Tài chính

Lãi suất tăng, người dân còn “chê” gửi tiết kiệm?

25/03/2022, 19:00

Lãi suất ngân hàng tăng lên, người dân mang tiền gửi ngân hàng hay vẫn chọn đầu tư kênh khác?

Hai tháng qua, lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã nhích lên tại nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất hệ thống hiện đã lên 7,6%/năm do Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) huy động.

Huy động trên 7% còn có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,1%/năm. Hay tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng hấp dẫn người dân với lãi suất cao nhất 7%/năm.

Huy động gần 7% có Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) 6,85%/năm...

img

Lãi suất cao nhất hệ thống đã nhích lên 7,6%/năm. Ảnh minh hoạ

Lãi suất nhích lên cũng khiến tiền trong dân cũng dần quay lại ngân hàng. Minh chứng là theo cập nhật số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân tháng 1 đã tăng mạnh hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1 lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng (tăng 1,95%).

Đây là tháng mà người dân mang tiền gửi vào ngân hàng cao nhất trong gần 1 năm qua.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm hơn 68.000 tỷ (1,21%) khi chỉ còn hơn 5,57 triệu tỷ đồng.

Diễn biến đảo ngược này diễn ra trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại từ trước Tết Nguyên đán.

Trong khi năm 2021, hệ thống ngân hàng đã chứng kiến 4 tháng tiền gửi của cá nhân sụt giảm: Tháng 1 giảm hơn 16.500 tỷ đồng, tháng 3 giảm hơn 13.300 tỷ đồng, tháng 8 giảm gần 1.000 tỷ đồng và tháng 9 giảm gần 1.500 tỷ đồng.

Cả năm 2021, tiền gửi của người dân chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng tiền gửi của các tổ chức là 15,73%.

Năm 2021 cũng là một năm hiếm hoi khi số dư tiền gửi của khách hàng cá nhân thấp hơn số dư tiền gửi của khách hàng tổ chức, lần lượt là 5,3 triệu tỷ đồng và 5,64 triệu tỷ đồng.

Cùng với diễn biến này, kênh chứng khoán lại bùng nổ với năm 2021 có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng cả 4 năm trước cộng lại.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước vẫn có thêm 405 nghìn tài khoản chứng khoán mới được mở. Trung bình mỗi tháng có 202,5 nghìn tài khoản mới, vẫn cao hơn số tài khoản trung bình tháng mở mới của năm 2021.

Điều này chứng tỏ một phần dòng tiền đã quay lại ngân hàng nhưng kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định năm 2022 mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm 0,2-0,25%. Lãi suất tăng sẽ khiến chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cải thiện.

Đến ngày 10/3, SSI ghi nhận tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 3,11%, cao hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng lên khi kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.