Xã hội

Ký ức những "bông hoa thép" Đội tải 161

31/08/2020, 07:51

Khi nhắc đến những tháng ngày sống giữa làn tên mũi đạn thì những ký ức hào hùng, chiến đấu oanh liệt của các bà vẫn luôn ùa về, sáng rõ.

img
Đội tải 161 trong thời chiến (Ảnh tư liệu)

Đã 50 năm trôi qua, nhưng những ký ức về một thời oanh liệt vẫn luôn sống mãi trong lòng các cựu nữ dân công tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh của Đội tải 161 (thuộc lực lượng vũ trang tỉnh An Giang trong thời chiến tranh chống Mỹ).

Một thời lửa đạn

Được gặp gỡ, trò chuyện và nghe các cựu nữ dân công Đội tải 161 kể chuyện là một điều may mắn. Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp ghé thăm bà Nguyễn Thị Hương (SN 1952, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nguyên tiểu đội trưởng Đội tải 161, đúng lúc bà cùng với hai người đồng đội cũ, bà Võ Thị Điệp (SN 1949, ngụ huyện Tịnh Biên) và bà Lê Kim Xương (SN 1951, ngụ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cựu thành viên Đội tải 161 họp mặt tại nhà.

Thời gian trôi qua, những cô gái năm ấy tuổi nay đã cao, tóc đã bạc, nhưng khi nhắc đến những tháng ngày sống giữa làn tên mũi đạn thì những ký ức hào hùng, chiến đấu oanh liệt vẫn luôn ùa về, sáng rõ.

Bà Hương cho biết, Đội tải 161 được thành lập từ năm 1964. Đến năm 1970, Đội được nâng lên thành Đại đội. Mang tiếng là Đại đội nhưng quân số trung bình của đơn vị chỉ từ khoảng 40 - 60 người. Bởi, nhiều người trong đội được động viên ra chiến đấu, đặc biệt là các nam thanh niên trai tráng. Chính vì vậy, phần lớn đơn vị chủ yếu là nữ.

Nhiệm vụ chính của Đội tải 161 là vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí, vận chuyển thương binh và dẫn đường cho bộ đội. Đơn vị được chia thành 3 trung đội, mỗi trung đội đảm nhiệm tải lần lượt từ Tân Lèo (tỉnh Long An) về căn cứ B1 (xã Phú Hữu, huyện Phú Châu, nay là huyện An Phú, tỉnh An Giang); tuyến từ B1 về vùng Bảy Núi. Đội còn lại đóng tại cứ, trong tư thế sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường với nhiệm vụ chủ yếu tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh.

An Giang là vùng đất có địa thế chủ yếu là núi và đồng bằng, một năm có hai mùa. Sáu tháng mùa nước, việc tải hàng chủ yếu bằng ghe, xuồng. Sáu tháng mùa khô thì mang, vác, cũng có khi thồ bằng xe đạp hoặc nhờ voi, trâu bò của người dân địa phương.

“Đêm đi ngày nghỉ, chặng đường đi hơn 10km. Tuyến đường nào cũng phải đối mặt với bom đạn san sát trên lưng, những trận càn quét của địch, máy bay quần thảo trên đầu. Có những đoạn cách bốt địch chưa đầy 30m. Hay có những lúc bơi qua sông, người bơi được kéo người không biết bơi. Sức nữ chân yếu tay mềm, trái đạn cối nặng nề trơn tuột xuống sông, chị em vẫn quyết tâm mò cho bằng được. Phải nói đến thời điểm này, chúng tôi cảm thấy một điều vô cùng may mắn, đó là luôn hoàn thành được nhiệm vụ, chở hàng đi được đến nơi, đảm bảo an toàn cho các anh bộ đội”, bà Xương kể lại.

Ông Huỳnh Trí (Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã có những vần thơ hào hùng tặng những cô gái quả cảm của Đội tải 161:

Muỗi đeo đỉa bám máu đầy thân
Vượt hiểm nguy đưa hàng về đích
Băng Cửu Long đưa quân chủ lực
Tàu địch chặn đánh như bão đạn
Ghe đưa quân trúng đạn, nước vào
Người bịch nước kẻ cầm lái vọt
Hai bờ song quân ta chi viện
Ghe đến bờ quân đội an toàn
Chủ lực khen đội tải oai hùng.
….
Các chị giỏi lắm có ai bì
Tính nam nhi còn nể sức nữ hùng.

Tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

img
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Hương, bà Lê Kim Xương và bà Võ Thị Điệp

Với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, nên 16, 17 tuổi, các nữ dân công đã thoát ly gia đình, tham gia đội tải. Phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng quen tay lao động, mỗi người thồ, tải từ 15 - 30kg đạn, súng, cùng bộ đội công đồn, bốt địch. Những cô gái miệt mài chuyển hàng theo yêu cầu của chiến dịch, bất chấp mưa bom bão đạn quân thù.

