Điều tra

"Lạ lùng điều tra 23 năm mới có kết luận": Có dấu hiệu án oan

10/04/2014, 13:29

Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) về trường hợp ông Lê Văn Chuẩn bị khởi tố bị can và bị bắt giam 23 năm trước...

Luật sư Nguyễn Trường Thành
Luật sư Nguyễn Trường Thành

Không chứng minh được hành vi phạm tội

Như Báo Giao thông ngày 9/4/2014 phản ánh, ông Lê Văn Chuẩn - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc (huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang (cũ), nay là quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị khởi tố bị can để điều tra từ năm 1991, nhưng 23 năm sau ông mới nhận được kết luận điều tra vụ án và được tha bổng vì “không còn nguy hiểm trong xã hội”. 


Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Trường Thành khẳng định, việc cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ban hành kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lê Văn Chuẩn sau 23 năm là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, năm 1990, ông Chuẩn bị khởi tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa chứng minh được hành vi phạm tội nên “ngâm” vụ án đến 23 năm mới ban hành kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn là vi phạm điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn điều tra. 


Luật sư Thành dẫn chứng thêm: Theo quy định tại điều 199 Bộ luật Hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu do tính chất phức tạp của vụ án thì có thể gia hạn điều tra. Cụ thể, đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng. “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra”, luật sư Thành nói. 


Vẫn theo luật sư Thành, trong vụ án trên, khi hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra đã không chứng minh được ông Chuẩn phạm tội. “Do đó, ông Chuẩn được xác định là người bị khởi tố bị can, bắt tạm giam oan sai”, luật sư Thành nói.

Tiền lệ nguy hiểm


Ngoài ra, theo luật sư Thành, việc Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ giải quyết vụ việc của ông Chuẩn như vậy sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm trong hoạt động tố tụng hình sự. Đó là cơ quan tố tụng cứ khởi tố, bắt tạm giam bị can, nhưng hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm lại “ngâm” hồ sơ hàng chục năm. Sau đó lại ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” để trốn tránh trách nhiệm bồi thường oan sai. 


Luật sư Trần Thanh Phong - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Trưởng văn phòng luật sư Trần Thanh Phong (TP Cần Thơ) cho rằng: Phải hiểu cho đúng tinh thần của Điều 25 Bộ luật Hình sự về “chuyển biến tình hình” - cũng là lý do ông Chuẩn được tha bổng. Luật sư Phong phân tích: “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có còn nguy hiểm nữa không? Còn chứ! Tham nhũng đâu phải đã hết nguy hiểm cho xã hội. Cho nên, không có căn cứ để cho rằng hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hết nguy hiểm. Như vậy, không thể lấy lý do “chuyển biến của tình hình” để đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn”.


Theo luật sư Trần Thanh Phong, 23 năm không tìm ra chứng cứ phạm tội, không thể kết tội nên trường hợp ông Chuẩn là án oan sai, phải bồi thường. 

Hồng Thủy (Ghi)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.