Kinh tế

Lạ lùng SCIC sinh lời nhờ... gửi tiền tiết kiệm!

09/01/2019, 09:15

Phần lớn lợi nhuận của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thu được trong thời gian qua...

14

Nhờ mang tiền Nhà nước đi gửi ngân hàng, chỉ cần ngồi không SCIC cũng kiếm được 922,1 tỷ đồng tiền lãi - Ảnh: K.Linh

Há miệng chờ... lãi tiết kiệm ngân hàng

Theo Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2017 của SCIC (thực hiện từ 3/7-31/8/2018), phần lớn nguồn lực Nhà nước đang được SCIC quản lý đang nằm tại các ngân hàng hoặc mua trái phiếu.

Ngày báo cáo 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư bằng nguồn vốn của SCIC là 40,2 nghìn tỷ đồng gồm: Đầu tư ngắn hạn 26,7 nghìn tỷ đồng (66,5% tổng giá trị đầu tư), trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (18,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 70%; 8 nghìn tỷ đồng đầu tư tại các doanh nghiệp, chiếm 30%). Khoản tiền đầu tư dài hạn gần 13,5 nghìn tỷ đồng (33,5% tổng giá trị đầu tư), trong đó chủ yếu góp vốn vào CTCP (55,1%), đầu tư trái phiếu (44,9%).

Cụ thể, số dư tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng do SCIC quản lý là 23.284 tỷ đồng, trong đó có 18.704 tỷ đồng là tiền gửi của SCIC và 4.580 tỷ đồng tiền gửi là của quỹ phát triển doanh nghiệp. Nhờ số tiền gửi ngân hàng này, chỉ cần ngồi không SCIC cũng kiếm được 922,1 tỷ đồng tiền lãi.

Riêng với Quỹ đầu tư phát triển được hình thành với mục đích đổ vào các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhưng theo KTNN thời gian qua SCIC cũng mang gửi ngân hàng, trong suốt giai đoạn từ 2010 - 2017. Đơn cử, năm 2012, số dư tiền gửi từ Quỹ/tổng số dư tiền gửi là 14,7 nghìn tỷ đồng/13,6 nghìn tỷ đồng; năm 2013 là 8 nghìn tỷ đồng/15,58 nghìn tỷ đồng; năm 2014 là 10,9 nghìn tỷ đồng/16 nghìn tỷ đồng; năm 2015 là 13,2 nghìn tỷ đồng /12,2 nghìn tỷ đồng; năm 2016 là 15,5 nghìn tỷ đồng/16,2 nghìn tỷ đồng và năm 2017 là 17,45 nghìn tỷ đồng/18 nghìn tỷ đồng…

Tự đầu tư hiệu quả thấp

Theo đánh giá của KTNN, cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động tiền gửi có kỳ hạn và lợi ích thu được từ cổ tức của số ít doanh nghiệp mà SCIC nhận bàn giao (93,3% doanh thu cổ tức được chia là từ các doanh nghiệp do tiếp nhận vốn). Đơn cử như năm 2017 cổ tức từ Vinamilk là 3.067 tỷ đồng, Vinaconex 408 tỷ đồng, Dược Hậu Giang 273,4 tỷ đồng, TCT CP Tái bảo hiểm quốc gia 116,4 tỷ đồng, TCT CP Bảo Minh 92,6 tỷ đồng, CTCP Nhựa Bình Minh 88 tỷ đồng… Còn lại tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp: Năm 2017 số vốn đầu tư là 1.593 tỷ đồng nhưng có 61/122 doanh nghiệp không có lợi nhuận, một số doanh nghiệp lãi thấp nên không chia cổ tức (9/60 doanh nghiệp) hoặc doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký kinh doanh (2/60 doanh nghiệp)…

KTNN đánh giá các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp: Tỷ suất sinh lời năm 2017 chỉ ở mức 6,4% trên giá trị đầu tư. Trong đó, SCIC chọn phương án an toàn là mua Trái phiếu Chính phủ (lợi tức 330 tỷ đồng), mua trái phiếu của Ngân hàng MB (lợi tức 101 tỷ đồng). Lợi nhuận từ Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC chỉ còn 96,7 tỷ đồng, Công ty Hạ tầng và Bất động sản VN (mang về 26,8 tỷ đồng), CTCP Cảng Vũng Áng Việt Lào (mang về 16,8 tỷ đồng).

Nhiều khoản đầu tư khác hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả như góp vốn vào Nhiệt điện Hải Phòng (góp vốn gần 490 tỷ đồng từ năm 2009 nhưng từ 2013 - 2017 chỉ nhận được 135 tỷ đồng cổ tức). Hay khoản vốn hơn 571 tỷ đồng được SCIC góp vào Nhiệt điện Quảng Ninh từ năm 2009 nhưng tới năm 2017 mới nhận được 25,7 tỷ đồng cổ tức (5%) năm 2012. Trong khi đó, SCIC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính 150 tỷ đồng đối với khoản đầu tư này. Hai dự án đầu tư nhiệt điện của SCIC bị chậm tiến độ phải tăng vốn đầu tư, chi phí lãi vay lớn và chênh lệch tỷ giá. Khi hoạt động thì bị sự cố kỹ thuật do mua thiết bị Trung Quốc kém chất lượng. SCIC đã bán vốn tại hai dự án nhưng không có bất cứ nhà đầu tư nào quan tâm dẫn tới vốn “chết” tại đây.

Bên cạnh đó, vốn SCIC đầu tư vào lĩnh vực “nóng” như mua cổ phần một số bất động sản nhưng cũng bị động vốn do các doanh nghiệp này chậm triển khai trong thời gian dài khiến vốn đầu tư tồn đọng, gây lãng phí như: Đầu tư 110,3 tỷ đồng vào dự án của văn phòng căn hộ khu đất số 6 Thăng Long, quận Tân Bình, TP HCM của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai; góp 199 tỷ đồng (50%) vào dự án Tháp Tài chính trên khu đất 220 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội từ năm 2007 tại Công ty CP Đầu tư SCIC - Bảo Việt nhưng thị trường bất động sản trầm lắng nên dự án bị đình lại; góp 49,5 tỷ đồng vào dự án của CTCP Tháp Truyền hình VN từ năm 2015 nhưng phải chủ trương thoái vốn vì dự án không được xem xét…

Với các khoản đầu tư tài chính, tại ngày 31/12/2017, SCIC phải trích lập dự phòng 562,7 tỷ đồng. Trong đó, một số khoản trích lập dự phòng của SCIC bị KTNN cho là chưa phù hợp với quy định và cả tình hình thực tế. Riêng với một số dự án bất động sản không hiệu quả, gây ứ đọng vốn Nhà nước trong thời gian dài như dự án tại Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long, KTNN đã đề nghị SCIC xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan đến việc đầu tư. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.