Tâm sự

Ký ức hào hùng của người đánh chìm tàu sân bay Mỹ

04/09/2017, 08:05

Đó là anh hùng Lâm Sơn Náo (Ba Náo), người đánh chìm tàu USNS Card trên cảng Nhà Rồng rạng sáng 2/5/1964.

61

Ông Ba Náo và người cháu gái chăm sóc ông trong bệnh viện

Ký ức Quốc khánh độc lập đầu tiên

Trong những ngày đất nước háo hức chuẩn bị đón 72 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2017) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017), chúng tôi có dịp trò chuyện với anh hùng Ba Náo về những ký ức hào hùng đánh chìm tàu USNS Card và ngày Quốc khánh 2/9. Dù tuổi cao, sức yếu và đang nằm điều trị tại bệnh viện, nhưng trong ông vẫn còn hừng hực khí thế chiến thắng như thời trai trẻ…

Ông Ba Náo nhớ lại: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, tôi nhận được thư mời ra Hà Nội dự lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh 2/9. Thành phần đoàn đi có 100 người, trong đó có 4 bộ đội. “Lần đầu tiên tôi được đi máy bay, lại là máy bay vận tải quân sự C130 - chiến lợi phẩm thu được của chính quyền Sài Gòn nhưng máy bay cà tàng, lắc lư khiến cả đoàn ngán. Thế nhưng, ai cũng xúc động khi đặt chân xuống Hà Nội…”, ông Ba Náo nói.

Ông Ba Náo kể, lần đó, tôi với chú Hùng ngồi uống với nhau chén rượu và tâm sự: “Anh Ba này, chiến tranh ngày càng khốc liệt. Em có đứa con gái nhỏ ở với bà nội, mới 4 tuổi đầu. Nếu em hoặc anh có hy sinh, ai còn sống thì người đó chăm sóc gia đình, mẹ già của nhau”. Sau này, tôi bỏ công đi tìm và nhận con gái của chú Hùng làm con nuôi. Rồi con trai ruột tôi và con gái nuôi tâm đầu ý hợp, sau này hai đứa nên duyên vợ chồng…”, ông Ba Náo bồi hồi.

Đã hơn 40 năm, nhưng ông Ba Náo vẫn nhớ như in ngày đến Hà Nội. Ông kể: “Vừa đặt chân xuống sân bay, chúng tôi đã gặp đầy đủ các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Thấy đoàn vừa đến, Bác Tôn Đức Thắng liền tới hỏi thăm, ôm hôn từng người, tặng mỗi thành viên trong đoàn 100 đồng để tiêu trong thời gian ra Thủ đô. Tôi và đoàn còn được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hỏi. Đặc biệt, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cơm chiêu đãi bốn anh em bộ đội miền Nam ra…”.

Cũng theo lời ông Ba Náo, trước khi đi, lãnh đạo TP HCM cho mỗi người 100 đồng. Ra Hà Nội được Chính phủ cho thêm 100 đồng, Trung ương Đảng cho 100 đồng, riêng Bộ Quốc phòng cho bốn quân nhân mỗi người 1.000 đồng, đây là số tiền rất lớn so với thời ấy. Đoàn được sắp xếp ở khách sạn Thắng Lợi, cao cấp nhất Hà Nội thời đó…

Sau khi dự lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ba Náo cùng các thành viên trong đoàn tham dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. “Tôi nhớ hôm đó cờ và ảnh Bác Hồ được người dân Hà Nội chào đón hai bên đường, đoàn diễu hành rầm rập diễu qua lễ đài. Buổi lễ hừng hực khí thế trang trọng, trên khán đài, tôi được xếp ngồi chung với các vị lãnh đạo cấp cao của đất nước. Đây là niềm vinh hạnh nhất đối với tôi…”, ông Ba Náo nhớ lại.

Đoàn ông Ba Náo được đi thăm tỉnh Hòa Bình, thăm nhà một bà mẹ 70 tuổi có 6 người con tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bốn người đã hy sinh, hai người là thương binh nặng. “Đến thăm gia đình, cả đoàn chúng tôi ai cũng khóc. Bản thân tôi làm cách mạng, cũng chịu nhiều mất mát nhưng khi ra đến đây mới thấy sự hy sinh của các mẹ, các chị đồng bào miền Bắc lớn lao chừng nào. Nếu không có xương máu của đồng bào miền Bắc, thì ngày thống nhất chắc còn xa lắm…”, ông Ba Náo tâm sự.

62

Tàu USNS Card trên cảng Nhà Rồng

Quật ngã niềm kiêu hãnh của Hải quân Mỹ

Bên giường bệnh, ông Ba Náo tâm sự với chúng tôi về lời hứa với đồng đội Nguyễn Phú Hùng, người cùng ông đánh chìm tàu USNS Card.

Trong nhiệm vụ tấn công tàu USNS Card, ông Ba Náo và Phú Hùng đóng vai dân buôn. Ông Bá Náo nhớ lại, hồi ấy, khi chất xong mìn vào xuồng, ông cùng đồng đội bơi xuồng sang hướng đối diện con tàu. Lúc đó, đèn sáng choang, không thể tiếp cận tàu USNS Card, nên ông chèo xuồng sang cảng Nhà Rồng để lên bờ rồi quay ngược lại.

