Y tế

Ký ức những "trận chiến" nơi tuyến đầu chống dịch

16/02/2021, 06:30

Ai cũng ngỡ chỉ là chuyến công tác thông thường, nhưng khi vào tới nơi, nhiều người cảm thấy “sốc” trước những gì phải đối mặt.

img

Ths. Hoàng Minh Hoàn, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai

“Giữa thời bình vẫn rơi nước mắt chia ly”

Trở về từ tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Ths. Hoàng Minh Hoàn, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai vẫn luôn thường trực lời căn dặn các nhân viên của mình vào mỗi buổi sáng: “Nhớ nhé, luôn đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, không phải bảo vệ cho riêng mình mà còn cho chính các bệnh nhân đang điều trị ở đây”.

Những ngày đầu, thậm chí có điều dưỡng trẻ ôm mặt khóc, ngồi bần thần bên ngoài nhất quyết không vào phòng bệnh vì thấy áp lực quá. Áp lực vì được điều động đến 1 chuyên khoa hoàn toàn khác biệt với công việc thường ngày và hơn cả là áp lực từ nỗi lo lây nhiễm Covid-19. Nhưng rồi, vừa làm, vừa đào tạo, vừa vỗ về, động viên là những gì tôi cùng các đồng nghiệp đã “dìu” nhau vượt qua mọi khó khăn.
Ths. Hoàng Minh Hoàn, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai

Một tháng gắn bó với Đà Nẵng trong đợt bùng phát dịch Covid-19, hơn ai hết chị hiểu được giá trị được sống và làm việc trong môi trường không Covid-19 có ý nghĩa thế nào. Nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng để hỗ trợ các đồng nghiệp khi thông tin về đợt dịch mới manh nha, chị vẫn nghĩ “chắc đi vài ngày rồi về” nên hành lý mang theo chỉ là đôi bộ quần áo.

Cũng như hầu hết các y bác sĩ có mặt đầu tiên tại Đà Nẵng, cảm giác “sốc” là điều chị khó tránh khỏi khi phải tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân nặng, dương tính với Covid-19 trong điều kiện thiếu thốn đủ bề.

Chị Hoàn vẫn nhớ như in khi nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại khu Hồi sức tích cực của Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng). Mặc dù vẫn là công việc điều dưỡng hồi sức cấp cứu nhưng có một cảm giác rất khác.

“Rất khác bởi gần như không ai biết ai, lúc đó lực lượng y tế được huy động từ nhiều chuyên khoa, từ nhiều bệnh viện đến. Thông thường, chúng tôi cần thời gian để thích nghi với nhau, với công việc nhưng giữa tình huống “nước sôi, lửa bỏng này” điều đó không cho phép”, chị Hoàn chia sẻ.

Dù đã lường trước bệnh nhân sẽ có những biến chứng nhưng chị Hoàn cho hay, gắn bó với công tác điều dưỡng hồi sức 23 năm nhưng chị chưa từng gặp trường hợp bệnh nhân nào có diễn biến bất thường như bệnh nhân Covid-19.

Chị nhớ mãi một nam bệnh nhân còn khá trẻ, suy thận mãn, khi được chuyển đến đây vẫn tự đi lại. Nhưng chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân thấy rất mệt và khó thở, dù đã được trợ giúp.

Điều đáng nói chỉ số oxy trong máu rất xấu nhưng nhịp thở hoàn toàn bình thường - đây là tình huống mà chị cùng nhiều đồng nghiệp chưa từng gặp bao giờ. Một ngày sau, bệnh nhân phải đặt ống thở máy… và ra đi với tổn thương phổi nặng nề, dù các y bác sĩ đã nỗ lực hết sức.

“Hay có bệnh nhân mấy hôm trước còn có thể dìu đứng lên nhưng chỉ 1-2 hôm đã thở máy rồi hôn mê và tử vong… Chúng tôi không nghĩ Covid-19 lại gây tổn thương phổi nhanh và kinh khủng đến thế”, điều dưỡng Hoàn nhớ lại.

Chị cho hay, có lăn xả trong tâm dịch mới thấu hiểu hết những khắc nghiệt của cuộc chiến Covid-19, “giữa thời bình mà loạn lạc, chia ly”. Tất cả các bệnh nhân vào đến hồi sức cấp cứu đều không người thân bên cạnh và đều là các ca rất nặng. Toàn bộ mọi sinh hoạt từ miếng ăn, giấc ngủ, tiêm truyền, thuốc thang, đến vệ sinh cá nhân đều do điều dưỡng chăm lo.

Có nhiều bệnh nhân suốt thời gian nằm điều trị hoàn toàn mất liên lạc với gia đình do người nhà tứ tán, cách ly khắp nơi. Khi tìm được nhau thì chỉ nhìn mặt, nghe giọng nói qua điện thoại. Ai may mắn vượt qua lằn ranh sinh - tử mong manh thì được hội ngộ với người thân, bằng không là ngược lại.

