Tài chính

Lãi lớn, ngân hàng mạnh tay chi trả lương, thưởng

21/02/2017, 13:21
image

Báo cáo tài chính mới nhất của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận hàng loạt đơn vị tăng cao.

5

Lợi nhuận tăng, các ngân hàng mạnh tay chi trả thu nhập cho nhân viên - Ảnh: Minh Tuấn

Kinh doanh ngân hàng lãi lớn

Dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế năm 2016, Vietcombank ghi nhận con số 6.845 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2015. Một số mảng có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn năm ngoái như hoạt động dịch vụ ghi nhận mức đóng góp 2.111,2 tỷ đồng; Mua bán kinh doanh chứng khoán đóng góp 495,7 tỷ đồng vào mức doanh thu chung...

Bám sát theo lợi nhuận của Vietcombank là VietinBank với mức lợi nhuận sau thuế 6.825 tỷ đồng, tăng 19,3% so với 2015. BIDV cả năm báo lãi 6.248 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu xét về bản chất, do BIDV trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 63% lên tới 9.000 tỷ đồng do gánh nặng sau sáp nhập MHB. Điều này đã kéo giảm lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng.

Với con số 4.900 tỷ đồng, VPBank thay MB dẫn đầu lợi nhuận nhóm ngân hàng cổ phần. Đóng góp vào lợi nhuận của VPBank năm qua đến từ thu nhập lãi thuần đạt 15.100 tỷ, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm 2015. Bên cạnh đó là đóng góp từ nợ đã xử lý rủi ro với con số 715 tỷ đồng, tăng 180% so với năm trước. Trong top ba ngân hàng cổ phần dẫn đầu còn có Techcombank, lợi nhuận tăng gấp 2 lần năm 2015 với gần 4.000 tỷ đồng, thu nhập tăng đều ở các mảng. Một số ngân hàng khác như: Sacombank ghi nhận lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng (không tính SouthernBank), ACB ghi nhận 1.667 tỷ đồng, VIB đạt 702 tỷ đồng…

Xem thêm video:

Lãnh đạo Vietcombank nhận hơn 2 tỷ đồng/năm

Lợi nhuận tăng nhanh, các ngân hàng đã mạnh tay chi trả cho nhân viên. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, mạnh tay nhất là Vietcombank khi ngân hàng này chi tới 5.361.388 triệu đồng cho tổng số nhân viên tính đến 31/12/2016 là 15.615 nhân viên. Như vậy, thu nhập bình quân tháng của nhân viên Vietcombank lên tới 28,6 triệu đồng/người, tăng cao hơn so với mức trung bình của năm 2015 là 24,2 triệu đồng/người. Không chỉ nhân viên, lãnh đạo ngân hàng cũng tăng thêm thu nhập “khủng”. Theo tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, Vietcombank đề xuất chi thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát năm 2016 tương đương 0,35% lợi nhuận sau thuế. Nếu áp dụng tỷ lệ này, lãnh đạo Vietcombank sẽ nhận 23,9 tỷ đồng trong năm 2016 (năm 2015 mức thù lao này là 18,66 tỷ đồng, năm 2014 là 15,32 tỷ đồng và 2013 là 16,14 tỷ đồng). Bình quân, mỗi lãnh đạo nhận hơn 2 tỷ đồng/người/năm 2016.

Sau Vietcombank, VietinBank đứng thứ hai về chi trả cho nhân viên. Đến 31/12/2016 ngân hàng này có 22.957 nhân viên với mức chi trả tổng 6.973.100 triệu đồng. Tính bình quân, thu nhập của mỗi nhân viên ngân hàng này là 25,3 triệu đồng/tháng. Đứng thứ ba là BIDV, tổng mức chi trả cho nhân viên của BIDV 7.427.705 triệu đồng, cho 25.080 nhân viên nên tính trung bình mỗi nhân viên của BIDV nhận được 24,68 triệu đồng/tháng trong năm qua.

Trong khối ngân hàng cổ phần, nằm trong nhóm mạnh tay chi trả cho nhân viên là SHB. Năm 2016, mỗi nhân viên SHB nhận được 213,6 triệu đồng, trung bình tháng 17,8 triệu đồng/người. Mỗi nhân viên của ACB cũng nhận được mức thu nhập khá cao, bình quân gần 220 triệu đồng/người/năm, tương đương 18,3 triệu đồng/người/tháng. Cao hơn là nhân viên của VIB khi nhận được hơn 229 triệu đồng/người/năm, tương đương hơn 19 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhân viên một số ngân hàng khác cũng có mức thu nhập cao như: Eximbank với 14,2 triệu đồng/người/tháng, Sacombank 13 triệu đồng/người/tháng, NCB là 11,3 triệu đồng/người/tháng…

Nợ xấu 2016 khả quan

Theo báo cáo tài chính quý IV/2016 của các ngân hàng, Khối ngân hàng thương mại quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu khá thấp: Vietcombank là 1,48%, VietinBank là 1,02%, BIDV là 1,9%. Còn trong khối ngân hàng cổ phần, VPBank có tỷ lệ nợ xấu  giảm từ 2,43% năm 2015 xuống 2,03% năm 2016. MB có tỷ lệ xấu 1,33% từ mức 1,61% cuối năm 2015. Eximbank có tỷ lệ nợ xấu cao hơn, là 2,95%, ACB là 0,87%... Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu năm 2016 được giữ ổn định ở mức dưới 3% khi còn khoảng 2,46% tính đến hết 30/11/2016. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.