Khi ra giữa sông, tàu tuần tra của cảnh sát đuổi theo, cả hai lúc đó chèo thật nhanh về bờ Thủ Thiêm, rồi đẩy xuồng vào bãi sình làm tàu cảnh sát không vào được phải phát loa gọi. Lúc này, trên bờ nhóm Dân vệ nghe thấy cũng chạy ra đòi kiểm tra. Tình huống lúc đó thực sự rất nguy hiểm, nên ông Ba Náo xuất hiện nói mình đang đi buôn radio lậu ở nước ngoài và đã trả tiền trước. Nếu lấy được tiền sẽ chia cho hai nhóm trên. Nghe được chia phần, nhóm cảnh sát đồng ý, còn rọi đèn pha cho xuồng qua và đậu giữa sông canh chừng hải quân…

Khi xuồng của ông qua được cầu cảng phía trên, đi qua vài đường cống khoảng 300m thì bị mắc cạn. Lúc này, ông Ba Náo cùng ông Hùng nhảy xuống vác thuốc nổ tiến về phía chiếc tàu Mỹ đang đậu trước cảng, đợi thời cơ cài mìn. Và lúc 2h sáng 2/5/1964, hai khối mìn TNT khoảng 80kg và 8kg thuốc nổ C4 được cài xong. Hoàn thành nhiệm vụ, cả hai chèo xuồng quay lại bờ Thủ Thiêm. Lúc này, tàu cảnh sát vẫn chờ ở đó đợi chia phần và ông đã hối lộ 2.000 đồng, rồi chèo xuồng về nhà chờ.

“Thời khắc lịch sử đã đến, đúng 3h sáng 2/5/1964, hàng loạt tiếng nổ vang như sấm, lửa bốc cao đến nỗi đứng xa nhiều cây số vẫn nhìn thấy. Lúc đó, hai anh em tôi đứng từ xa nhìn mà rưng rưng nước mắt. Chúng tôi quyết định tự thưởng cho mình nồi cháo vịt…”, ông Ba Náo kể lại.

Qua hôm sau, các đài, báo trong và ngoài nước đưa tin Việt Cộng đánh chìm “soái hạm” USNS Card của Mỹ với một lỗ thủng dài khoảng 24m, làm chết và bị thương 120 lính Mỹ, phá hủy 23 máy bay gồm: 19 chiếc trực thăng HU 1A, 2 chiếc trinh sát L192 khu trục AD6. Nhiều chuyên gia nhận định, trong chiến tranh thế giới thứ hai, tàu này nổi bật trong vai trò tìm và diệt tàu ngầm đối phương, đã gây nhiều thiệt hại cho hải quân và là nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã.

Sau vụ đó, chính quyền Sài Gòn mở càn quyết liệt. Ông Nguyễn Phú Hùng bị địch bắt, sau đó trốn được và hy sinh trong một trận càn. Ông Lâm Sơn Náo cũng bị bắt giam năm 1967, bị tra tấn dã man và đày ra Côn Đảo. Năm 1973, ông được trao trả tù binh. Về đất liền, ông lại bỏ công sức thực hiện bằng được lời hứa cùng người đồng đội Nguyễn Phú Hùng khi xưa. 

Ông Lâm Sơn Náo (SN 1936, hiện ngụ tại phường Tân Kiểng, Q.7, TP HCM).

Sau chiến công vang dội, ông Lâm Sơn Náo được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông giữ chức Chỉ huy phó Quận đội Q.4. Đến năm 1994, ông nghỉ hưu.

Ông sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em. Năm 1962, qua sự giới thiệu của người cô ruột, ông Náo thoát ly theo cách mạng, chính thức trở thành chiến sĩ Đội 65 Biệt động đặc công Sài Gòn - Gia Định. Sau thời gian được huấn luyện ngắn, ông Ba Náo đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, cũng như kiến thức đánh giặc: Từ kinh nghiệm, cách tìm người, cách thử thách, cách xây dựng cơ sở, cách theo dõi nắm bắt tình hình địch ở khu vực cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, xưởng Ba Son… Chỉ riêng trong năm 1963, ông cùng đồng đội đánh 14 trận lớn, nhỏ ngay trong lòng nội đô Sài Gòn, khiến kẻ thù mất ăn, mất ngủ.

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khi đó muốn sự kiện tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm nhanh chóng đi vào quên lãng và Chính phủ Mỹ phủ nhận thông tin có tàu chìm ở cảng Sài Gòn và nói với công chúng rằng, tàu sân bay USNS Card chỉ bị hư hỏng nhẹ. Chính vì lý do này, Hải quân Mỹ đã huy động toàn lực trục vớt tàu sân bay chìm dưới mặt nước khoảng 15m. Mỹ điều hai tàu cứu hộ USS Reclaimer và USS Tawakoni đến cảng Sài Gòn để bơm nước ra khỏi tàu sân bay. Phải mất 17 ngày sau, tàu USNS Card được trục vớt lên trong tình trạng tồi tệ và nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng. Hơn 6 tháng sau, con tàu phục vụ trở lại trong 6 năm nữa trước khi thành sắt vụn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.