Hạ tầng

Làm đại dự án đường Hồ Chí Minh, chuyện giờ mới kể

07/02/2019, 06:58

Nếu không có sự kiên định và dám nghĩ lớn, làm lớn, con đường xuyên Việt hiện đại thứ hai phía Tây đất nước không thể thành hiện thực…

img
Hạ tầng giao thông Tây Nguyên thay đổi hoàn toàn sau khi có đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Văn Tư

Ít ai biết, trước khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương, đã có không ít ý kiến phản đối làm tuyến đường này, thậm chí có đại biểu Quốc hội còn viết thư tay đề nghị Chủ tịch Quốc hội không thông qua chủ trương đầu tư.

Sao quy hoạch rừng không hỏi ý kiến Bộ GTVT?

Ngày 5/4/2000, tại Xuân Sơn (Quảng Bình), Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án đường Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, gây xúc động lớn đối với nhân dân cả nước. Thế nhưng, đúng như câu tục ngữ “vạn sự khởi đầu nan”, ngay sau ngày khởi công ít lâu, dự án đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Thời điểm ấy, không ít đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng, đây là công trình quan trọng quốc gia, tại sao Chính phủ không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư mà đã khởi công xây dựng? Thậm chí, một số thông tin ngoài lề đồn thổi Quốc hội sẽ yêu cầu dừng, không tiếp tục triển khai dự án này.

Trước tình hình đó, Chính phủ được yêu cầu giải trình trước Quốc hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chuẩn bị báo cáo để giải trình. Lúc đó, Quốc hội chưa có Nghị quyết về việc đưa ra tiêu chuẩn công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội, nhưng dự án đường Hồ Chí Minh lại rất quan trọng vì gắn với chính trị, gắn với huyền thoại nên phải trình bày báo cáo thế nào để thuyết phục được các ĐBQH, đồng thời phù hợp với tính chất quan trọng của dự án.

Trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, chúng tôi đã mắt thấy tai nghe không ít ý kiến phản đối làm đường Hồ Chí Minh. Thời điểm khoảng giữa năm 2001, hội các nhà báo theo dõi môi trường tổ chức hẳn một cuộc họp báo để phản đối hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương. Tôi được mời tham dự để trả lời những vấn đề liên quan.

Tại cuộc họp, hầu hết các nhà báo chỉ đặt câu hỏi xoay quanh nội dung: “Các anh làm đường Hồ Chí Minh qua khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương như thế các con voọc, con khỉ sẽ sinh sống, ăn uống thế nào?”. Lúc đó tôi nói thẳng, không vòng vo: “Các nhà báo cần có cái nhìn công bằng, tại sao không ai đặt câu hỏi 28 triệu đồng bào chúng ta sống dọc đường Hồ Chí Minh đi theo Đảng, theo Bác Hồ đang sinh sống ra sao mà lại chỉ tập trung vào chuyện sinh hoạt của mấy con voọc, con khỉ, chúng ta cần phải nhìn nhận công bằng? Thế là cả hội trường đồng thanh vỗ tay và không còn bất cứ câu hỏi nào khác.

Thực tế, trước khi lựa chọn hướng tuyến đi vào vùng đệm vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi đã cho anh em tư vấn khảo sát lựa chọn rất kỹ, nhưng không còn giải pháp nào khác tốt hơn. Nếu tuyến đi về bên phải sẽ gặp một dãy núi trùng điệp kéo dài, đi về phía trái là vào thẳng vườn chính của vườn quốc gia Cúc Phương. Chỉ còn một lựa chọn duy nhất và tối ưu là đi vào vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương.

Thế nhưng, đến khi tranh luận trên truyền hình, phía đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vẫn chưa đồng thuận, họ đưa ra Pháp lệnh Bảo vệ rừng và nói Bộ GTVT vi phạm. Lúc đó, tôi dẫn chứng: “Các anh có Pháp lệnh bảo vệ rừng, chúng tôi cũng có Pháp lệnh về bảo vệ công trình giao thông. Hơn nữa, đường Hồ Chí Minh có từ những năm 1945, bây giờ chỉ là nâng cấp lên, còn rừng quốc gia Cúc Phương đến những năm 1967 - 1968 mới có, tại sao khi các anh quy hoạch rừng không hỏi ý kiến từ phía Bộ GTVT?”. Sau đó, phía Cục Lâm nghiệp đã phải chấp thuận để hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương.

Đại biểu viết thư tay đề nghị không thông qua…

Trở lại với việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục dự án, sau hơn 3 năm làm việc không ngừng nghỉ và nhiều lần tiếp thu, sửa đổi, ngày 27/10/2004, báo cáo chính thức Số 1581 về dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được nộp tại Văn phòng Quốc hội và được chuyển đến cho các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, từ ngày 21 - 22/10/2004, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến đi kiểm tra hiện trường đoạn từ Hòa Lạc, Hà Tây đến Thanh Thủy, Nghệ An với sự tham gia của các lãnh đạo và chuyên viên của Ủy ban KHCN&MT và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.

Đến sáng 30/10/2004, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức thay mặt Bộ GTVT giải trình 19 vấn đề Ủy ban KHCN&MT Quốc hội đã nêu cũng như trả lời các ý kiến chất vấn của các đại biểu. Vào ngày quan trọng nhất, sáng 5/11/2004, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã đọc tờ trình về dự án đường Hồ Chí Minh trước phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội khi ấy là ông Hồ Đức Việt đọc báo cáo thẩm tra chính thức về dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh. Buổi chiều các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu đều nhất trí việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư.

Mặc dù, trong các phiên thảo luận chính thức không có bất cứ đại biểu nào phản đối việc xây dựng đường Hồ Chí Minh nhưng vẫn có một số ý kiến ngoài hành lang lăn tăn. Thậm chí, có đại biểu còn viết thư tay gửi Chủ tịch Quốc hội đề nghị không thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án.

Đúng 7h sáng 25/11/2004, khi biết tin 77,17% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án chúng tôi như trút được gánh nặng ngàn cân.

Ngày 3/12/2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ký Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh với điểm đầu của tuyến đường từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 - 8 làn xe. Nghị quyết này là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành. Hôm nay, đường Hồ Chí Minh, con đường từ huyền thoại đã trở thành sự thật, đang ngày một vươn xa, mang trong mình bao ước mơ cất cánh vươn cao của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau. Điều này một lần nữa minh chứng, nếu không có sự kiên định, dám nghĩ lớn, làm lớn, không thể có các dự án giao thông tầm cỡ, đưa đất nước phát triển.

img
Những ngày đầu bắt tay thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh vô cùng gian nan, vất vả - Ảnh: Ban QLDA đường HCM

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.