Showbiz

Tiếp tục tranh cãi vụ việc: Cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị?

26/08/2019, 16:49

Trần Hoằng Nghị có phải là cha của Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Vẫn chưa đủ chứng cứ để kết luận.

img
Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, lịch sử không có nhân vật nào là Trần Hoằng Nghị.

Năm 1994, cái tên Trần Hoằng Nghị xuất hiện lần đầu vào do nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu công bố trong cuộc Hội thảo kỷ niệm 800 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ. Công bố này được đưa ra từ những tư liệu điền dã mà nhà nghiên cứu này đã sưu tập.

Trong lời nói đầu của cuốn sách Hoằng Nghị Đại Vương (NXB Thế giới - 2015), nhà sử học Dương Trung Quốc cũng kết luận: “Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại Vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình”. Tuy nhiên, điều này đã gây tranh cãi trái chiều đối với các nhà sử học trong nước.

Cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị: Không có căn cứ

Sáng nay, buổi tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 30 nhà nghiên cứu lịch sử, nhà sử học để có thể tìm ra sự thật cho câu hỏi: Trần Hoằng Nghị có phải thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?

PGS. TS Phạm Quốc Sử cho rằng, không có tài liệu sử học chính thức, chính thống nào ở nước ta thời phong kiến cho biết rõ về người này. Không có sử sách nào ghi cha của Trần thủ Độ là Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị Đại Vương. Thông tin từ cách bộ sử học là ông mồ côi cha mẹ, lúc nhỏ sống với bác ruột là Trần Lý ở Lưu Gia thôn. Do đó, những cụm từ được một số người nghiên cứu gần đây sử dụng để chỉ người cha của Trần Thủ Độ như Trần Hoằng Nghị là không có căn cứ.

Tại đây, GS. Lê Văn Lan cho biết: Trong lịch sử không có nhân vật nào có tên Trần Hoằng Nghị. Tháng 12/2018, bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” đã phải dừng xuất bản vì có nội dung nói Trần Hoằng Nghị là cha của Trần Thủ Độ. Hội KHLS VN đã “trục xuất” Trần Hoằng Nghị ra khỏi những cuốn sách về sử học, khẳng định không dùng những tài liệu về Trần Hoằng Nghị.

Thế nhưng tháng 3/2019, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN – đơn vị sản xuất bộ phim tài liệu “Đức Hoằng Nghị Đại Vương” lại trả lời về việc phát sóng bộ phim của mình: “nhóm làm phim căn cứ vào kết quả nghiên cứu của hơn 30 nhà khoa học được công bố tại hội thảo khoa học ‘Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hóa Phương La’ do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội KHLS VN tổ chức ngày 9/1/2007”. Về điều này, ông Lan khẳng định: “Đừng tin vào những phim nói về Đức Hoằng Nghị Đại Vương hay ngài Trần Hoằng Nghị, vì bản chất sự việc này và nhân vật này rất vớ vẩn!”.

img
Các nhà nghiên cứu lịch sử trong buổi tọa đàm về nhân vật Trần Hoằng Nghị.

Không tiếp tục truyền bá một nhân vật chưa có căn cứ

Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng cho hay:"Các nhà nghiên cứu lịch sử ở tỉnh Thái Bình vẫn chưa đưa ra được những tài liệu văn bản học, cổ sử, văn bia, gia phả, thần tích, sắc phong, chứng tích khảo cổ học hay các tư liệu điền dã mang tính khoa học nghiêm túc, đáng tin cậy để chứng minh và thuyết phục rằng: Có nhân vật Trần Hoằng Nghị số ở cuối triều Lý - đầu triều Trần, và ông ta có phải thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không".

Cũng trong buổi tọa đàm, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội KHLS VN, để tái hiện lịch sử, vật liệu quan trọng nhất là các nguồn sử liệu. Tuy nhiên, độ tin cậy và giá trị của các loại sử liệu khác nhau. Để tái hiện sử liệu cần phải khai thác tối đa mọi nguồn sử liệu, nhưng quan trọng là phải có phương pháp phân tích phê phán và xử lý khoa học phù hợp.

TS. Giang cho rằng: "Cho đến giờ này, Trần Hoằng Nghị là nhân vật mới xuất hiện vào đầu thập niên 90 nhưng đã được gán ghép thành thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Thậm chí, nhân vật này còn được đưa vào sách, đưa lên phim và tạo ra sự băn khoăn trong xã hội. Do đó, cần phải xem xét nghiêm túc, khoa học về vấn đề này vì một nhân vật có thể gây ra những rắc rối khác, nhất là khi nhân vật ấy gắn liền với một nhân vật tầm cỡ trong lịch sử".

Phó Chủ tịch Hội KHLS VN cho hay: “Để kết luận Trần Hoằng Nghị có thật hay không thì về căn cứ khoa học vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận. Chúng ta chưa có đủ căn cứ khoa học để đưa ra kết luận về một nhân vật lịch sử mới, lại càng không có căn cứ để gắn nhân vật ấy với một nhân vật lịch sử khác. Do đó, cần đề nghị không đưa nhân vật này vào sách lịch sử, cũng không tiếp tục truyền bá một nhân vật mà chúng ta chưa có căn cứ”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.