trại tạm giam Thừa Phủ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 1999 đã khiến tôi nhớ mãi.

Bạn kể, ngày ấy nước lên nhanh kinh khủng, phòng tạm giam của bạn trong gần 3 giờ đã ngập lên gần nóc, mà trại giam kiên cố, nghi phạm không thể phá nóc chui lên bằng tay không được. Ai nấy kêu la thảm thiết. Rồi bên ngoài trại giam có tiếng hét lớn: “Đừng la chi nữa, có tôi đây, các anh yên tâm, chờ chấp hành mệnh lệnh”.

Lúc sau, một cán bộ ngoi lên từ dưới nước, ngay trong phòng giam. Các tù nhân ngơ ngác, không hiểu sao cán bộ vào được trong. “Chỉ biết anh ấy lấy búa, đe để đục mái nhà đưa chúng tôi ra. Ở ngoài đã có cán bộ và thuyền đón sẵn đưa tất cả các nghi phạm di dời lên nóc nhà giam chung để tạm trú tránh lũ. Người cán bộ thời ấy là Thiếu úy Nguyễn Văn Nam, cán bộ trại tạm giam Thừa Phủ”.

Bẵng đi gần 10 năm sau ngày ra tù (năm 2019), người bạn ấy lại gọi điện bảo: “Mời hai vợ chồng bạn đi nhậu với cán bộ Nam, người đã cứu chúng tôi 20 năm trước trong trại tạm giam Thừa Phủ. Anh Nam mới về làm Trưởng Công an xã mình đó!”. Rất tiếc, bữa nhậu đó chỉ có vợ tôi, không có tôi. Vợ tôi về bảo: “Bạn em coi anh Nam (giờ là Trung tá Nguyễn Văn Nam) là người sinh ra bạn ấy lần thứ 2 vậy”.

Đến cuộc gặp bất ngờ trên dòng lũ

img

Anh Nam và các cán bộ xã Quảng An kiểm tra lại vị trí chiếc xe công nông bị lũ cuốn trôi

Năm 2020, lũ chồng lũ, bão chồng bão đổ bộ vào miền Trung. Trong khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11), bão, lũ xảy ra liên tiếp tại 11 tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Rồi một ngày tháng 11/2020, cùng với lãnh đạo xã Quảng An, tôi đại diện Báo Giao thông đã đến viếng và trao tiền hỗ trợ cho gia đình em Trần Thị Ngọc Huyền, (trú tại thôn An Xuân Tây, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tôi đã trực tiếp được gặp Trung tá Nam.

Cùng ngồi trên thuyền lênh đênh trên dòng nước lũ, Trung tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng Công an xã Quảng An (anh Nam mới về nhận công tác được hơn 1 năm) đưa chúng tôi đến gia đình nạn nhân kể lại, vụ tai nạn thương tâm xảy ra sáng 13/11.

Khi đó, ông Trần Quang Hùng, trú tại làng An Xuân dùng công nông chở con và chị Trần Thị Ngọc Huyền, sinh viên năm 2 vượt lũ để lên TP Huế học. Đến đoạn đường liên thôn qua thôn Mỹ Xã, xã Quảng An, công nông bị lật xuống ruộng, Huyền bị công nông đè lên tử vong, con ông trai ông Hùng bị gãy chân.

Lúc đó mới hơn 7h sáng, khi lãnh đạo xã Quảng An, trong đó có anh Nam, đang đi thuyền để kiểm tra đợt lũ lớn đang lên nhanh, Trung tá Nam nhìn thấy xa xa có cánh tay với lên giữa dòng lũ vẫy báo hiệu cấp cứu.

Ngay lập tức, anh Nam chỉ đạo thuyền quay lại khẩn cấp, cùng sự phối hợp của nhân dân đã cứu được 3 người. Một nạn nhân vừa được cứu lên thuyền, mặt tím tái nhưng vẫn cố chỉ tay về chiếc công nông dưới dòng lũ lắp bắp nói: “Còn một người bị công nông đè xuống dưới nước”. Nạn nhân đó chính là em Trần Thị Ngọc Huyền. Huyền đã tử vong trước khi được đưa lên khỏi dòng lũ.

