Ca sĩ Giao Linh |
LTS: Sài Gòn những năm 70 được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi sự phát triển sôi động, vẻ phồn hoa và nhộn nhịp. Thời kỳ này là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của tân nhạc Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ tài hoa như: Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Anh Bằng, Trịnh Công Sơn, Vinh Sử… Những ca sĩ nổi tiếng giai đoạn này có thể kể đến: Thái Thanh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Lệ Thu…; Trong số đó, không thể không kể đến ba giai nhân nổi bật: Phương Dung, Giao Linh và Khánh Ly.
Giao Linh bán phở phụ giúp gia đình
Âm nhạc Sài Gòn những năm trước 1975 náo nhiệt với sự xuất hiện của nhiều ca sĩ có giọng hát đẹp, sáng và khỏe. Giao Linh là một trong số đó. Giọng hát buồn nhưng đầy nội lực của bà đã thu hút nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ngay từ khi cất lên tiếng hát và bà được ký hợp đồng độc quyền ba năm với Hãng đĩa Continental của vị nhạc sĩ này.
Được sự dìu dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giao Linh trở thành một ca sĩ nhạc bolero nổi tiếng thời đó, bên cạnh những giọng ca hàng đầu như: Phương Dung, Lệ Thu, Thái Thanh...
Công việc thường ngày của bà hồi đó là 7h sáng dậy ăn uống, 8h có mặt ở phòng thu. Ngày nào cũng thu khoảng 2 - 3 bài, gần một tuần là được 1 đĩa nhạc. Buổi tối, bà được bố mẹ đưa đi hát. Thời kỳ hoàng kim, có ngày bà chạy 6 show/tối.
“Hòn ngọc Viễn Đông” khi đó rất nhiều vũ trường và phòng trà lấp lánh ánh đèn hàng đêm. Giao Linh nhớ lại: “Ở những phòng trà, tôi thường hát khoảng 2 - 3 bài, còn vũ trường thì hát theo giờ. Có chỗ tôi nhận 1 giờ, có chỗ 30 phút, nhưng hay chọn giờ chót vì vũ trường thường đóng cửa muộn hơn”.
Giọng hát trầm buồn của bà từng làm say đắm biết bao tầng lớp khán giả. Nữ danh ca cho biết, bà chỉ hát tango, boston, bolero hoặc chachacha thôi, dù chạy show phòng trà hay vũ trường.
Trong những năm tháng còn nghèo khó, Giao Linh từng phải bán phở để phụ giúp gia đình. Rồi bà làm kiểm vé tại Hãng Hàng không Air Việt Nam, lương được 4,6 nghìn đồng/tháng. Nữ danh ca tiết lộ, lúc đi hát, bà được hãng đĩa trả 8 nghìn đồng/bài, hát 10 bài là được 80 nghìn đồng. “Bấy giờ là năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trả cho tôi mức lương không thua các ca sĩ nổi tiếng, đó là điều tôi luôn biết ơn chú, bởi tôi thấy mình được trân trọng và không bị chèn ép”, Giao Linh tâm sự.
Sau năm 1975, Giao Linh ra nước ngoài định cư. Nhờ giọng hát trời phú, bà vươn lên trở thành một trong những giọng ca được ưa chuộng tại hải ngoại. Trở lại Việt Nam vào năm 2000, bà bảo mình cảm giác như trở lại thời gian trước. “Có ngày tôi chạy show 2 - 3 điểm, vui nhưng cũng cực lắm”, bà chia sẻ.
Với Giao Linh, 50 năm ca hát là đã quá hạnh phúc rồi. Bà cười: “Nhiều người hỏi khi nào tôi sẽ về hưu, nhưng nói thật, tôi yêu nghề, yêu sân khấu và khán giả lắm. Chừng nào khán giả… chán mình, chừng đó tôi sẽ buông”.
Khánh Ly sung sướng vì được sinh viên trả“cát-xê” bằng… nước cam
Ca sĩ Khánh Ly những năm 1970 |
Những năm tháng hoàng kim của tân nhạc, sự xuất hiện của Khánh Ly giống như cơn gió lạ thổi vào nhạc Việt. Cô gái ngây thơ, mong manh, từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, theo chân nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh để hát những bản tình ca da diết.
Với chất giọng đầy ma lực được ví như “giọng hát ma túy”, Khánh Ly dần nổi tiếng và được nhiều nơi săn đón, cả các nước châu Âu, Nhật, châu Mỹ cũng mời bà sang biểu diễn.Nữ danh ca bồi hồi: “Năm 1965 - 1975 là thời tuổi trẻ, là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi. Tuổi đó tôi không lo âu, không tham lam, không sân si, không bát nháo, không ồn ào, sống trong xã hội mà mọi người rất tử tế với nhau”.
Thuở mới đi hát, Khánh Ly ở nhờ nhà bà nội để bà nuôi đi hát, vì nữ danh ca thời đó toàn hát miễn phí cho học sinh, sinh viên. “Hát nhạc Trịnh Công Sơn không có tiền, vì sinh viên, học sinh thì lấy đâu ra tiền. Lâu lâu, họ bỏ tiền mua cho mình cốc nước cam là sung sướng lắm rồi. Cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tôi đều nghèo, nếu ông ấy có tiền mua một đĩa cơm thì hai anh em ăn chung.
