Thi viết về GTVT

Ký ức khó quên mở đường vượt Đông Trường Sơn

10/11/2022, 08:00

Chỉ sau 2 năm, tuyến huyết mạch QL24 hình thành nối Tây Nguyên với đồng bằng trong niềm vui vỡ òa của những người mở đường và người dân nơi đây.

Giữa bộn bề khó khăn của những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tuyến đường vượt dãy Đông Trường Sơn hùng vĩ được đầu tư xây dựng, mở đường cho vùng Tây Nguyên cất cánh với kinh phí chỉ 35 tỷ đồng…

Băng rừng khảo sát tuyến giữa non cao

img

Cung đường Quốc lộ 24 hình thành uốn lượn như một dải lụa qua đèo

Đã hơn 30 năm kể từ ngày những nhát cuộc đầu tiên đặt xuống nền đất loang lổ vết thương do chiến tranh để lại, nhưng trong sâu thẳm ký ức của những người từng một thời băng rừng, vượt thác, cơm đùm gạo túi, ăn núi ngủ rừng để mở đường lên Tây Nguyên như mới hôm qua.

Lật lại từng ký ức của những năm tháng mở đường, ông Cao Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi chia sẻ, cuộc đời ông trải qua hàng trăm nghìn câu chuyện, nhưng ký ức về những ngày đi cắm mốc mở con đường huyết mạch lên Tây Nguyên thì không thể nào quên được.

Vài tháng sau ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tái lập tỉnh Quảng Ngãi (30/6/1989), một trong những việc làm đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ là tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các cơ quan tham mưu về hạ tầng giao thông. Bởi thời điểm đó, hạ tầng giao thông của Quảng Ngãi thuộc hàng kém nhất trong cả nước.

Tại các cuộc họp, ông Thủy luôn đề xuất mở tuyến đường nối với vùng Bắc Tây Nguyên để mở ra cơ hội cho Quảng Ngãi phát triển.

Dù biết là có lợi, song gần chục cuộc họp diễn ra, gần như cả chục cuộc đều tranh luận nảy lửa. Bởi khi đó, ngân sách tỉnh chỉ có vài trăm triệu, trong khi chi phí để mở đường tính bằng tiền tỷ. Dù vậy, Thường trực Tỉnh ủy đã lắng nghe và quyết định “mở cửa” lên Tây Nguyên.

Từ cơ sở đó, những người lính mở đường như ông Thủy được giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát và thiết kế hướng tuyến. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn cam go nhất mà ông và những đồng nghiệp nếm trải.

img

Ông Cao Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, người để lại dấu ấn lớn nhất trong việc mở cung đường huyết mạch mở toang cánh cửa cho vùng Bắc Tây Nguyên

Nhắc lại chuyện này, ông Thủy kể, xe đưa đoàn đến thị trấn Ba Tơ thì dừng lại để đón cán bộ của huyện Ba Tơ dẫn đường.

Những thác ghềnh, đồi dốc cứ thế hiện ra. Quãng đường chưa đến 30km, nhưng mất gần một ngày trời đoàn mới đến chân đèo Vi-ô-lắc.

Trong đoàn, nhiều cán bộ mệt rã người vì nắng và đói. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau đoàn lên đường, bắt đầu hành trình lội bộ.

Hơn 3 ngày, cuộc chinh phục đỉnh đèo Vi-ô-lắc cũng thành công. Mỗi bước đi của đoàn đều được ghi lại cẩn thận từ tọa độ, hiện trạng rừng, cho đến sông suối...

Đó thực sự là một thử thách, bởi ngoài khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, quá trình lội rừng nghiên cứu, khảo sát đoàn “chạm mặt” với nhiều loại thú rừng, bò sát nguy hiểm, nên mỗi chuyến đi đều có du kích huyện Ba Tơ đi kèm để bảo vệ.

