Văn hóa - Giải Trí

Lại bất bình việc vinh danh nghệ sĩ

13/06/2018, 07:59

Việc xét danh hiệu dựa theo tiêu chí hội đủ huy chương là thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ lớn tuổi.

25

Dù có nhiều cống hiến, được khán giả yêu mến nhưng NSƯT Chí Trung vẫn “chưa có duyên” với danh hiệu NSND vì không đạt đủ tiêu chí (Trong ảnh: Táo Giao thông Chí Trung trong chương trình Gặp nhau cuối năm)

Những tấm huy chương không đo hết tài năng của người nghệ sĩ nhưng lâu nay vẫn đang là “tiêu chí cứng” giúp các nghệ sĩ được vinh danh. Cùng đó, quy định phải được 90% thành viên hội đồng nhất trí thông qua đang là rào cản mang nặng cảm tính, gây thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ tài năng âm thầm cống hiến cho nghệ thuật.

Huy chương không đo hết tài năng

Mới đây, NSƯT Lê Văn Thể có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, phản ứng việc Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND của Bộ này thiếu công tâm, cứng nhắc khi đánh trượt ông khỏi danh hiệu NSND bằng hình thức bỏ phiếu. Được biết, NSƯT Lê Văn Thể là một trong những nghệ sĩ tài năng thuộc thế hệ đầu của ngành Xiếc Việt Nam. Ông có 57 năm gắn bó với nghề xiếc, giành nhiều huy chương tại các liên hoan, cuộc thi trong nước và quốc tế. Dù đã nghỉ hưu 16 năm, nhưng ở tuổi 78 ông vẫn tham gia huấn luyện, giảng dạy cho các em học sinh Việt Nam và học sinh nước bạn Lào tại trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Tuy nhiên, trong lần xét tặng mới đây (2018), hồ sơ của ông đã bị loại với lý do chưa đạt đủ số phiếu đồng ý của Hội đồng cấp Bộ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 15 Nghị định 89/2014. Mặc dù trước đó hồ sơ của ông đã đạt 100% số phiếu của thành viên Hội đồng cấp cơ sở.

Bức xúc với cách làm của hội đồng, NSƯT Lê Văn Thể đã có đơn thư kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ VH, TT&DL. Đến nay đã qua 10 ngày, ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Bộ.

Theo Nghị định 89/2014, nghệ sĩ được xét danh hiệu NSND khi hội đủ bốn yếu tố: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các quy chế của cơ quan, tổ chức và địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên; Đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT.

Nếu so sánh trường hợp của NSƯT Lê Văn Thể và NSƯT Trần Hạnh tại Hội đồng xét tặng lần thứ 9 thì hai ông giống nhau về tiêu chí huy chương. Thế nhưng, NSƯT Lê Văn Thể lại bị trượt vì không nhận được số phiếu tán thành của Hội đồng cấp Bộ.

Cũng tại hội đồng xét tặng năm nay, TP HCM có 17 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND thì có đến 10 hồ sơ bị thiếu tiêu chuẩn huy chương, nhưng Hội đồng cơ sở vẫn thông qua để trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp TP HCM: “Việc xét danh hiệu dựa theo tiêu chí hội đủ huy chương là thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ lớn tuổi. Làm sao họ có điều kiện để dự thi? Hoặc họ được mời tham gia Hội đồng giám khảo rồi thì làm sao có vai diễn, vở diễn dự thi liên hoan, hội diễn để có đủ huy chương theo tiêu chí đưa ra?”.

Thực tế, 8 lần xét vừa qua cho thấy, không phải trường hợp nào cũng được các hội đồng bình xét đúng người và đúng đối tượng. Trường hợp các nghệ sĩ tài năng như NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Bùi Xuân Hanh, NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng (từ năm 2015) là những ví dụ điển hình. Họ bị đánh trượt NSND chỉ vì thiếu tiêu chuẩn huy chương khiến nhiều khán giả, đồng nghiệp cảm thấy bất ngờ, tiếc nuối. Trước đây, cũng có một số nghệ sĩ được khán giả yêu mến, có nhiều đóng góp, lúc còn sống lại không được vinh danh kịp thời, đến lúc mất đi mới được truy tặng danh hiệu như vợ chồng cố nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh, cố nghệ sĩ Văn Hiệp, La Thị Cẩm Vân...

Cần có cơ chế đặc cách để không sót người tài, cống hiến

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Đồng Nai, những nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước là những người sống và làm việc trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, nên việc lấy tiêu chí huy chương đối với họ là không phù hợp. Lâu nay, họ luôn dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình để truyền đạt, giảng dạy và hướng dẫn các thế hệ nghệ sĩ đi sau. Do vậy, những đóng góp của họ đối với nền văn học nghệ thuật là rất lớn. Để không bỏ sót khi xét tặng, cần phải xây dựng một tiêu chí riêng có tính đặc thù cho họ, tiêu chí này độc lập với các tiêu chí đã có trong Nghị định 89.

“Trong tiêu chí đặc thù phải chú trọng đến yếu tố tài năng nổi trội, vượt bậc, được công chúng, bạn nghề và báo chí truyền thông đánh giá, thẩm định. Muốn có tài năng đích thực thì phải có sức lan tỏa, có tầm ảnh hưởng xã hội, danh tiếng phải vượt ra khỏi ranh giới của tỉnh, khi nói đến anh, cả nước đều biết.

Yếu tố thứ hai là phẩm chất, đạo đức với thiên chức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Yếu tố thứ ba là để lại các công trình, tác phẩm, tiết mục, vai diễn tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc đối với nền nghệ thuật nước nhà. Tiêu chí thứ tư, đã đào tạo được cho nền nghệ thuật Việt Nam nhiều nghệ sĩ, nhiều lứa học trò tiêu biểu, thậm chí học trò là những nhà quản lý, là những NSND, NSƯT, các tác giả, các đạo diễn”, NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

NSND Minh Châu phân tích, trong cuộc sống hiện nay, có nhiều loại hình nghệ thuật có điều kiện tiếp cận nhanh, gần với khán giả nhưng cũng có các hình thức như: Tuồng, Chèo... ít được tiếp cận hoặc tiếp cận với số lượng không nhiều công chúng. Nếu nghệ sĩ không tham gia vào các live show trên truyền hình, phim truyền hình thì gương mặt ít được biết tới trong khi cống hiến trong nghề. Cùng quan điểm với NSND Minh Châu, NSND Tâm Chính (Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam) cho rằng, nếu cứ áp theo Nghị định 89 thì không tránh khỏi việc bỏ sót những nghệ sĩ thế hệ trước. Cần có cơ chế riêng như giảm các tiêu chuẩn cứng về huy chương, về tuổi nghề.

“Xét đặc cách chính là để bảo đảm quyền lợi và sự công bằng cho những nghệ sĩ. Nhưng để việc “đặc cách” này minh bạch, công bằng thì cần xây dựng thêm một bộ quy chuẩn chặt chẽ, thuyết phục như: Chất lượng tác phẩm, tiếng vang trong dư luận, đóng góp về văn hóa xã hội… do một hội đồng chuyên môn có uy tín đánh giá chính xác, công bằng về tài năng, thành tựu của nghệ sĩ thì các danh hiệu mới được trao đúng lúc, đúng người, đúng danh…”, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.