Ngay cả các y, bác sĩ cũng như nhiều lực lượng tham gia cuộc chiến chống Covid-19 cũng vậy, tất cả đều phải gác lại chuyện gia đình, xa con cái để toàn tâm ý. Gia đình chị Hoàn cũng không ngoại lệ, Covid-19 xảy đến suốt 2 tháng, hai đứa con nhỏ của chị rời xa cha mẹ về ở với ông bà. Những cuộc gọi chớp nhoáng tranh thủ giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi là cầu nối duy nhất của vợ chồng chị với hai con. “Giữa thời bình mà loạn lạc như trong một cuộc chiến vậy”, chị Hoàn cho hay…

Những điều chưa có tiền lệ

img

BS. Trương Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai

Có mặt trong hầu hết các điểm nóng Covid-19 từ ổ dịch đầu tiên tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đến BV Bạch Mai, BS. Trương Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cùng nhiều đồng nghiệp được điều động vào hỗ trợ chống dịch tại Đà Nẵng ngay trong những ngày đầu.

“Ban đầu chúng tôi vẫn suy nghĩ chuyến công tác đó chắc cũng như bao chuyến khác, chỉ vài ngày rồi trở về. Tuy nhiên, tất cả đã nằm ngoài dự liệu”, BS. Thư cho hay.

Khi vừa đặt chân đến Đà Nẵng, chưa kịp nhận phòng ở khách sạn, tổ công tác của chị lập tức lên đường để khảo sát lại toàn bộ công tác từ sàng lọc, phân luồng, cách ly cho bệnh nhân cũng như những biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn đã triển khai trong các bệnh viện. Phương án đặt ra làm sao giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm và làm sạch bệnh viện để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân.

Chuyển bệnh nhân dương tính từ BV Đà Nẵng sang các bệnh viện khác là giải pháp được đặt ra nhưng để thực hiện ở thời điểm đó gần như là “đánh đố”. Bởi cơ sở vật chất điều kiện phục vụ phòng chống dịch và tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế rất hạn chế, trong khi đội ngũ nhân viên y tế thiếu trầm trọng.

BS. Thư nhớ lại, chưa đầy 1 tuần lễ, tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và BV Phổi Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng trung tâm lọc máu và hồi sức tích cực gần như hoàn thiện, không thua kém gì bệnh viện Bạch Mai.

“Việc này chưa từng có trong tiền lệ, sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của cả nước đã biến điều không thể thành có thể trong thời điểm cấp bách nhất đó. Chưa đầy 2 tuần, toàn bộ 350 giường bệnh tại những nơi này đều kín. Bài toán dự phòng 1 bệnh viện dã chiến tiếp tục được đặt ra và rốt ráo hoàn thiện… ”, BS. Thư kể.

img

Điều trị cho bệnh nhân ở Đà Nẵng

Có lẽ ở Việt Nam cũng chưa có đợt dịch bệnh nào phải huy động đến sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần như cuộc chiến Covid-19 khốc liệt tại Đà Nẵng. Như BS. Thư chia sẻ: “Nhiều y, bác sĩ thực sự sang chấn tâm lý trước diễn biến bất ngờ của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Thậm chí, nhiều y tá, bác sĩ còn không biết nên bắt đầu từ đâu giữa ngồn ngộn công việc cần phải làm mà từ trước đến nay họ chưa từng gặp, chưa từng làm…”.

Lý giải cho những sang chấn tâm lý này, BS. Bùi Văn San, Khoa Tâm thần, BV Bạch Mai, thành viên của Tổ tâm lý trực chiến tại TP Đà Nẵng chia sẻ, đội ngũ thầy thuốc những ngày thường đã làm việc căng thẳng, nay dịch bệnh xảy ra nên càng phải gồng mình. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng trong công việc dẫn đến tâm lý căng thẳng… Cũng chính vì lẽ đó, một đội chuyên gia tâm lý được khẩn cấp điều vào Đà Nẵng vào thời điểm đó.

“Nói điều trị tâm lý nghe có phần nặng nề. Chúng tôi là những đồng nghiệp với nhau nên hiểu rõ công việc và áp lực trong nghề, cùng nhau trò chuyện, sẻ chia và tâm sự để vơi đi những căng thẳng. Không chỉ “giải nhiệt” tâm lý cho đồng nghiệp, chúng tôi còn trực tiếp gặp gỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để sẻ chia, động viên họ vững tin sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau những cuộc nói chuyện thấy đồng nghiệp, người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn. Đây cũng là một cách điều trị bệnh trong lĩnh vực tâm thần mà chúng tôi áp dụng rất hiệu quả trong trận chiến Covid-19 tại Đà Nẵng”, BS. San chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.