“Rồi quá trình đi khảo sát phải viết tay, chấm tọa độ trên giấy trắng. Ghi lại cụ thể điểm nào mở rộng, chỗ nào làm cầu, nơi nào phải đánh mìn phá đá. Vậy mà, hướng tuyến được vẽ rành rọt không sai một li”, ông Thủy nhớ lại

Vượt khó, thần tốc mở đường

img

Sau 30 năm xây dựng, nâng cấp mở rộng, Quốc lộ 24 mang hình hài của một công trình giao thông hiện đại

Khi những trở ngại bước đầu đã vượt qua, đến giai đoạn thi công, dự án gặp rất nhiều thách thức, bởi năng lực các nhà thầu hạn chế. Riêng những đoạn núi hiểm trở, tỉnh Quảng Ngãi phải thuê các công ty có tên tuổi như Lũng Lô để thi công riêng.

Có thời điểm, tưởng chừng dự án này “phá sản” do địa hình quá phức tạp. Song, bằng nỗ lực và quyết tâm của tỉnh và cả nhà thầu, một công trình giao thông cấp IV miền núi chạy xuyên những cánh rừng già, đèo cao, hố sâu nối với Tây Nguyên cuối cùng cũng hoàn thành.

Đây là công trình giao thông có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm đó hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng về hạ tầng giao thông của Quảng Ngãi trong hành trình mở đường kể từ sau ngày tái lập tỉnh.

Nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GTV Quảng Ngãi Nguyễn Viết Hân cho biết, sau khi Bộ GTVT đồng ý cấp kinh phí 35 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó tỉnh Quảng Ngãi 25 tỷ và tỉnh Kon Tum 10 tỷ. Song, cuối cùng tỉnh Kon Tum quyết định bàn giao số vốn trên cho Quảng Ngãi và nhờ tỉnh này “làm đường giúp”.

“Toàn bộ công trường phải phá đá, bạt núi. Nhiều đoạn dốc phương tiện cơ giới không thể thi công buộc phải dùng sức người, đến khi nào đảm bảo an toàn mới đưa phương tiện cơ giới vào.

Có những đoạn gặp đá tảng, nhà thầu phải xin ý kiến cấp trên để đánh mìn với khối lượng lớn. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao với phương tiện thi công thô sơ, tiền bạc thiếu thốn, vậy mà mọi thứ lại hanh thông đến khó tin”, ông Hân nhớ lại.

Dù thi công trong điều kiện khó khăn, vất vả và nhiều thiếu thốn, song chỉ hai năm sau, con đường huyết mạch Quốc lộ 24 hình thành, nối Tây Nguyên với đồng bằng trong niềm vui vỡ òa của những người mở đường như ông Thủy, ông Hân và với cả hàng trăm nghìn người dân dọc theo công trình chiến lược này.

Thong dong trên cung đường từ Thạch Trụ đến thị trấn Măng Đeng ngày nay, không khó để nhận ra những đổi thay trên vùng đất An toàn khu.

Những cánh rừng thông reo, những xóm làng trù phú mọc lên. Thị trấn Ba Tơ, Măng Đen vươn mình trở thành đô thị sầm uất ngay bên Quốc lộ 24.

Những cây cầu mới được đầu tư sau này đã xóa cảnh “lụy đò”. Trên đường, phương tiện cơ giới chở hàng hóa, nông lâm sản và xe khách từ các tỉnh Tây Nguyên xuôi về đồng bằng đi lại tấp nập. Hàng quán, cửa hiệu buôn bán hai bên đường mở ra ngày càng nhiều hơn…

Quốc lộ 24 là tuyến giao thông đường bộ quốc gia thứ 2 nối Bắc Tây Nguyên với đồng bằng ven biển. Tuyến đường đài 170km, xuất phát từ nút giao Quốc lộ 1 tại ngã tư Thạch Trụ, xã Đức Lân (Mộ Đức), chạy qua các huyện Đức Phổ, Ba Tơ xuyên đèo Vi-ô-lắc đến huyện Kon Plông, Kon Rẫy và kết thúc tại phường Thắng Lợi (TP Kon Tum).

Qua thời gian, công trình đã nhiều lần được duy tu, bảo dưỡng. Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đoạn Km0 - Km8 vào năm 2015. BQL Dự án 85 - Bộ GTVT thực hiện mở rộng từ Km8 - Km32.

Đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum vừa qua tỉnh này cũng thực hiện nâng cấp, mở rộng và chỉnh tuyến một số đoạn, điểm với chiều dài toàn tuyến 31km từ TP Kon Tum đến huyện Kon Plông với kinh phí 840 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.