Thị trường

Lãi suất huy động giảm, cho vay đứng im

13/03/2015, 08:19

Từ sau Tết, các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay gần như vẫn đứng im.

DSC_0467

Mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ được các ngân hàng áp dụng trong một thời gian ngắn - ảnh: Lã An

“Đầu vào” thấp kỷ lục

Sáng 12/3, chị Thu Ngân (ở Đào Tấn, quận Ba Đình), Hà Nội đứng tần ngần trước bảng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Agribank tại chi nhánh trên phố Nguyễn Cơ Thạch (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). “Lãi suất giảm sâu quá, gửi tiết kiệm 100 triệu kỳ hạn 1 năm, mỗi tháng được có 500 nghìn”, chị Ngân tính toán. 

Hiện Agribank đã giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động; kỳ hạn trên 18 tháng trở lên là 6,3%/năm; kỳ hạn trên 12-18 tháng là 6,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4%/năm và kỳ hạn 1 tháng 4%. 

Không chỉ Agribank, mức lãi suất huy động của các ngân hàng đang đồng loạt giảm; rút sâu dưới mức trần 5,5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện Sacombank có lãi suất 5,7%/năm kỳ hạn 12 tháng; 5,1%/năm kỳ hạn 6 tháng và 4,6%/năm kỳ hạn 3 tháng. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn trên 24 tháng là 6,2%/năm, 1 tháng là 4%/năm. Eximbank áp mức cao nhất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, kỳ hạn 1 tháng còn 4,5%/năm. Techcombank có lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng 4,55%/năm; 6 tháng 5,02%/năm. DongABank lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm, 3 tháng 4,9%/năm; 6 tháng 5,3%/năm và 12 tháng 6,6%/năm... 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất lần này của các ngân hàng là theo lộ trình của diễn biến giảm giá tiêu dùng và khả năng kiểm soát lãi suất của hệ thống. Về việc lãi suất giảm có khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng, đầu tư vào các kênh khác, ông Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán tuy đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng lại là kênh đầu tư không dễ dàng với những người “ngoại đạo”. Vàng thì lên xuống thất thường, hơn nữa giá vàng trong nước hiện còn cao hơn 5 triệu đồng so với giá thế giới; bất động sản cần vốn đầu tư lớn... 

“Thực tế cho thấy, các đợt giảm lãi suất, tiền gửi vào ngân hàng vẫn không giảm”, ông Hiếu nói.

“Đầu ra” án binh bất động

Dù lãi suất huy động đã giảm kỷ lục, nhưng tới thời điểm này, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên so với cuối năm 2014. Hiện mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh kỳ hạn ngắn là 7-9%/năm; kỳ hạn dài 9,5-11%/năm; cao hơn 3-4,5% so với lãi suất đầu vào cùng kỳ hạn.

Dù hiện nhiều ngân hàng đang “bung” các chương trình kích thích tín dụng, như Viet Capital Bank dành 2 nghìn tỷ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 6,5%/năm; ABBank dành 1 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất 8%/năm; SeABank cho vay ưu đãi từ 7,5%/năm; OCB Bank dành 2 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất 6-8%... Tuy nhiên, theo anh Phạm Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông (quận Ba Đình, Hà Nội), trên thực tế, mức lãi suất ưu đãi chỉ được các ngân hàng áp dụng cho một thời gian ngắn, như OCB Bank chỉ áp dụng mức lãi vay 6%/năm; Viet Capital Bank ưu đãi lãi suất từ 7,5%/năm chỉ trong 3 tháng đầu... mà thôi.

Chị Nguyễn Quỳnh Lưu, Phụ trách kế toán Công ty Dược Meotis cũng cho hay, cơ quan chị vừa vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi 8% trong 12 tháng đầu thời hạn vay. “Tôi hy vọng lãi suất đầu vào giảm sẽ kéo lãi suất cho vay xuống còn 5-6%/năm, khi đó doanh nghiệp mới mạnh dạn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh được”, chị Lưu ao ước.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng DongABank nhìn nhận, hiện việc giảm lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng chưa tương xứng vì các ngân hàng giảm lãi suất huy động theo diễn biến lạm phát nhưng lãi suất đầu ra lại được quyết định theo khả năng xử lý đồng vốn của từng ngân hàng và từng thời kỳ huy động vốn. 

“Các khoản vay và mức lãi suất hiện các doanh nghiệp đang chịu hiện còn phụ thuộc vào lái suất huy động vốn của thời kỳ trước. Chính vì thế, lãi suất cho vay khó có thể giảm ngay mà cần có độ trễ”, ông Kiêm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.