Xã hội

Kỳ vọng “nhân tố mới” giúp Hà Nội, TP.HCM bứt phá

01/04/2016, 08:04

Nhiều ý kiến kỳ vọng tân lãnh đạo của Hà Nội, TP.HCM sẽ thúc đẩy hai đầu tàu đất nước bứt phá, khởi sắc.

17

TP.HCM nằm trong Top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất (Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại TP.HCM) - Ảnh: Sơn Hòa

Với những động thái tích cực trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến phát biểu tại buổi lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tổ chức hôm qua (31/3) kỳ vọng tân lãnh đạo của Hà Nội và TP.HCM sẽ thúc đẩy hai đầu tàu đất nước bứt phá, khởi sắc.

Hai điểm và khoảng cách 18 bậc

“Hà Nội năm nay xếp hạng PCI ở thứ 24. Mức thăng hạng tương đối chậm so với thứ bậc 26 của năm ngoái. Nhiều người đã hỏi tôi tại sao Hà Nội lại tăng chậm như vậy?”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ trong buổi công bố Chỉ số PCI 2015 sáng 31/3.

Theo ông Tuấn, dù chỉ số chung của Hà Nội cao (59 điểm) nhưng có hai chỉ số đứng chót bảng là: Chỉ số tiếp cận thị trường và chỉ số tiếp cận đất đai. “Hai chỉ số này thấp vì không gian cải cách đã không còn nhiều. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội nhiều năm liền không được đánh giá cao”, ông Tuấn nói.

Còn đối với TP.HCM, xét về điểm số chỉ hơn Hà Nội 2,3 điểm nhưng vị trí xếp hạng lại hơn Hà Nội 18 bậc khi đứng thứ 6 (61,36 điểm). Dù vậy, năm qua, TP.HCM đã tụt hai bậc và rơi khỏi Top 5 các tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh “rất tốt”. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, không nên chỉ nhìn vào con số mà hãy quan tâm tới nỗ lực cải cách của địa phương. “Lãnh đạo các tỉnh đều đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp. Có nhiều mô hình làm tốt mà các địa phương khác có thể học tập và tạo ra những con đường để cải cách ở Việt Nam thành công như mô hình mới hỗ trợ doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh và đặt qua tổng đài của TP.HCM, mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công có hiệu quả ở Quảng Ninh, Đà Nẵng…”, ông Lộc nói.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng: “Thứ hạng các tỉnh lệch nhau nhưng chất lượng thực chất không chênh nhau nhiều. Địa phương có thể tụt hạng nhưng không tụt điểm thì cũng phải nâng niu. Tôi nghĩ thông điệp Hà Nội và TP.HCM muốn trở thành các Thành phố start up (khởi nghiệp - PV) rất đáng chú ý”.

Người đứng đầu có vai trò quyết định

Lý giải kết quả xếp hạng của Hà Nội, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định: “Hà Nội có số lượng doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động kinh doanh lớn, chỉ sau TP HCM. Việc cung cấp thủ tục hành chính liên quan đã có cố gắng nhưng khó có thể đáp ứng được nhu cầu lớn nên chưa nhận được đánh giá cao”.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới doanh nghiệp từ 5 xuống 3 ngày, trước 6 tháng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại tất cả các Chi cục Hải quan với tỷ lệ tờ khai chiếm 99,5%...

Đối với chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai bị “chê”, ông Nam cho hay, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 30 - 40% tổng số hồ sơ; Tiếp tục thực hiện kê khai, nộp thuế, bảo hiểm qua mạng; Đẩy mạnh xây dựng phần mềm dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn diện ở các lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý đầu tư, công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành. Bên cạnh đó, Sở sẽ quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin. “Khi mọi quyết định giao đất, quy hoạch… được minh bạch ngay từ đầu và chất lượng thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, thứ hạng của Hà Nội sẽ được cải thiện”, ông Nam khẳng định.

Chia sẻ những nỗ lực của hai đầu tàu đất nước thời gian qua, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định: “Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Người đứng đầu quyết liệt mới có thể cải thiện môi trường và nâng cao năng lực”. Qua đây, bà Cúc cũng thể hiện sự tin tưởng kỳ vọng với các vị tân lãnh đạo của Hà Nội và TP.HCM. “Với những động thái tích cực, trực tiếp giải quyết vấn đề cụ thể từ các vị tân lãnh đạo trong thời gian qua, tôi tin Hà Nội và TP.HCM sẽ có sự khởi sắc với thứ hạng trong tương lai sẽ cao hơn”, bà Cúc cho biết.

Đà Nẵng năm thứ ba giữ vững ngôi vương

Theo Bảng xếp hạng PCI 2015, Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng với 68,34 điểm, tiếp theo là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm). Đây là những tỉnh, thành phố có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Ngoài ra, nhóm 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất 2015 còn có: TP HCM, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa... khi nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh. Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Đắk Nông với 49,96 điểm.

Chính quyền địa phương chưa quan tâm tới DN nhỏ và vừa?

Báo cáo PCI 2015 cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gặp rất nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường. Đại diện SME cho biết, trong quá trình hoạt động kinh doanh, cảm nhận về thị trường, lợi nhuận hay sự hỗ trợ của chính quyền địa phương không được như kỳ vọng lúc khởi sự. “Khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhận thấy những cơ hội thị trường kém hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó, con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%. Khoảng 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 29% doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa cho biết, khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng, con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 22%”, báo cáo cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.