Chuyện dọc đường

Kỳ vọng bứt phá từ Hội nghị T.Ư 5

08/05/2017, 07:35

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Hội nghị T.Ư 5 khoá 12 sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách quan trọng.

9

Muốn giành được thị trường và khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân phải có vốn, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động - Ảnh: Tạ Tôn

Một trong những thành quả quan trọng của thời kỳ đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI là quá trình hình thành và phát triển ngày càng đông đảo của KTTN. Đóng góp lớn nhất của khu vực KTTN là tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ khoảng 40% GDP. Hiện nay, chúng ta hay đề cập tới con số DN đang hoạt động, khoảng 500-600 nghìn DN thì đó đa số là DN trong khối KTTN. Các DN thành lập thời gian gần đây cũng chủ yếu là DN tư nhân. Chúng ta nói tới con số 1 triệu DN tới năm 2020 cũng chính là nói đến DN khối KTTN. Họ sẽ chiếm đến 99,9% số lượng DN trong nền kinh tế.

Nhưng KTTN cũng được hiểu là cả hộ nông nghiệp, các hộ kinh doanh chứ không chỉ là các DN tư nhân. Và nếu như vậy, khu vực KTTN hiểu theo nghĩa rộng không phải dừng ở con số 500-600 nghìn nữa mà phải thêm 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký và 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Số lượng đông đảo, trải rộng ra tất các lĩnh vực kinh tế, len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa mức độ bao phủ gần như toàn bộ nền kinh tế, nên đóng góp của họ chính là tạo việc làm, đóng góp lớn cho an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong khi DN Nhà nước chỉ xuất hiện ở một số lĩnh vực quan trọng, khu vực DN FDI cũng chỉ ở một số địa bàn, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động thì cần xác định vai trò có tính bao trùm, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế xã hội của khu vực KTTN, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện, một bộ phận của KTTN có tốc độ phát triển cao hơn các DN Nhà nước, năng lực cạnh tranh khá cao, có thương hiệu, tầm ảnh hưởng, được thế giới ghi nhận và vươn ra thế giới. Nhưng rõ ràng KTTN của ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đáng nói nhất là chúng ta thiếu những DN cỡ vừa và DN lớn hoạt động có hiệu quả. Xuất hiện tình trạng một số DN khi đã phát triển tới một quy mô nào đó thì khả năng quản trị không theo kịp. Bên cạnh đó là năng lực cạnh tranh còn thấp trong tương quan và tiềm năng so với khu vực và thế giới.

Những hạn chế của DN tư nhân là do chính sách thúc đẩy chưa có nhiều giải pháp thiết thực, nhất là chi phí cao, tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, thủ tục chưa tinh gọn, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đủ.

Chúng ta đang thiếu những DN cỡ vừa và lớn để tạo thành trung tâm của các chuỗi liên kết, DN tư nhân chủ yếu nhỏ và vừa, nhưng lại không thể lớn lên vì nhiều cản trở như chính sách thanh, kiểm tra, chính sách thuế…

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Hội nghị T.Ư 5 khoá 12 sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách quan trọng đối với sự phát triển của khu vực KTTN trên những cơ sở đã xác định: Thứ nhất, Đại hội Đảng chính thức xác định từ nay đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN theo những chuẩn mực và thông lệ phổ biến trên thế giới. Đây là điều quan trọng vì đấy là môi trường hoạt động cho KTTN. Thứ hai, xác định KTTN là 1 trong những động lực phát triển của nền kinh tế. Thứ ba, khuyến khích phát triển KTTN để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư là yêu cầu có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp.

Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.