Tài chính

Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

03/12/2020, 06:14

Dù lãi suất cho vay giảm mạnh song các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn bởi ngân hàng không nới điều kiện vay.

img
Chỉ những doanh nghiệp có tài sản thế chấp, không có nợ xấu mới có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Hầu hết các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay về mức 7 - 8%/năm, thay vì mức 11,5 - 12%/năm như trước đây. Dù lãi suất cho vay giảm mạnh, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn.

Không có thế chấp, đừng mong vay

Là một doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, với khoản công nợ hơn 10 tỷ đồng chưa thu hồi được từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Công ty CP Fitcom (Hà Nội) hiện còn hàng loạt dự án cung ứng vật liệu xây dựng bị treo do nhiều công trình bị chậm tiến độ.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty cho biết, do tình hình khó khăn nên công ty phải tính kế thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách len vào thị trường nhỏ như làm nội thất các căn hộ chung cư, thời gian làm ngắn nhưng tiền được thanh toán ngay.

Để chuẩn bị cho kế hoạch mới, ông Tuấn đã gõ cửa rất nhiều ngân hàng, từ BIDV, Vietcombank, Agribank…. cho đến TP Bank, SCB Bank. Tuy nhiên, tất cả đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới được vay các gói tín dụng, với thời gian khoảng một năm. Chưa hết, DN đó phải “sạch”, nghĩa là chưa có khoản nợ xấu ở các tổ chức tín dụng khác.

“Điều này đang làm khó chúng tôi khi “khát” vốn vẫn không có cách nào vay được tiền. Vì thế, cần sự can thiệp mang tính hỗ trợ dài hơi của Chính phủ để cứu những DN đang trưởng thành, bởi họ là đối tượng chưa thể có tài sản để thế chấp”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu không cứu được những DN phân khúc này thì không công bằng khi tất cả các đối tượng đều tham gia nộp thuế nhưng khi khó khăn, chỉ các DN lớn được hưởng các chính sách. Nếu vẫn áp việc thế chấp cho đối tượng DN nhỏ và siêu nhỏ thì chẳng mấy thời gian nữa “họ sẽ tự chết hết”.

Theo ông Luyện Văn Phiệt, Giám đốc Công ty Erosun Việt Nam, ông đã làm việc với các ngân hàng nhiều năm nay, số vốn huy động hàng năm lên tới vài trăm tỷ đồng. Vì thế, ông Phiệt hiểu rõ ngân hàng bao giờ cũng “nắm đằng chuôi”, nên không có tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay thì không thể vay nổi.

Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty CP Giấy Việt Đức Anh cũng chia sẻ: “Tôi hiểu sự khó khăn của những DN nhỏ không có tài sản thế chấp. Hiện nay, khó khăn đang đè nặng lên họ, mà họ vốn đã không còn đủ sức chống chọi. Do đó, tôi cũng mong muốn có cơ chế riêng cho những DN này”.

Chỉ giảm lãi suất, không nới điều kiện

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện ngân hàng Agribank cho biết, ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất và có nhiều chương trình tín dụng hấp dẫn để hỗ trợ vốn cho DN dịp cuối năm.

Về cơ chế riêng để “cứu” những DN không có tài sản thế chấp quả thực rất khó. Bởi, trong cơ chế hiện nay của ngân hàng thì DN muốn vay phải thế chấp và hầu như không có hình thức tín chấp. Bản thân ngân hàng cũng phải tính toán để đảm bảo nguồn vốn, tránh rủi ro.
Tuy nhiên, nếu có thể, các DN xin được khoanh nợ, chứng minh khoản nợ đó không thuộc nợ xấu. Dù vậy, quyết định vẫn nằm ở ngân hàng nên trước mắt, DN hãy cố gắng tiếp cận gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để có tiền trả lương cho công nhân, duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN


Cụ thể, ngân hàng dành 35.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng lớn như DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm hoặc nguồn vốn trên 100 tỷ đồng; khách hàng lớn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm hoặc nguồn vốn trên 100 tỷ đồng.

Gói vay ngắn hạn tối đa 6 tháng có lãi suất mức 3,7%/năm và mức 7%/năm cho gói vay trung và dài hạn, tối đa 12 tháng, giải ngân trước ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, với yêu cầu gói vay phải giải ngân trước ngày 30/6/2021, Agribank có gói 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi DN nhỏ và vừa với mức lãi suất 4,8%/năm với thời gian vay tối đa 6 tháng và 7,5%/năm với thời gian vay tối đa 12 tháng...

Khi được hỏi liệu có thể nới lỏng điều kiện vay cho những DN nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh khó khăn, vị này nói: “Việc nới lỏng quy định thì không ai thực hiện, bởi ngân hàng phải đảm bảo vấn đề an toàn vốn. Ngân hàng chỉ có thể đồng hành cùng khách hàng chứ không thể vi phạm những quy định về cho vay”.

Tương tự, một nhân viên khối khách hàng DN tại ngân hàng BIDV Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngân hàng cũng hạ mức lãi suất tiền gửi để hỗ trợ hạ lãi suất cho vay vào dịp cuối năm, hỗ trợ DN. Hiện tại, mức cho vay đã giảm từ 2 - 3% so với trước, chẳng hạn mức 7,5% áp dụng cho khoản vay từ 3 - 5 tháng; 8%/6 - 8 tháng; 8,2%/11 tháng; 8,5%/12 tháng.

Vị này cũng khẳng định, các khoản vay tín dụng đều phải có tài sản thế chấp như bất động sản của DN hoặc của chủ DN, các thành viên góp vốn… Ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa một năm, còn mức vay lớn hơn rất khó, chỉ có những khách hàng lâu năm, thực sự uy tín mới được hỗ trợ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất để hỗ trợ DN được tiếp cận dòng tiền phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng thì vẫn phải kiểm soát quy mô. Do đó, không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.