Chất lượng sống

Ký ức vụ cháy kinh hoàng 60 người chết ở tòa nhà ITC

14/04/2018, 11:05

Vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người tử vong mới đây khiến nhiều người không khỏi rùng mình nhớ lại...

17

Lực lượng cứu hộ trong vụ cháy trung tâm ITC

Ám ảnh những cánh tay kêu cứu

Buổi trưa 29/10/2002, trời Sài Gòn trong xanh, nắng nhẹ, gió mát. Khoảng 13h30, từ một tia lửa nhỏ của việc hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng 3, ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ tòa nhà 6 tầng Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) với 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM). Vụ cháy kinh hoàng đó đã cướp đi sinh mạng của 60 người. Những người chứng kiến thời khắc đó, sau 16 năm, đến giờ vẫn còn ám ảnh.

Bà Nguyễn Thị Chanh, bán hàng ở dưới chung cư số 1 Nguyễn Trung Trực năm nay đã ngoài 50 tuổi, người chứng kiến vụ cháy tòa nhà ITC nhớ lại: Thời điểm đó là lúc quá giờ trưa nên khách cũng không còn đông thì có tiếng người hô hoán: “Cháy! Cháy! Cháy”. Hàng trăm người từ bên trong tòa nhà ùa chạy ra ngoài.

Trong phút chốc, xe cứu hỏa lao đến nhưng đám cháy đã bùng lên thành những cột khói cao. Hàng trăm người mắc kẹt từ trên tầng cao không xuống được bên dưới. Tiếng la hét thất thanh, bấn loạn. Rất nhiều người nhảy lầu xuống đường tử vong. “Giờ mỗi lần nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Hồi đó, dân cũng không có nệm hay gì để đem ra mà cho họ nhảy xuống. Ai cũng hoảng rồi cuống lên không biết làm gì. Vừa rồi nghe thêm vụ cháy chung cư khiến 13 người tử vong, cả nhà tui ai cũng ớn lạnh khi nhớ lại thảm kịch trước mặt nhà mình mười mấy năm về trước”, bà Chanh nhớ lại.

Đại tá Lê Tấn Bửu, lúc đó là Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an TP.HCM), khi nhận được tin đã lao đến hiện trường. Trước mắt các chiến sĩ Cảnh sát PCCC là tòa nhà bị bao trùm bởi các cột khói cao cả trăm mét. “Từ trên tầng 4, tầng 5 những cánh tay đưa ra cầu cứu khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ”, Đại tá Bửu tâm sự.

Tòa nhà ITC lúc đó được thiết kế bên ngoài với hệ thống bê tông bảo vệ kiên cố, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC phun nước vào lại bị dội ra. Ông Bửu trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, chia thành nhiều mũi, tổ chức các tổ đập phá tường để đột nhập vào bên trong khống chế ngọn lửa. Nhưng lửa cháy quá nhanh, gần như không thể cản nổi. Lực lượng cứu hỏa đã cố cứu được rất nhiều người, nhưng số người chết và bị thương quá lớn.

Hàng chục năm chiến đấu với giặc lửa, tham gia hàng trăm vụ nhưng chưa bao giờ Đại tá Bửu cảm nhận được nỗi đau như lúc ấy, nỗi ám ảnh còn kéo dài đến hiện tại. Bởi lúc nhận được tin vụ cháy thì lửa đã phát lên cao, phương tiện chữa cháy lúc đó chưa thực sự hiện đại nên trong mắt người lính cứu hỏa này có điều gì đó vẫn còn day dứt. “Điều rút ra sau vụ cháy đó là công tác PCCC phải được đặt lên hàng đầu. Rất tiếc, đến nay có một số nơi tại các chung cư, nhà cao tầng công tác PCCC chưa được quan tâm khi những bài học về các vụ cháy ở ITC, Carina vẫn còn nguyên giá trị”, Đại tá Lê Tấn Bửu chia sẻ.

