Xã hội

Lại lo cuối năm vào mùa “đào bới”

20/12/2017, 06:29

Chọn thời gian “áp Tết” để đào bới lát vỉa hè là không hợp lý, việc đào bới ảnh hưởng nhiều đến nhân dân.

5

Những đội thợ được thuê lát vỉa hè không phải đều có tay nghề tốt - Ảnh: K.Linh

Như thành thông lệ, cận Tết Nguyên đán chừng vài ba tháng, Hà Nội lại đồng loạt ra quân đào bới - cải tạo vỉa hè tại nhiều quận nội thành, chỉnh trang đường phố để nhân dân đón Tết cổ truyền. Mục đích việc làm này góp phần đảm bảo văn minh đô thị, nâng cao chất lượng sống.

Nhưng tại sao, chính ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 6/12/2017, tại phiên chất vấn của HĐND TP lại băn khoăn nói: “Công tác này thời gian qua để lại nhiều dư luận xấu với con mắt của cử tri và nhà quản lý”. Có lẽ vì ông đã tìm thấy nguyên nhân? Ông Chủ tịch cho hay: “Tôi có một vài buổi cùng anh Thế Hùng (Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) kiểm tra đột xuất thì thấy chọn đá không đúng kích cỡ, không đúng độ dày. Khi triển khai thi công còn mất vệ sinh đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thi công xong không bảo hành, bảo dưỡng chặt chẽ, dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp”.

Đi sâu, đi sát, ông Chủ tịch mới phát hiện loại đá đưa vào lát vỉa hè có kết cấu bền vững bảo đảm sử dụng từ 50 - 70 năm trên các tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), nhiều tuyến phố quận Hai Bà Trưng, rồi đường Nguyến Trãi, Giải Phóng… mới lát xong, mặt đá bị bong tróc, gãy vỡ. Ông đã có quyết định quyết liệt và đúng đắn, các dự án đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè tạm dừng thực hiện để rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiến hành.

Với tư cách một cử tri, theo tinh thần làm chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tôi xin góp thêm một số ý kiến sau:

Trước hết, chọn thời gian “áp Tết” để đào bới lát vỉa hè là không hợp lý. Đây là thời điểm năm hết Tết đến, kẻ bán, người mua trên các phố rất tấp nập. Vỉa hè bị đào bới ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán của nhân dân. Phương tiện chuyên chở hàng hóa chủ yếu là xe máy, vỉa hè đào bới ngổn ngang, dắt cái xe chở hàng cồng kềnh lên hè vô cùng khó khăn, đành dựng dưới lòng đường, cái nọ nối đuôi cái kia lại làm ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là giờ cao điểm.

Thứ hai, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Thành phố có quy định rất chặt chẽ đối với việc lát lại vỉa hè. Nhưng quy định chặt chẽ đó phải đi kèm với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc dẫn đến việc làm khó hiểu. Nhiều đoạn vỉa hè vừa lát năm trước bằng gạch “lục lăng” đỏ xanh, dày dặn vẫn còn nguyên vẹn, hà cớ gì lại phá đi thay bằng loại gạch mỏng hơn, chất lượng xấu. Quả là lãng phí, tốn công sức, tiền bạc của nhân dân. Trong khi, chúng ta đang cần nhiều vốn để xây dựng những công trình phục vụ an sinh xã hội.

Theo dõi những người thợ lát vỉa hè, tôi thấy tay nghề của họ rất lóng ngóng, từ khâu trộn cát xi măng, căng dây để xây cho thẳng hàng, rồi đặt viên gạch xuống để lát… chẳng giống ai. Bà con thắc mắc, họ tâm sự thật, có được học nghề đâu, ở quê nông nhàn nên theo ông bác, ông chú, ông anh… là thợ cả học mót để kiếm kế sinh nhai. Thợ không có kỹ thuật nên hè lát xong, nước không trôi xuống đường, lại chảy ngược vào phía nhà dân?

Thực tế, việc quản lý cơ sở hạ tầng không đồng bộ, còn phân tán. Lòng đường ngành giao thông quản, nhưng “ông” cấp thoát nước quản lý nước, điện của ngành điện, rồi điện thoại, cáp… cứ “mạnh ai nấy làm”. Nhiều “ông” làm xong việc, còn không thèm san lấp trả lại mặt bằng. Cứ nhìn những “đống rác trời” treo lơ lửng trên những cột điện trông tức mắt, ắt sẽ thấy hậu quả của việc “lắm thày nhiều ma”. Vậy, tại sao không “tinh giản” quy về một mối?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.