Thị trường

Lạc quan thị trường bất động sản 2017

21/12/2016, 08:23
image

Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) được nhận định phát triển ổn định, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội...

13

Phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ sẽ chiếm ưu thế trong năm 2017 (Khu Đặng Xá, Viglacera) - Ảnh: Đăng Huỳnh

Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) được nhận định phát triển ổn định, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo Triển vọng thị trường BĐS 2017 - Tác động chính sách, diễn ra ngày 20/12 do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức.

Uốn nắn tình trạng lệch pha đầu tư BĐS

Nhìn lại bức tranh thị trường BĐS năm 2016, các chuyên gia nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì trên tất cả các phân khúc, nhưng cũng đã xuất hiện tình trạng mất cân đối, lệch pha cung - cầu, lệch pha tín dụng.

Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam dẫn chứng: Năm 2016, số lượng dự án cao cấp hạng sang dòng sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng đã vượt quá nhu cầu hiện tại. Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp, thì 70% nhu cầu của thị trường lại tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu đồng/m2 đang khá hiếm trên thị trường. “Theo số liệu chúng tôi khảo sát được, có đến 50%, thậm chí nhiều hơn khoảng 70-80% là tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Nguồn cung thứ cấp bung ra ồ ạt, nguồn cung sơ cấp liên tục tăng là nguyên nhân khiến BĐS dễ rơi vào thực trạng thừa cung”, ông Hà thông tin.

Năm 2016, cũng xuất hiện nguy cơ dư nợ tín dụng BĐS tập trung quá nhiều vào phân khúc cao cấp, bỏ ngỏ phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Mặt khác, do sự phân hóa của thị trường, dư nợ tín dụng cũng tập trung vào một số chủ đầu tư, tạo ra các rủi ro tiềm ẩn cho thị trường BĐS và cho cả hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình trên, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Những nhược điểm, lệch lạc của thị trường BĐS 2016 đều đã được Chính phủ nhìn thấy và có giải pháp uốn nắn trong năm 2017. “Năm 2017, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc quy mô nhỏ, có khả năng thanh khoản cao”, ông Phấn nói.

Xem thêm video:

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng khẳng định: “Tình trạng lệch pha trong tín dụng BĐS, những rủi ro đều đã được tính đến. Chính vì vậy, sau khi điều chỉnh, tỷ trọng vốn cho vay trong lĩnh vực BĐS từ tháng 6 tới nay đã giảm dần, hiện chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng dư nợ tín dụng”. Theo ông Tú Anh, gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8% dành cho người mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, cũng đang được “đốc thúc” thực thi sớm trong năm 2017.

Năm 2017, BĐS Việt Nam đón sóng đầu tư nước ngoài

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang dẫn đầu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường địa ốc Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ nhất với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 31,9%.

"Chưa đánh thuế nhà ở thứ hai, chính sách thuế liên quan tới đất đai, nhà ở, chuyển nhượng BĐS... sẽ cơ bản được giữ nguyên. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, năm 2017 chưa tiến hành thu thuế đối với những đối tượng có nhà ở thứ hai. Đây mới chỉ là ý tưởng, còn phải mất thời gian xây dựng và lấy ý kiến cơ quan liên quan”.

Ông Nguyễn Văn Phụng
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết: Năm 2016, với 66 dự án gần 1 tỷ USD vốn đăng ký, BĐS đứng thứ hai sau lĩnh vực chế tạo. Mặc dù con số này thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn thực hiện cao hơn. Cụ thể, một số dự án lớn tại TP HCM đã được ký kết và triển khai như: Creed Group đầu tư vào City Gate 500 triệu USD; Maeda với Thiên Đắc phát triển dự án căn hộ cao cấp Wateria; Global Group bắt tay với Công ty CP Nhà Mơ đầu tư dự án ở Q.8; Presance Corporation ký hợp tác với Tiến Phát để cùng mua lại một dự án và triển khai xây dựng 500 căn hộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng.

“Những nhà đầu tư ngoại khá nhanh nhạy với thị trường. Họ không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp và hạng sang như trước đây mà còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật, Hàn Quốc, Singapore”, ông Mại nhấn mạnh.

Lý giải vì sao thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia nêu hai nguyên nhân chính: Tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo tăng nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu người năm 2012 sẽ tăng lên 33 triệu người năm 2020. Mặt khác, việc Chính phủ tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, nhất là phân khúc cao cấp.

Tương tự, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Nếu nói về chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, Việt Nam đang là nước “mở” nhất trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2017, sẽ có làn sóng người nước ngoài tràn vào Việt Nam mua nhà. Vấn đề là chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vững chãi để “hứng sóng”. Qua đây, ông Nam cũng kiến nghị cần một thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ: Xây dựng, Công an, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước... để thủ tục được thông suốt, song vẫn đảm bảo ANTT. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.