Hạ tầng

Lãi lớn khi đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai

10/09/2014, 07:08

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai quy mô lớn nhất Việt Nam sẽ thông xe toàn tuyến vào ngày 21/9. Với tốc độ thiết kế từ 80 - 100 km/h, tuyến đường có chiều dài 245 km này sẽ rút ngắn một nửa...

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ thông xe toàn tuyến ngày 21/9
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ thông xe toàn tuyến ngày 21/9


Kỳ quan trên những ngọn núi cao


Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) nhớ như in những ngày đầu tham gia đoàn khảo sát của tư vấn thiết kế để tìm hiểu hướng tuyến cho dự án. Ông bảo, khi ấy đứng trên những ngọn núi cao chót vót, nhìn xuống tuyến đường bám ngang lưng chừng núi chỉ thấy những chiếc xe ô tô bé như hạt đậu. “Lúc ấy, thú thực không thể hình dung ra tuyến đường sẽ đi như thế nào. Vậy mà đến nay, với nỗ lực của Bộ GTVT, VEC và các đơn vị thi công, tuyến đường này đã hoàn thành. Giờ đi trên tuyến, khó ai có thể hình dung mình đang vượt qua những đỉnh núi mà chỉ vài năm trước còn hoang vu, toàn lau sậy. Để san bằng những quả núi, các đơn vị thi công đã phải đào đắp một khối lượng đất đá khổng lồ, lên tới hơn 100 triệu m3 trong điều kiện địa hình, địa vật vô cùng phức tạp”, ông Tuấn Anh nói. 
 

* Anh Nguyễn Văn Hòa, lái xe container BKS 90C- 008.08 lưu thông trên đoạn khai thác tạm cho biết: “Nếu đi từ đầu QL2 - QL70 lên cửa khẩu (tuyến cũ) sẽ mất khoảng 11 tiếng, chi phí nhiên liệu 7 triệu đồng. Đi tuyến mới theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khi chưa đưa vào khai thác 70 km của gói A4, A5, một số đoạn phải đi đường tránh) chỉ còn 8 tiếng và chi phí nhiên liệu còn 6 triệu đồng. Đấy là chưa kể việc đi tuyến cũ còn phát sinh chuyện ăn ngủ dọc đường do thời gian lưu thông dài. Bên cạnh đó, còn hao mòn phương tiện do đường xấu. Khi đường thông toàn tuyến, thời gian di chuyển còn rút ngắn hơn nhiều. 

 

* Anh Lê Văn Bình, lái xe khách BKS 24B - 003.59 cũng cho biết, nếu đi từ đầu QL2 theo hướng lên QL70 lên Lào Cai mất 10 tiếng và tiêu tốn 3,6 triệu đồng nhiên liệu trong khi đi tuyến mới sẽ chỉ mất 6 tiếng và 3,1 triệu tiền nhiên liệu.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, đối với dự án này, khó khăn lớn nhất không phải ở những đỉnh núi cao mà lại nằm ở những câu chuyện dưới mặt đất. Đầu tiên là quá trình GPMB. Để phục vụ cho công trình này, đã có đến hơn 2 nghìn ha được giải phóng với 25 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Chính vì một khối lượng lớn như vậy nên dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng đến cuối năm 2011, nhiều gói thầu mới bàn giao được 60% mặt bằng. Phải cuối năm 2012, công tác mặt bằng mới được tháo gỡ. 

Thời gian GPMB kéo dài nên sau đó kinh phí GPMB đã tăng lên gấp đôi. Khi bắt đầu thực hiện dự án việc đấu thầu theo tiêu chí của nhà tài trợ vốn ADB nên giá các gói thầu thấp hơn dự toán từ 15 - 20%. Vì thế, ngay từ giai đoạn đấu thầu đã thiếu vốn. Vì giá gói thầu quá thấp nên gói A4, A5 phải trao thầu chậm hơn 10 tháng và phải điều chỉnh lại vốn. Giá thầu thấp nên việc chọn nhà thầu không được đảm bảo, nhiều nhà thầu năng lực yếu. 


Để tháo gỡ khó khăn đó, VEC đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy dự án. Trong quá trình quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư liên tục xử lý những nhà thầu yếu kém. Trong 5 năm thực hiện dự án, VEC đã thay 4 vị trí tư vấn giám sát do không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, hầu hết các gói thầu đều bị thay giám đốc điều hành đến 2 - 3 lần. Thậm chí VEC còn làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh đối với nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc).


