Xã hội

“Lá chắn xanh” nơi biên viễn

05/01/2024, 06:21

Không còn cảnh "trắng" dân cư, các lối mòn, điểm mở tự do khiến tình trạng vượt biên trái phép phức tạp. Giờ đây, dọc biên giới đất liền Quảng Ninh là các bản làng an yên, trù phú với những rặng tre xanh mướt, tạo thành "lá chắn xanh" vùng biên giới.

Không còn cảnh "trắng" dân cư, các lối mòn, điểm mở tự do khiến tình trạng vượt biên trái phép phức tạp. Giờ đây, dọc biên giới đất liền Quảng Ninh là các bản làng an yên, trù phú với những rặng tre xanh mướt, tạo thành "lá chắn xanh" vùng biên giới.

Những lũy tre biên thùy

Những ngày cuối năm tất bật, nhưng đến thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, PV Báo Giao thông bắt gặp nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Bắc Sơn đang cùng với tuổi trẻ xã này tổ chức hành quân dã ngoại chăm sóc những lũy tre mới trồng nơi bờ sông biên giới.

“Lá chắn xanh” nơi biên viễn - Ảnh 1.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, TP Móng Cái cùng đoàn viên, thanh niên địa phương trồng thêm những khóm tre bảo vệ biên giới.

Anh Choỏng Văn Hoàng, Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Bắc Sơn kể, sinh ra và lớn lên tại khu vực biên giới này, không ít lần anh chứng kiến cảnh mưa lũ lớn làm sạt lở bờ sông biên giới. Thực trạng đó không chỉ làm thu hẹp đất canh tác của bà con mà còn gây nhiều trở ngại cho công tác tuần tra, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng.

"Thấy việc trồng tre có lợi để chắn nước lũ, sạt lở; lại góp phần củng cố đường biên, cột mốc chủ quyền; chặn bớt các lối mòn, điểm mở tự phát… nên khi Đồn Biên phòng triển khai, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực tham gia trồng và vận động bà con trồng tre. Đến nay, trên địa bàn đã có hàng nghìn khóm tre mới được trồng, đang sinh trưởng tốt", anh Hoàng chia sẻ.

Thiếu tá Lê Đức Hân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: Với đặc thù biên giới là bờ sông, vào mùa mưa thường có lũ gây xói mòn. Do đó, việc trồng tre ở biên giới góp phần giữ đất, không bị lũ làm xói lở, gia cố bờ sông biên giới. Đồng thời, hình ảnh cây tre cũng gần gũi, thân thương, góp phần xây dựng hình ảnh bản làng thân thuộc nơi biên viễn xa xôi.

"Đặc biệt, từ tháng 7/2021, Bộ Chỉ huy đã tổ chức ra quân triển khai đề án "Lũy tre biên thùy" tại địa bàn đồn phụ trách. Kể từ đó, việc trồng tre đã trở thành phong trào sâu, rộng trên địa bàn. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn đã có thêm hàng vạn hốc tre xanh bám chắc vào đất mẹ", thiếu tá Hân nói.

Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết: Khu vực biên giới của Quảng Ninh có 3 địa phương là huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà và TP Móng Cái với hệ thống đường biên, cột mốc nằm ở khu vực địa hình khá phức tạp, nhiều nơi không có dân sinh sống. Đây là khó khăn cho công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, dễ nảy sinh hiện tượng vượt biên, buôn lậu hàng hoá. Chính vì thế, cùng với việc đưa dân ra sinh sống, hình thành các bản giáp biên, đề án "Luỹ tre biên thuỳ" đã được đơn vị triển khai rộng rãi để góp phần bảo vệ đường biên giới.

"Sau gần 3 năm triển khai thí điểm, những "lũy tre biên thùy" đã lên xanh tốt, góp phần chống sạt lở bờ sông, suối, tạo thêm vành đai vững chắc để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia", đại tá Hưng chia sẻ.

