Quản lý

Lãi suất cản trở PPP giao thông

08/08/2016, 06:18

Thông tư 55 của Bộ Tài chính đang gây trở ngại đối với các doanh nghiệp đầu tư vào dự án PPP.

1

Các nhà đầu tư dự án PPP gặp khó trước quy định mức lãi suất vốn vay theo Thông tư 55 của Bộ Tài chính (Trong ảnh: Lái xe trả phí đường tại Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Ngô Vinh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55 quy định lãi suất vốn vay đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) không được vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới hình thức đấu thầu. Quy định này đang gây trở ngại đối với các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn tín dụng để đầu tư vào các dự án PPP.

Khó nhà đầu tư nào còn làm được PPP

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Một trong những quy định mới của thông tư (có hiệu lực từ 5/5/2016 thay thế Thông tư 166 ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính) khiến các nhà đầu tư BOT giao thông “mất ăn, mất ngủ”.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 3, Điều 17 Thông tư 55 quy định về mức lãi suất vốn vay trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Theo đó, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất Trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới hình thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

"Trong phương án tài chính của các dự án PPP giao thông, Bộ Tài chính đã có quy định khống chế doanh thu và lợi nhuận của nhà đầu tư không vượt quá 12%. Bây giờ, Bộ Tài chính lại ban hành thông tư mới khống chế cả mức lãi suất vốn vay của các dự án nữa là điều bất hợp lý. Nếu để quy định mức lãi suất vốn vay theo Thông tư 55 của Bộ Tài chính, không có nhà đầu tư nào có thể tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP trong thời gian tới”.

Ông Trần Phúc Tự
Tổng giám đốc Công ty CPĐT BOT Đèo Cả - Khánh Hòa

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty CPĐT BOT Đèo Cả - Khánh Hòa cho biết: “Thực tế, mức lãi suất TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới hình thức đấu thầu hiện nay dao động ở mức khoảng 7%/năm. Chiếu theo quy định của Thông tư 55, mức lãi suất vốn vay đối với các dự án PPP sẽ không được vượt quá 9,5%/năm. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng hiện nay đang phổ biến ở mức 10,5-11%/năm. Vì thế, với quy định trên DN không thể tiếp cận được vốn ngân hàng để đầu tư các dự án BOT giao thông”.

Cũng theo ông Tự, trước đây, khác với Thông tư 55, trong Thông tư 166 của Bộ Tài chính quy định hai cách để xác định mức lãi vay hợp lý áp dụng cho các dự án PPP. Thứ nhất, mức lãi vay hợp lý của các dự án được xác định bằng mức lãi suất cho vay trung hạn cùng kỳ hạn bình quân của ít nhất 3 tổ chức tín dụng độc lập không liên quan đến nhà đầu tư trên địa bàn. Thứ hai, mức lãi vay hợp lý được xác định tối đa không quá 1,3 lần mức lãi suất TPCP có kỳ hạn dài nhất tại thời điểm gần nhất với thời điểm đàm phán hợp đồng.

Việc xác định mức lãi suất vay vốn cho dự án bằng mức lãi suất cho vay trung hạn cùng kỳ hạn bình quân của ít nhất 3 tổ chức tín dụng độc lập theo Thông tư 166 trước đây là hợp lý. Bởi thực tế, các nhà đầu tư đang phải đi vay thương mại và lãi suất phải căn cứ vào thị trường. Tuy nhiên, trong Thông tư 55 mới ban hành của Bộ Tài chính lại khống chế mức lãi suất cho vay đối với các dự án PPP ở mức không vượt quá 1,3 lần lãi suất của TPCP có kỳ hạn 10 năm.

Ông Đinh Đăng Khánh, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng cho rằng: “Quy định mới về lãi suất vốn vay cho các dự án PPP trong Thông tư 55 là bất cập, ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của các dự án. Vấn đề này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án PPP”.

2

Khó nhà đầu tư nào còn làm được dự án PPP trước quy định mức lãi suất vốn vay theo Thông tư 55 của Bộ Tài chính (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Ngô Vinh

Lãi suất vay vượt khung không được quyết toán

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, đây chỉ là khung lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh khẳng định, về nguyên tắc đó là mức cao nhất, bởi vậy, mức lãi suất vốn vay của các dự án chỉ được thấp hơn chứ không thể cao hơn.

“Quan điểm của chúng tôi là doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi thì doanh nghiệp phải tính toán. Nếu doanh nghiệp vay vốn thực tế với lãi suất cao hơn cũng chỉ được chấp nhận ở mức cao nhất theo khung quy định và chỉ được quyết toán ở mức đó. Phía ngân hàng có quy định riêng của họ. Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Bộ Tài chính không can thiệp. Bộ Tài chính chỉ chấp nhận giá cả theo khung”, ông Tuấn Anh cho hay.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, bên cạnh những quy định tồn tại về mức lãi suất vốn vay, Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính còn có một số quy định chưa thực sự phù hợp trong việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Ông Huy cho rằng, Thông tư 55 của Bộ Tài chính đã bổ sung một số quy định trong đánh giá năng lực vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (sử dụng báo cáo tài chính) để phù hợp hơn với thực tế. Tuy nhiên, thông tư này vẫn chưa cho phép sử dụng báo cáo tài chính thời điểm gần nhất được kiểm toán độc lập để xét đến trường hợp doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu trong kỳ.

“Để tháo gỡ nút thắt này, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định cho phép sử dụng báo cáo tài chính thời điểm gần nhất được kiểm toán độc lập kiểm toán để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư”, ông Huy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.