“Để chuyển hàng từ Tân Lèo về căn cứ B1, chị em tôi phải vượt sông Cửu Long bằng ghe. Đây cũng là khu vực trực thăng và tàu địch ngày đêm quần thảo, hòng ngăn chặn ta vận chuyển vũ khí và lương lực chi viện cho bộ đội chủ lực.

Năm 1970, đội tôi có nhận mệnh lệnh vận chuyển súng, đạn, trái từ Tân Lèo về. Khi đến sông Cửu Long, hàng được chuyển xuống hai ghe. Tuy nhiên, đi chưa được bao xa thì bị địch phát hiện, điều trực thăng truy kích.

Ghe bị bắn thủng, mọi người lấy khăn, áo “trám” lỗ thủng lại, lái ghe phải nhảy xuống khoang tàu, vừa nằm vừa điều khiển. Người nhảy xuống sông nương theo mạn ghe kìm bánh lái, cố thoát vòng vây. May mắn là nhờ anh em bộ đội trên bờ chia lửa, nên chuyến ấy, chị em tôi hoàn thành nhiệm vụ”, bà Hương kể.

Tuy nhiên không phải lúc nào các cô gái cũng gặp may. Tháng 10 năm 1971, tiểu đội nhận lệnh chuyển hàng từ núi tượng Lăng (Campuchia) về sông Hậu, tuyến đường này phần lớn là tải bộ nhưng tới khu vực Lò Gò, mọi người phải chuyển sang tải ghe.

“Khi tới cầu 31, máy bay địch phát hiện, ném bom, đồng thời đổ quân chặn đánh. Ghe hàng tan tành hết. Hàng bị chìm xuống sông. Lần ấy, có 5 người bị thương”, giọng cô Hương trầm lặng. Cũng trong trận chiến ấy, một mảnh đạn ghim vào hông và lặng lẽ nằm trong cơ thể cô cho đến giờ.

“Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tuyến tải hàng qua kênh Vĩnh Tế. Giặc càn quét rất ác liệt, 24/24h. Nhiều đồng đội tôi chưa kịp lớn thì đã nằm lại vĩnh viễn ở nơi ấy. Anh em trong đội hay gọi đó là “kênh Vĩnh Biệt”, bà Điệp tiếp lời.

Bên cạnh công tác thồ tải vũ khí cho bộ đội, sau mỗi trận đánh, các cô còn làm nhiệm vụ tải thương. Đôi vai của các cô gái nhỏ nhắn, gánh đạn pháo trên lưng cùng bộ đội ra trận đối mặt với bom đạn, nhưng thà hy sinh chứ quyết không thể mất vũ khí, không để thương binh bị thương lần thứ 2.

Đã có rất nhiều người lặng lẽ ra đi trên đôi vai các cô. Nhưng nỗi đau và sự tiếc thương đồng đội đã hy sinh cũng chính là động lực cho những người còn ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ tải đạn, đưa thương binh về cứ.

Ở chiến trường sự gian khổ, ác liệt, cái chết luôn cận kề nên ai cũng phải trải qua những gian lao, vất vả. Nhưng so với nam giới thì nữ tải còn khó khăn hơn gấp bội.

Điều kiện chiến tranh không cho phép, cả tuần không được tắm gội là chuyện thường tình. Cũng có khi, một bộ đồ, ngày khô ướt không biết bao nhiêu lần. Đa phần các chị em trong đội đều mắc bệnh da liễu.

Khó có thể kể siết những khó khăn, gian khổ của các nữ Đội tải 161. Những đóng góp thầm lặng của các cô đã góp phần không nhỏ cho trận đánh Phú Lâm - Long Sơn (mùa khô năm 1972), trận đánh đồn Trại Thum…

Ngày hòa bình cũng là lúc Đội tải 161 hoàn thành sứ mệnh, các cô trở về với cuộc sống đời thường. Người may mắn có được cuộc sống ấm no nhưng một số người phải bươn chải đủ nghề do hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, dù mỗi người có những nỗi niềm riêng, thế nhưng các cựu nữ Đội tải 161 vẫn giữ cho mình sự lạc quan, sống mãi những ký ức về một thời lửa đạn, can trường mà thầm lặng ấy. Trước khi tiễn chúng tôi ra về, bà Hương chia sẻ ý định tổ chức họp mặt, mời tất cả thành viên Đội tải về tham dự. Nhưng có lẽ, kế hoạch phải gác lại bởi họ vẫn đang còn nhiều gánh lo toan...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.