Cây tre giúp bà con làm kinh tế

Đang cùng cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phối hợp với bà con chăm sóc những rặng tre xanh vút cao nơi biên giới, trung tá Vi Tiến Nghiệp, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho biết: Đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên dài 43,168km với tổng số 27 vị trí mốc/45 cột mốc, địa bàn biên phòng gồm 5 xã, một thị trấn của huyện Bình Liêu.

“Lá chắn xanh” nơi biên viễn - Ảnh 2.

Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân thôn Pắc Pục, xã biên giới Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) ngày càng ổn định và phát triển.

Cùng với việc thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự, nhiều năm nay, đơn vị đã cùng với nhân dân bảo vệ, chăm sóc những rặng tre trên biên giới được trồng từ những năm 70 thế kỷ trước dọc biên giới.

"Thời gian gần đây, thực hiện đề án "Lũy tre biên thùy", đơn vị cùng với bà con tích cực trồng thêm tre ở nhiều vị trí dọc biên giới để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống sạt lở, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Do hợp thổ nhưỡng, các rặng tre mới được trồng phát triển rất tốt, tạo thành hàng rào tự nhiên kiên cố, đảm bảo che chắn biên giới và giúp người dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng chống các loại tội phạm. Cùng đó, cây tre cũng cho giá trị kinh tế cao, thấy lợi, nhiều hộ đồng bào đã làm theo, từ đó tạo thêm những lũy tre xanh mới…", trung tá Nghiệp nói.

Chị Trần Thị Hà, người dân tộc Sán Chỉ ở thôn Pắc Pục, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu cho biết, gia đình chị chuyển ra đây định cư mấy chục năm nay. Cuộc sống của bà con trong thôn chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi, một số người có sức khỏe thì đi bốc vác ở cửa khẩu Hoành Mô.

Trước đây, một số hộ trong thôn cũng tham gia trồng tre, nhưng cũng không nhiều và cũng chủ yếu để lấy măng ăn. Từ ngày Bộ đội Biên phòng hỗ trợ cùng tham gia trồng, nên hầu hết các hộ đều làm theo. Giờ dọc tuyến biên giới trong thôn đã có những rặng tre xanh mướt...

"Cây tre cho giá trị kinh tế khá cao lại dễ trồng. Bình quân nếu thu hoạch tỉa thì mỗi vụ cũng cho vài chục cân măng/khóm. Với giá bán tại vườn là 15.000 đồng/kg măng tươi thì mỗi bụi sẽ cho thu từ 500-600 nghìn đồng. Còn nếu mang ra chợ bán thì được giá từ 25-30 nghìn đồng/kg. Còn có thể thu hoạch cây tre để bán nữa. Cùng với các khoản thu nhập khác, cây tre, cây măng đã giúp cuộc sống của nhiều hộ khá hơn trước…", chị Hà khoe.

Với đường biên giới trên bộ chạy dài từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đến Trà Cổ, TP Móng Cái, khu vực biên giới của Quảng Ninh có thời kỳ do điều kiện lịch sử để lại, nên nhiều khu vực "trắng" dân. Chính vì thế, Quảng Ninh đã triển khai di dân ra biên giới, xây dựng thành các điểm dân cư.

Đến nay, Quảng Ninh đã bố trí nhiều nghìn tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông động lực lên vùng biên giới; phát triển giao thông, hạ tầng viễn thông, điện lưới quốc gia, các công trình giáo dục, an sinh xã hội vùng biên…

"Đời sống đồng bào khu vực biên giới được nâng cao. Từ đó, bà con đã tham gia hiệu quả và trách nhiệm hơn trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Bình quân mỗi năm, từ nguồn tin của bà con cung cấp, phát hiện, lực lượng chuyên trách ở biên giới đã ngăn chặn, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm an ninh trật tự. Mỗi người dân ở khu vực biên giới Quảng Ninh đã và đang như "một chiến sỹ biên phòng", đại tá Vũ Văn Hưng, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đánh giá.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.