Giao thông

Làm cao tốc Bắc - Nam bằng vốn nhàn rỗi trong dân?

28/10/2016, 19:00

Ngoài vốn ngân sách, vốn nhà đầu tư, có thể tính đến phương thức huy động vốn nhàn rỗi trong dân....

cao toc bac nam phia dong

Các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP cần vai trò hỗ trợ rất lớn của Nhà nước

Tại buổi tọa đàm, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, hiện nay, VEC đã và đang đầu tư, quản lý 6 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài gần 600km, chiếm trên 50% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc đã và đang thực hiện trên toàn quốc với tổng mức đầu tư tương đương 6 tỷ USD.

“Cách đây hơn 10 năm, chúng ta đã đề cập đến việc đầu tư đường cao tốc theo hình thức PPP và BOT. Tuy nhiên, đến nay dù đã có gần 750km đường cao tốc, nhưng thực sự vẫn chưa có tuyến đường bộ cao tốc nào được đầu tư tổng thể theo hình thức PPP đúng nghĩa”, ông Tuấn Anh nói.

Theo Tổng giám đốc VEC, các dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhất là đường bộ cao tốc cần nguồn vốn rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài hàng chục năm. Do đó, vai trò hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, nếu không rất khó thu hút vốn.

“Muốn thành công, chúng ta phải nhìn nhận rõ vấn đề đó để giảm thiểu thấp nhất rủi ro trong quá trình triển khai. Các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia, họ rất cần sự minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư dự án. Mục tiêu của chúng ta đặt ra khi triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là phải thu hút được cả các nhà đầu tư nước ngoài để thêm nguồn lực, do đó, việc minh bạch là rất cần thiết”.

“Việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc hiện nay rất cấp bách. Vấn đề là chúng ta có huy động đủ nguồn lực hay không. Ở Trung Quốc họ đã tính toán, bỏ ra một Nhân dân tệ đầu tư vào cao tốc thì họ sẽ thu về 3 Nhân dân tệ sau khi đường đưa vào khai thác. Do đó những năm qua, Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền để làm cao tốc. Có thể khẳng định, đầu tư cho cao tốc là đầu tư phát triển, đầu tư cho tương lai”, ông Mai Tuấn Anh nói.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, cơ sở hạ tầng luôn phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển KT-XH vì có đường thì sẽ làm ra tiền. Vì vậy, cần phải đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với nguồn lực của quốc gia để bảo đảm tính khả thi của dự án.

Liên quan đến chính sách huy động nguồn lực, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, ngoài 40,7% vốn NSNN hỗ trợ để đầu tư cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ GTVT đang trình Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài các nguồn vốn đó, cần một cơ chế để kêu gọi đầu tư.

“Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn nước ngoài rất khó khăn vì hiện nay đầu tư bằng PPP chúng ta mới chỉ có nghị định chứ chưa có Luật nên mức độ ổn định về chính sách chưa cao. Theo tìm hiểu, các nhà đầu tư nước ngoài thường có những yêu cầu về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh nguồn vay, những điều này Việt Nam chưa làm được. Vì thế, Bộ GTVT đang tính đến việc trình Chính phủ phương án huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân”, Thứ trưởng Nhật cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.