Xã hội

Làm báo thời “Thế giới phẳng”

21/06/2016, 07:12

Thế giới phẳng buộc người làm báo phải thay đổi kỹ năng. Người nào không theo kịp, thì nghề sa thải mình.

tac-nghiep-hai-huoc-cua-phong-vien-giaoducvietnam-

Thế giới phẳng buộc người làm báo phải thay đổi kỹ năng. Người nào không theo kịp, thì nghề sa thải mình. (Ảnh minh hoạ)

Là người trong cuộc, bất cứ phóng viên nào cũng cảm nhận được những tác động của “thế giới phẳng” internet và nay “phẳng hơn” là mạng xã hội tới nghề báo và báo chí một cách ghê gớm.

Cách đây 10, 20 năm, phóng viên đi dự sự kiện buổi sáng thì đến chiều muộn mới đủng đỉnh ngồi vào bàn viết. Nếu tuần báo thì vài ngày sau sự kiện mới phải nộp bài cũng chả chết ai, tờ báo vẫn có người đọc, vẫn phát triển. Nhưng nay đã khác, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, không còn phóng viên nào mang sổ đi tác nghiệp, thay vào đó là chiếc máy tính, thậm chí chỉ là chiếc Ipad, Iphone để tốc ký. Khi sự kiện vừa kết thúc, thì bài viết đã xong, thậm chí nhiều sự kiện hấp dẫn phóng viên phải làm trực tuyến, vừa gõ vừa xuất bản luôn.

Cách đây vài năm, Tổng biên tập một tờ báo lớn buộc phóng viên đi các sự kiện hoặc tác nghiệp tại hiện trường, phỏng vấn nhân vật phải quay clip, nếu bài viết không nộp kèm ảnh và clip, bài hay dở đều bị vứt vào sọt rác... Khi đó, nhiều phóng viên phản ứng, thậm chí xin chuyển sang báo khác vì thấy bị sức ép. Nhưng nay, khi mà Google trả tiền nhiều hơn cho video, khi mà báo điện tử phải cạnh tranh với mạng xã hội không chỉ thông tin mà cả video thì quy định đó là hoàn toàn đúng, thậm chí là đi trước đón đầu. Thế giới ngày càng phẳng hơn, nên trước đây phóng viên viết báo chỉ cần viết hay thì nay ngoài biết viết phải biết chụp ảnh, quay video và phải biết tốc ký bằng máy tính. Thế giới phẳng buộc người làm báo phải thay đổi kỹ năng. Người nào không theo kịp, thì nghề sa thải mình.

Thế giới phẳng và nay thêm sự xuất hiện của mạng xã hội, đã thực sự làm thay đổi phương thức của truyền thông. Muốn tồn tại được, báo chí không chỉ phải nhanh, chính xác mà phải luôn chạy đua với những dạng thức truyền thông mới. Nhiều người dự đoán báo giấy sẽ tự chết trong vòng 5-10 năm tới và sau báo giấy là số phận của truyền hình. Trong buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp Tết 2016, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cũng phải thốt lên: Nếu không thay đổi, 5 năm tới truyền hình sẽ khó khăn như báo giấy bây giờ. Dự báo của ông Minh không phải không có cơ sở, khi mà Facebook liên tục sáng tạo các tính năng mới, mới nhất là có thể truyền hình trực tiếp hình ảnh...

Báo giấy tự dừng xuất bản, truyền hình bị đe dọa, vậy còn ai sống? Câu trả lời là báo chí, nghề báo vẫn luôn tồn tại, bởi xã hội không thể thiếu truyền thông. Nhưng phương thức truyền thông thì luôn thay đổi. Nên tờ báo nào “đi tắt đón đầu” được phương thức và công cụ truyền thông mới và tích hợp được với thế giới ngày càng phẳng hơn, thì tờ báo đó phát triển. Không chỉ vậy, sự thay đổi chóng mặt trong phương thức truyền thông cũng tạo ra những cơ hội mới cho người dân, doanh nghiệp và cả sự phát triển của xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.