Hạ tầng

Kỳ vọng đổi đời nhờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

17/05/2023, 15:45

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, là cơ hội để các địa phương tăng tốc phát triển, là cơ hội cho người dân đổi đời.

Đất có giá, sửa sang nhà cửa để làm ăn

Chị N.T.D. là một người làm nghề môi giới địa ốc ở khu vực nút giao huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) kết nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đây cũng là nút giao quan trọng bậc nhất của tuyến cao tốc này, mở ra nhiều hướng lưu thông, kết nối về miền Tây và không cần đi qua TP.HCM.

“Sau khi cao tốc thông xe và sắp tới nút giao QL56 được kết nối, chắc chắn thị trường nhà đất sẽ ấm trở lại, bởi hiện tại đã rục rịch tăng giá so với trước đó”, chị D. cho hay.

img

Nút giao kết nối từ cao tốc Dầu Giây - Long Thành vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, cách nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL56 khoảng 1km, giá đất đã tăng hơn trước. Cụ thể như tại đường 19, xã Hàng Gòn (TP Long Khánh, Đồng Nai), chủ nhà rao bán mảnh đất rộng 780m2 với giá 6,6 tỷ đồng (khoảng 8,5 triệu đồng/m2, tăng 2 triệu đồng/m2). Đất nông nghiệp vườn cây ăn trái với diện tích 1.000m2 được rao bán với giá 2,8 tỷ đồng…

Tại phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, đất nền hơn 180m2 được rao bán 1,35 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, bởi khi chưa có cao tốc hay nút giao cao tốc đi qua, giá rất rẻ, chỉ chừng vài trăm triệu đồng với diện tích như thế. Vùng này xưa vốn là đất nông nghiệp, người dân có đất nhiều, nên việc rao bán cũng khá sôi động.

Tương tự, tại Bình Thuận, đất qua các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, nơi có các nút giao cao tốc đi qua, cũng đang khá khởi sắc, việc xây cất nhà cửa diễn ra rầm rộ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, một người dân ở vùng Hàm Tân đang kêu thợ xây lại căn nhà nói: “Nhà tui lâu nay coi như ở thôn quê, nay có nút giao mở rộng đường sá ngang đây thì thành mặt tiền. Cho nên sửa sang lại cái nhà để tính bề buôn bán. Quanh đây người ta sửa sang nhà cửa nhiều lắm, đất đai rao bán cũng rầm rộ”.

Khu vực nút giao kết nối cao tốc qua QL55 với TL720, chị Diệu (xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam) đã kịp khai trương quán cà phê có tên rất thời cuộc là “cà phê Cao Tốc”, ngay trước ngày cao tốc khánh thành. Mấy tuần nay khách tấp nập ra vào.

Khu công nghiệp, đô thị ăn theo cao tốc

img

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe là đòn bẩy quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai nhận định, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành và đưa vào khai thác có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không chỉ giúp giảm tải áp lực về ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 độc đạo, mà còn đóng vai trò là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của địa phương, kết nối với các khu công nghiệp, các khu đô thị và các vùng kinh tế, đem lại lợi ích tức thì cho người dân và doanh nghiệp.

Tại Xuân Lộc, cao tốc đi qua huyện có 2 nút giao lớn gồm TL765 và đặc biệt nút giao QL1 (xã Xuân Tâm) đang kéo thêm du khách về Khu du lịch núi Chứa Chan, mở thêm không gian phát triển mới.

“Trước đây, trên địa bàn huyện có một khu công nghiệp Xuân Lộc. Nhưng đón đầu tuyến cao tốc, tỉnh đã quy hoạch thêm một khu công nghiệp nữa, bởi thấy lợi thế cao tốc đem lại rất lớn. Việc này không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho người dân mà còn mở ra không gian đô thị mới, kích hoạt thị trường địa ốc phát triển hơn”, bà Tiên kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, địa phương được hưởng lợi rất lớn từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, do tiếp nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên, kể cả về miền Tây.

Đồng thời, đây là một trong 5 tuyến giao thông đóng vai trò kết nối với sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển hướng Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng hàng hải quốc tế rất quan trọng.

Do đó, trong quy hoạch, tỉnh Đồng Nai đã có chiến lược phát triển phù hợp với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt trong việc quy hoạch không gian đô thị. “Đây là cơ hội để địa phương để tăng tốc phát triển và cũng là cơ hội cho người dân đổi đời”, ông Bôn nói.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, được đưa vào khai thác ngày 29/4/2023.

Toàn tuyến có 7 nút giao nối với QL1 và các tỉnh lộ. Hiện đã có 3 nút giao được đưa vào sử dụng, 4 nút giao còn lại đang hoàn thiện.

Sắp tới đây, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km cũng sẽ được khánh thành, nối liền với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, giúp từ TP.HCM đi Ninh Thuận (khoảng 350km) chỉ còn khoảng 3 giờ so với 6 giờ như trước. Trên trục cao tốc này, các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận đã quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông trong tình hình mới.

Riêng tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến đầu tư hàng loạt tuyến giao thông kết nối từ cao tốc đến các Khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức, kết nối hệ thống cảng biển, đô thị biển, vùng du lịch trọng điểm… nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển của tỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.