Nhưng thời đó mọi người sống tình cảm lắm”, bà tâm sự. Khánh Ly nhớ lại, cát-xê đầu tiên đi hát của mình là 2,5 nghìn đồng, bằng lương của một sĩ quan. Bà thuê được một nhà sàn ở trên một con sông nước đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh, và chỉ ở một mình. Đi hát thì lúc nào ban nhạc cho hát mới được hát, còn không thì cũng phải chịu.
Sau khi nổi tiếng, bà mở một phòng trà riêng lấy tên mình. Khánh Ly tiết lộ, duy nhất phòng trà của bà là chỉ hát và không có nhảy đầm. Do đó, tháng nào bà cũng phải “chạy” tiền để trả ca sĩ, vì ít người đi nghe nhạc mà đi nhảy đầm là chính. “Sau này lên Đà Lạt hát, tôi cũng được hơn 70 nghìn đồng, rồi tăng dần. Tôi nhớ mãi số tiền đầu tiên tôi kiếm được bên Mỹ là 80 USD. Tôi cầm mà khóc như mưa vì tủi thân, ở Việt Nam quen cầm tiền triệu rồi. Nhưng đó là mình chưa hiểu giá trị đồng tiền, chứ với một người mà chưa biết nhà riêng, biết ngân hàng là gì thì 80 USD là số tiền quá lớn rồi, nhất là những năm 1975”, bà kể.
Sau năm 1975, Khánh Ly sang Mỹ định cư. Bà đi hát khắp nơi, đưa nhạc Trịnh Công Sơn đến với mọi người. Bà trở thành nữ danh ca nổi tiếng ở hải ngoại. Mãi tới năm 2012, Khánh Ly mới trở lại Việt Nam biểu diễn.Nói về cảm nhận sau hơn 30 năm xa quê, nữ danh ca nhìn nhận: “Tôi thấy môi trường âm nhạc xưa và nay khác nhau nhiều quá. Người khác, nghề khác, không gian khác, thời gian khác, nhưng tôi nghĩ phải khác như vậy. Với đà phát triển của thế giới bây giờ thì mọi việc phải đi theo hướng đó, nếu dừng lại là thua rồi”.
Phương Dung - ca sĩ duy nhất có Huy chương Vàng của tân nhạc Việt
Ca sĩ Phương Dung |
Bên cạnh những ca sĩ nổi tiếng của thập niên 60 - 70 như: Thái Thanh, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, thì Phương Dung là cái tên không thể không nhắc đến. Giai đoạn hoàng kim, nữ danh ca có hơn 300 album, do các hãng đĩa Việt Nam và Sóng nhạc sản xuất. Phương Dung còn là ca sĩ duy nhất có Huy chương Vàng của tân nhạc Việt Nam năm 1965, do khán giả bầu chọn trong suốt 1 tháng.
Năm 1966, bà được nhận giải ca sĩ được yêu thương nhất. Bà có những bài hát được khán giả bình chọn như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim… cũng như đĩa bán chạy nhất bấy giờ. Thời đó, người ta luôn bắt gặp Phương Dung biểu diễn trên các sân khấu trong một tà áo dài trắng và biệt danh “Nhạn trắng Gò Công” cũng ra đời từ đó.
Ngày đó, bà chạy 7 tụ điểm phòng trà và vũ trường nổi tiếng Sài Gòn trong một tối, chưa kể những show ngoài rạp. Cũng nhờ thành tích ấy mà Phương Dung mang về 200 nghìn đồng/tháng cả chạy show và thu đĩa, trong khi lương công chức lúc đó chỉ khoảng 4 - 5 nghìn đồng/tháng. Nữ danh ca kể, những năm 70, gia đình bà rất nghèo, bà vừa đi học vừa phải nuôi gia đình, nên luôn ý thức được việc giữ gìn hình ảnh. Bà nhớ lại: “Lúc bấy giờ, ca sĩ mà bê bối về đời tư là sẽ bị tẩy chay ngay, nên ca sĩ phải rất giữ mình. Tôi không được giao thiệp nhiều để giữ mình, không dính dáng tới scandal”.
Cuối năm 1968, Phương Dung kết hôn rồi theo chồng sang Mỹ. Bà nghỉ hát một thời gian, mở một nhà hàng ăn uống để lo cho 8 người con đi học. Sau khi các con lớn, rảnh rang hơn, bà muốn tìm lại những kỷ niệm xưa nên trở về Việt Nam. Nữ danh ca bộc bạch: “Tôi đã về 20 năm nay và dành 16, 17 năm để làm từ thiện chứ không đi hát.
Nhưng khán giả lại rất thích dòng nhạc trữ tình, họ muốn mình đi hát lại. Tôi đã rất ngại khi bầu show mời vì không biết khán giả có còn yêu mến mình không. Thật bất ngờ vì tôi vẫn được ủng hộ và yêu mến. Chạy show rồi làm giám khảo các cuộc thi, tôi thấy vui lắm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận