Khám phá

Lạc vào mê cảnh Lộc Yên

26/02/2017, 09:05

Chưa vội vào thăm nhà cổ, chúng tôi ngồi ngay ở thềm đá. Cảm giác dưới chân như có một con suối...

Những ngõ đá dài và dốc thoải nối từ đường làng lê

Những ngõ đá dài và dốc thoải nối từ đường làng lên nhà cổ.

“Xứ Tiên” (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là miền gái đẹp nổi tiếng với con sông Tiên chảy ngược, với thác Ồ Ồ ầm ào, trắng xóa, với Hang Dơi u huyền… làm chùn chân biết bao tao nhân mặc khách. Nơi đây còn nổi tiếng với những gian nhà cổ hàng trăm năm tuổi, dựa mình vào núi, ẩn hiện dưới rừng cây nhiều tầng, làm xao xuyến bao người

Lộc Yên - “Ai ơi tới đó lòng không muốn về” 

Chúng tôi chọn xe buýt từ TP Tam Kỳ về thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước, Quảng Nam). Kim Thiện, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Phước đã đợi sẵn để làm hoa tiêu dẫn đường. Địa điểm mà chúng tôi sẽ khám phá là những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên (xã Tiên Cảnh), cách thị trấn Tiên Kỳ chừng 15 phút đi ô tô.

Trước mặt chúng tôi là con đường bê tông xuyên qua ruộng lúa, con đường buộc phải đi qua để đến ngôi nhà đầu tiên. Những tưởng chúng tôi sẽ bắt gặp ngay một ngôi nhà cổ kính, nhưng không, chỉ có đá và đá. “Hướng dẫn viên” cho hay, tất cả các con đường vào nhà đều được lát bằng đá. Hai bên, đá xếp chồng, cao thấp tùy căn nhà. Từ các kẽ đá thâm niên, rêu và cây cỏ hồn nhiên túa ra. Qua quan sát, các ngõ đá ở đây đều rất dài, sâu và dốc. Bên trên ngõ đá vào nhà luôn được phủ mát bởi những tán cây lòn bon, thanh trà, hàng cau thẳng tắp… đặc trưng của xứ này.

Chưa vội vào thăm nhà cổ, chúng tôi ngồi ngay ở thềm đá. Cảm giác dưới chân như có một con suối, đỉnh đầu dọc sống lưng như có ngọn thác nhỏ chảy xuống. Thiện đọc cho chúng tôi nghe tâm sự người xứ Tiên: “Có duyên lấy đặng chồng nguồn/Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...”. Đúng là “có buồn cũng vui” khi được hòa mình và không gian thanh tân rợn ngợp đến như vậy. Chính những vị trí này, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của các tay chơi bán chuyên lẫn chuyên nghiệp được ra đời, tôn lên nét đẹp diễm lệ của xứ Tiên, đưa xứ này nằm lại trong lòng không ít khách xa.

Tham quan nhà cổ ở Lộc Yên, nơi vẫn còn hơn mười ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi nhưng chỉ còn khoảng 4 ngôi nhà nguyên vẹn. Khung xương của nhà cổ được chạm bằng gỗ mít, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân phường mộc Vân Hà trở nên tinh xảo, sống động. Nhà thường có hai gian, ba chái, lợp bằng ngói âm dương. Phía sau là núi, trước là ruộng xanh bát ngát. Đây chính là điểm hấp dẫn ở Lộc Yên, bởi những căn nhà được đặt vào không gian văn hóa với chỉnh thể hài hòa, bao gồm: Nhà, ngõ, vườn, đồi núi quyện chặt với thiên nhiên.

Không quên bảo tồn

Nhà cổ ở Lộc Yên sống được chính là nhờ chủ nhân của không gian độc đáo này. Lịch sử du lịch xứ Tiên ghi lại sự kiện ông Nguyễn Huỳnh Anh, chủ nhân một ngôi nhà cổ tại làng Lộc Yên đã hai lần từ chối lời đề nghị mua nhà của Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ với giá trên trời, chỉ để sống với di sản còn lại của cha ông. Khám phá ngôi nhà này, chúng tôi được biết nó đã “sống” hơn 150 năm. Bên trong có 16 cột lớn, 20 cột nhỏ. Kèo, trính và xuyên được chạm khắc nhiều hình thù như tùng lộc, mai điểu, bướm...

Ngoài căn nhà của ông Nguyễn Huỳnh Anh, Lộc Yên vẫn còn các căn khác có giá trị tiêu biểu: Nhà ông Phạm Thoại, Hồ Đức Nam, Lê Đình Sum hay nhà ông Nguyễn Đình Mẫn… Các ngôi nhà này đều giữ được kiểu cửa khép bảng khoa, chốt mộc, điêu khắc rất cầu kỳ... Bên trong vẫn còn nhiều dụng cụ sinh hoạt gia đình như: trường kỷ, bàn vuông, phản ngựa, hoành phi, câu đối trang trí...Nếu được sống ở những căn nhà như thế, chắc hẳn sẽ không còn âu lo. Tất cả phối trộn và hòa nhập vào thiên nhiên. Con người từ đó trở nên thuần hậu, yêu đời, có được sức khỏe tốt và tinh thần phấn chấn.

Tiếng là nhà cổ nhưng các căn nhà ở Lộc Yên hiện tại đều là nơi sinh hoạt chính của chủ nhân, đồng thời là nơi thờ cúng ông bà. Ngoài ra, nhà còn có gian bếp phụ, chỗ để công cụ sản xuất, chứa thực phẩm, lại vừa có sân phơi và vườn cây ăn trái… Đây chính là cách độc đáo mà người Lộc Yên gìn giữ không gian nhà cổ.

Dừng chân ở nhà nào, dù lâu hay mau, chúng tôi cũng được chủ nhà mời đón rất vui vẻ. Chủ nhân căn nhà, ông Nguyễn Đình Mẫn ân cần trà nước cho chúng tôi, trong lúc hai người phụ nữ khác bận dọn dẹp vườn sau. Ông Mẫn cho hay: “Lâu lâu chúng tôi cũng đón khách xa về thăm thú. Chủ yếu họ nhìn ngắm gian nhà chứ không ở lâu. Có cả người nước ngoài. Bà con đều rất vui vẻ đón tiếp”.

Theo lời hướng dẫn viên, không chỉ có Lộc Yên, một số địa điểm khác cũng còn khá nhiều nhà cổ. Đơn cử như Hội An (Tiên Châu) và rải rác ở các làng quê Tiên Mỹ, Tiên Hiệp. Về Lộc Yên để được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, giản dị, để giũ bớt những bộn bề lo âu của cuộc sống hiện đại. 

Mách nhỏ bạn đi đườngTừ bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, bạn có thể chọn xe khách Hòa Khánh (xuất bến lúc 8h40 để đi thẳng về thị trấn Tiên Kỳ), thay vì đi hai chặng xe buýt: Đà Nẵng - Tam Kỳ, Tam Kỳ - Tiên Kỳ (Tiên Phước). Từ Tiên Kỳ, bạn có thể gọi taxi để về Tiên Cảnh. Tốt nhất nên có một “hướng dẫn viên” kiêm “tài xế” tại chỗ.

Từ sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bạn có thể đi xe khách tới ngã tư Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân, rẽ hướng Tây lên Tiên Phước - Bắc Trà My để về Lộc Yên. Nếu chỉ ở trong ngày, bạn có thể kết hợp thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nếu ở lâu hơn, bạn có thể thăm một số điểm khác như thác Ồ Ồ, Hang Dơi. Ban đêm, bạn nên trở về thị trấn Tiên Kỳ, nhập vào tour đạp vịt trên sông Tiên.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.