16

Khu đất tòa nhà ITC cũ trước đây giờ đang xây dựng một tòa cao ốc cao 60 tầng hiện đại, sầm uất hơn

Xây cao ốc 60 tầng trên nền ITC cũ

Sự kiện ITC khiến nhiều người giật mình về việc đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC lúc bấy giờ, khi thành phố ngày càng có nhiều nhà cao tầng mọc lên. Sau đó, lực lượng Cảnh sát PCCC đã được kiện toàn, tổ chức về nhân sự, trang thiết bị. Năm 2006, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM được thành lập thay vì chỉ là một phòng thuộc Công an thành phố. Cùng với đó là xây dựng thêm lực lượng Cảnh sát PCCC các quận, huyện, kể cả trên sông để rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường. Các lực lượng thường xuyên được tập huấn, huấn luyện tiếp cận cứu hộ tại các tòa nhà cao ốc, chung cư để ngày càng chuyên nghiệp hơn. Khoảng 20 xe chữa cháy hiện đại, trong đó có cả những xe lớn, thang vươn đến tầng 18 đã được đầu tư để phục vụ tốt hơn cho công tác cứu hộ.

Sau vụ cháy, tòa nhà ITC đã được sửa chữa đưa vào hoạt động lại một thời gian. Sau đó, vì sự an toàn của người dân, thành phố đã cho đập bỏ toàn bộ tòa nhà. Để rồi khu đất giá trị “kim cương” này nằm vất vưởng, bỏ hoang hơn 10 năm trời, chủ yếu cho thuê làm bãi giữ xe.

Đến năm 2016, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã động thổ xây dựng tòa cao ốc SJC (SJC Tower) cao 60 tầng, gồm 6 tầng hầm và 54 tầng nổi, với công năng là trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ. Nhưng rồi không biết lý do gì, dự án cũng nằm bất động gần 2 năm qua.

Những ngày đầu tháng 4/2018, chúng tôi trở lại khu đất tòa nhà ITC năm nào, giờ đã thành một công trường rộng lớn. Xung quanh đã được rào chắn cẩn thận với dòng chữ “không phận sự miễn vào”. Bên trong, các đơn vị thi công đang tập trung các thiết bị, cần cẩu, tiến hành khoan cọc nhồi thi công phần móng. Theo chủ đầu tư phải mất khoảng 4 năm mới hoàn thành tòa tháp cao 60 tầng này.

Rồi đây, khu đất tòa nhà ITC cũ sẽ mọc lên một tòa cao ốc, một trung tâm thương mại sầm uất ngay tại trung tâm thành phố năng động này. Những ký ức về vụ cháy kinh hoàng sẽ dần mờ phai trong nhiều người, nhưng bài học về cách PCCC, ứng phó với sự cố cháy nổ, ngạt khói sẽ còn rất hữu ích với người dân thành phố, đặc biệt là khi thành phố tiếp tục có hàng nghìn tòa nhà cao tầng xây dựng khắp nơi.

Sau vụ cháy, đã có 10 người bị truy tố.

Trong đó, Nguyễn Văn Phương (Paul Nguyễn), Việt kiều Mỹ, chủ vũ trường Blue, bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù; Lâm Nghĩa Hòa (chủ cơ sở cưa sắt Nam Thông tại 72 Calmette, quận 1) 7 năm tù; Chung Thị Mỹ Lệ (Giám đốc ITC) 2 năm tù.

Các bị cáo Huỳnh Quang, Huỳnh Quý (nhân viên kỹ thuật ánh sáng Blue); Nguyễn Phú Tín, Phan Viết Thanh (thợ hàn); Lưu Nhật Tuấn (Tổng quản lý Blue), Nguyễn Trọng Cường (Trưởng ban quản lý Blue); Lê Hồng Thăng (Đội trưởng đội bảo vệ, phòng cháy chữa cháy của ITC) lĩnh mức án từ 2 - 5 năm tù.

Tòa nhà ITC thời điểm xảy ra vụ cháy kinh hoàng gồm 6 tầng lầu với tổng diện tích 6.500m2, tọa lạc trên trục đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, được xây dựng năm 1970, sửa chữa năm 1985, sử dụng làm trung tâm mua sắm, văn phòng cho thuê, có vũ trường, nhà hàng... Khoảng 13h30 ngày 29/10/2002, một nhóm công nhân đến hàn giàn đèn trần vũ trường Blue ở tầng 3 đã làm vảy xỉ nhiệt độ cao bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy. Đám cháy làm 60 người thiệt mạng, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.