Bạn cần biết

Lạ lùng tiết canh, dồi chó vào cỗ chay

24/02/2016, 15:02

Ăn chay tăng thêm phần công đức trên phương diện tiến tu qua lời dạy của Đức Phật.

co chay
Mâm cỗ chay ngày nay được chế biến không khác gì cỗ mặn

Theo giáo lý nhà Phật, ăn chay là cách tốt nhất để giữ cho tâm hồn được nhẹ nhàng, thanh tịnh cùng sức khỏe an lành và dẻo dai. Vậy mà, mâm cỗ chay ngày nay lại ê hề “sơn hào hải vị”,  thậm chí còn có cả những món ăn làm không ít người rùng mình vì ghê sợ lại có mặt khiến dư luận băn khoăn trước các "trò lừa" đang thâm nhập vào cả những nơi được xem là thanh tịnh nhất.

Tiết canh chay: Phản cảm

Theo mẹ lên chùa dự lễ cầu an đầu năm,  Nguyễn Viết Nam (20 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên được dự cỗ chay tiếp khách của nhà chùa. Mâm cỗ có khoảng chục món, đầy đủ gà hấp, tôm chiên, nem rán, giò chả, mực xào, thịt cá… được bày biện đẹp mắt còn hơn cỗ mặn.

Không những thế, các món ăn dù làm từ bột mì, nấm, rau, nhưng đều có vị giống y như thật: Cá có vị tanh, thịt thì thơm, dai, tôm chiên nức mũi...”, Nam kể. Tuy nhiên, sau bữa cỗ chay đặc biệt ấy, cậu sinh viên không khỏi suy nghĩ: “Lên chùa nghe giáo lý nhà Phật, nghe kinh cầu an vậy mà lại ăn cỗ chay giả mặn, vừa ăn vừa tưởng tượng ra món nọ, món kia..., ngẫm lại cũng thấy phần phản cảm”, Nam chia sẻ.

Được biết, một mâm cỗ chay hiện nay thường có 10 - 12 món, chế biến công phu nên giá khá cao: 600.000 - 2 triệu đồng/mâm. Với tiêu chí mặn có gì, chay có đấy, cỗ chay giờ đây không đơn thuần là rau, dưa, củ quả mà món ăn phong phú, chế biến cầu kỳ không kém cỗ mặn như: Gà hấp lá chanh, giò lụa, thịt quay, cá sốt ngũ liễu, tôm chiên, bò xào, sườn xào chua ngọt... Đáng chú ý, để tăng thêm phần hấp dẫn vị giác, độc, lạ, thời gian gần đây, nhiều mâm cỗ chay còn xuất hiện đĩa dồi chay (theo đúng vị dồi lợn, dồi chó), tiết canh chay...

Được biết, món tiết canh chay tuy mới xuất hiện, song khá phổ biến trong những tiệc chay tại miền Nam. Nguyên liệu chính làm nên món này là mề chay và rau câu. Màu sắc đỏ tươi đặc trưng của món tiết canh được tạo nên từ nước củ dền khiến món ăn nhìn qua không khác gì “hàng” thật. Công ty Thực phẩm chay Âu Lạc (TP HCM), nơi cung cấp nguyên liệu chế biến món tiết canh chay cho biết, đây là món được tạo nên chính từ nhu cầu của khách ăn.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến khách hàng cho rằng phản cảm, công ty này đã không đưa món tiết canh vào thực đơn tại các hệ thống nhà hàng mình nữa.

Ăn chay vẫn thèm khoái cảm ăn mặn?

Theo quan niệm nhà Phật, ăn chay mang đến cho con người một sự thân tâm, thanh tịnh, tránh được nhiều bệnh tật trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, ăn chay tăng thêm phần công đức trên phương diện tiến tu qua lời dạy của Đức Phật là vì lòng thương xót chúng sinh; Tránh ác báo của nghiệp sát và muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần. Tuy nhiên, xét về giá trị dinh dưỡng, nhiều ý kiến lại cho rằng: "Ăn chay được coi như thói quen có lợi cho sức khỏe, vậy nên, các món chay hấp dẫn, bắt mắt hơn để đáp ứng nhu cầu, phù hợp khẩu vị cho tất cả mọi người...".

Trước những quan điểm trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cho biết: Nguồn gốc sâu xa của việc ăn chay là nhu cầu tiếp nhận vào cơ thể những thức ăn âm tính của người dân xứ nóng để loại bỏ khí tật nóng nảy trong người, tránh những hành động nóng vội... Sau đó, việc ăn chay được Phật giáo khoác thêm chức năng giáo dục cho lòng hiếu sinh. Khi chức năng giáo dục hướng thiện trở thành chính mới dẫn tới chuyện tranh luận ăn chay giả mặn.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề nghĩ như thế nào chứ không phải ăn gì. Động vật hay thực vật sinh ra đều là chất cần cho cơ thể. Thực phẩm chay giả mặn làm ra chỉ để phục vụ cho người tuy rằng ăn chay nhưng vẫn thèm khoái cảm ăn mặn. Chúng ta không nên áp đặt, mà cần tôn trọng sự đa dạng của mỗi cá nhân nếu sự đa dạng ấy không làm ảnh hưởng tới xã hội xung quanh", GS. Trần Ngọc Thêm nhận định.

Tuy nhiên, theo nhà văn hóa, việc ăn chay giả mặn chỉ có thể phù hợp với không gian bên ngoài, còn nơi cảnh chùa thì nên hạn chế. “Bản thân Phật giáo đã mượn việc ăn chay để tải thêm công dụng giáo dục hướng thiện. Khi đưa những món chay có hình thức phản cảm vào mâm cơm cỗ nhà chùa, cũng có nghĩa phản lại mục đích do nhà Phật đề ra”, GS. Trần Ngọc Thêm nói.

Cẩn trọng với thực phẩm chay đóng gói

Kết quả kiểm tra đồ ăn chay đóng gói được bán trên thị trường của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho thấy, hàm lượng acid oxalic (chất cấm sử dụng trong thực phẩm gây sỏi thận) ở ngưỡng cao. Trong khi đó, acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích ruột và gan.

Cùng đó, acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng.

Mặt khác, theo các chuyên gia, để tạo được hương vị, hình dáng giống thức ăn mặn thông thường, nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt, phải có thêm chất định hình, để tạo hình cho giống các loại thịt, cá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.