Ký ức cứu hơn 100 tù nhân

Sau khi đi viếng em Huyền, anh Nam đưa chúng tôi đi thăm hỏi những người dân làng An Xuân, xã Quảng An. Tôi hỏi anh về câu chuyện cứu phạm nhân trong trận “đại hồng thủy” năm 1999 nhưng anh chỉ nói: “Đó là nhiệm vụ của người sĩ quan công an thôi em”. Nhưng rồi khi con thuyền lênh đênh trên lũ, dưới cơn mưa rả rích, không cầm được lòng mình, hồi ức trong anh ùa về.

Đó là vào ngày 1/11/1999, trời bắt đầu sáng, ngồi trên chòi gác trại giam Thừa Phủ, chỉ thấy trắng xóa dòng lũ mênh mông chảy siết. Và tại các nhà giam nước đã lên, có khu nước nên gần nóc nhà.

Anh và một cán bộ trại giam nhanh chóng đi xuồng kiểm tra các nhà giam. Đến nhà giam chung với hàng chục phạm nhân, nước đã ngập lên đến trên cửa thông gió. Đây là nhà giam chung nên rất kiên cố, nhà mái bằng.

Anh Nam nói với một đồng đội đi lấy búa và đe, còn anh đi lấy chìa khóa. Vì sinh ra và lớn lên từ vùng rốn lũ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, anh bơi lặn rất giỏi, nên lúc đó anh dễ dàng bơi đến phòng trực để lấy khóa mở phòng nhà giam chung.

Để vào trong nhà giam, anh buộc phải lặn xuống nước mở khóa cửa. Khi đã mở được cửa vào trong, anh cùng các phạm nhân thay nhau đục thủng bê tông trên mái để các phạm nhân và nghi phạm chui lên phía trên. Khi đó lực lượng công an đã chạy ca nô tới để tiếp tế thức ăn và canh gác bảo vệ.

Cứu xong phạm nhân khu nhà giam chung, anh nhìn về khu giam riêng (Khu A), có đến gần 40 phòng giam, nhưng có khoảng 24 - 27 phòng giam có phạm nhân, thì nước cũng ngập trắng xóa, chỉ còn thấy các nóc nhà.

Vậy là anh và đồng đội lại phải đi lấy chìa khóa và anh Nam lại lần lượt lặn xuống nước mở cửa các phòng giam, để đưa phạm nhân và nghi phạm về tầng nóc nhà giam chung.

Nhưng giữa nhà giam chung và nhà gia Khu A được ngăn cách bằng tường rào cao tới 6m, nên anh và đồng đội phải kiếm gỗ làm thang để phạm nhân trèo qua, bên kia bờ tường đã có ca nô đợi sẵn.

“Khi tôi lặn xuống để mở khóa cửa cuối cùng, thì chao ôi, chìa khóa bị rơi xuống dưới nước, tận đáy. Tôi phải ngoi lên, phán đoán vị trí rơi cho chính xác và phải lặn xuống đến lần thứ 3 mới mò được. Cũng may chỗ đó nước không chảy siết”, anh kể.

Trả lời câu hỏi tại sao các phạm nhận không dựa vào cơ hội này để trốn trại, anh Nam tâm sự: “Tất cả phạm nhân và nghi phạm đều được đưa đến ở tập trung tại tầng nóc nhà chung. Lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo tăng cường bảo vệ và tiếp tế cơm nước, thuốc chữa bệnh cho các phạm nhân.

Với lại chúng tôi luôn đánh vào tâm lý bằng cách kể cho họ nghe về tình hình người chết trong lũ, nói cho họ biết nhà thương tâm thần gần đó chết rất nhiều người. Các phạm nhân rất sợ và họ ngoan ngoãn biết rằng đây là nơi an toàn nhất đối với họ. Bởi thế nên không phạm nhân nào dám nghĩ đến việc trốn trại”.

“Nhà giam Thừa Phủ khi ấy có 2 phạm nhân tử tù rất manh động. Lúc đó Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Toàn gọi điện thoại chỉ đạo tôi mà giọng nói cứ lạc đi: “Nam… em vất nhiều rồi nhưng cố gắng bằng mọi giá cùng với đồng đội, không được để hai tử tù trốn thoát nghe”, Trung tá Nam kể và cho hay, anh cùng đồng đội đã phải đưa họ về phòng canh gác của cán bộ trại giam, xích chân họ vào nhau, còn các anh phải thay nhau thức để canh cho họ ngủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.