“Điểm đáng nhớ nhất tại dự án Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính là sự đổi mới tư duy, sự đột phá và quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT. Có lẽ chưa có dự án nào mà đích thân lãnh đạo Bộ GTVT sang tận Manila (Philippines) làm việc với ADB để thu xếp vốn cho dự án. Rồi khi các nhà thầu nước ngoài chây ì, không chịu rót vốn cho các nhà thầu phụ, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đích thân sang tận Hàn Quốc, Trung Quốc để làm việc với lãnh đạo cao nhất của đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ”, ông Tuấn Anh kể.

Sẽ có 10 trạm thu phí được đặt trên toàn tuyến 


Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Việc hoàn thành tuyến Cao tốc Nội Bài - Lào Cai không chỉ là niềm vui với người dân Lào Cai mà còn đối với cả nước, thậm chí với bạn bè quốc tế. Với tuyến đường này, người dân và các doanh nghiệp của Lào Cai sẽ rút ngắn được hơn 1/2 thời gian lưu thông so với QL70 hiện nay. Nếu như trước đây, với loại xe 4 chỗ thông thường đi mất từ 7 - 8 tiếng, khi thông xe toàn tuyến cao tốc sẽ chỉ mất khoảng 3,5 tiếng. 


Hơn nữa, do tuyến đường được rút ngắn chỉ còn 245 km và được thiết kế với tiêu chuẩn đường cao tốc nên khi lưu thông sẽ tiết kiệm tối đa nhiên liệu, khấu hao phương tiện và đặc biệt sẽ an toàn hơn vì không phải đi đường đèo dốc quanh co nữa. Chắc chắn kinh tế Lào Cai sẽ khởi sắc hơn khi tuyến đường này được khai thác. Khi đó, tuyến đường sắt sẽ được giảm tải để tập trung vào vận chuyển hàng hóa giúp các sản phẩm tại Lào Cai đi xa hơn, thuận lợi hơn. Đặc biệt với sự thuận lợi về giao thông, du lịch Lào Cai với trọng điểm Sa Pa sẽ thu hút được nhiều du khách hơn…”. 


Chiều qua (9/9), trong khi đang đi kiểm tra trên tuyến đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chuẩn bị cho lễ thông xe, ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt với Yên Bái, tạo thế thông thương, phát triển dịch vụ cho các tỉnh Miền núi phía Bắc.Tuyến đường còn kết nối với thị trường hơn 300 triệu dân của vùng Vân Nam (Trung Quốc). Đây là điều kiện để các sản phẩm hàng hóa, khoáng sản không chỉ của Yên Bái mà cả nước lưu thông thuận tiện, tiếp cận một thị trường lớn”. 


Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty khai thác đường cao tốc (VEC O&M): “Sẽ có 10 trạm thu phí được đặt trên toàn tuyến. Mức thu phí được tính toán tương tự như Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, với mức 1,5 nghìn đồng/km cho đoạn đường đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe (từ Km0 - Km 123+800) và mức 1 nghìn đồng/km đối với đoạn cao tốc hai làn xe (từ Km 123+800 đến Km245). Việc thu phí sẽ được thực hiện theo chu trình khép kín, phát thẻ - trả tiền, đi chặng nào trả tiền chặng đấy”. 


Cũng theo ông Tuấn, với một xe bốn chỗ lưu thông toàn tuyến sẽ mất khoảng hơn 300 nghìn đồng tiền phí. Xe có tải trọng lớn nhất (xe từ 18 tấn trở lên) chịu mức phí cao nhất cũng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Đây là mức thu phí không cao so với các tuyến đường thông thường. “Qua khảo sát của công ty đối với các lái xe trên tuyến đường này trong thời gian khai thác tạm thời 175 km trong 9 tháng cho thấy, các lái xe đều cho biết lợi ích vượt trội khi đi trên tuyến Cao tốc Nội Bài - Lào Cai so với tuyến cũ. Tất cả các tiêu chí như: Nhiên liệu, thời gian, hao mòn và chi phí phát sinh đều giảm đáng kể. Hơn nữa, nếu đi đường cũ từ QL2 lên QL70 nhiều đoạn đường núi quanh co, nguy cơ TNGT và ùn tắc rất cao. Điều này cho thấy, khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào khai thác các phương tiện sẽ coi đây là tuyến đường lưu thông thuận tiện, an toàn và hiệu quả nhất”, ông Tuấn khẳng định.

Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.