Xã hội

Lâm Đồng cần bố trí 250 tỉ đồng khắc phục sạt lở sông Krông Nô

26/05/2023, 18:15

Tình trạng sạt lở sông K’Rông Nô đang ở mức báo động, trong đó tuyến đường vào thủy điện Trung Nam bị sạt lở mạnh.

Từ phản ánh của cử tri, lập đoàn liên ngành kiểm tra

Ngày 25/5, Sở NN&PTNT có Công văn số 1204/SNN-TL báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng kết quả kiểm tra, rà soát tình hình sạt lở bờ sông K’Rông Nô đoạn qua xã Đạ M’Rông và xã Đạ Tông, huyện Đam Rông.

img

Sông Krông Nô nhiều lần sạt lở tuyến đường 135, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Theo kết quả kiểm tra, trên địa bàn huyện còn một số đoạn bờ sông K’Rông Nô đoạn từ xã Đạ Tông đến xã Đạ Rsal bị sạt lở làm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, đời sống của một số hộ dân.

Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông K’Rông Nô (đoạn hạ lưu sông qua thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông) đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí 13.900 triệu đồng để đầu tư kè rọ đá với chiều dài 184m, và UBND huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư 2 đoạn kè chống sạt lở đường giao thông liên xã Đạ M’Rông - Đạ Rsal với chiều dài 218m, kinh phí 7.490 triệu đồng).

Tuy nhiên, đến nay, đoạn sông này càng ngày càng sạt lở mạnh. UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo UBND các xã: Đạ Tông, Đạ M’Rông và Đạ Rsal cắm biển cảnh báo nguy hiểm, thông báo các vị trí xảy ra sạt lở bờ sông trên hệ thống truyền thanh của xã để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh về tình hình sạt lở bờ sông K’Rông Nô, ngày 9/3, UBND huyện Đam Rông đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất HĐND tỉnh bố trí 250 tỷ đồng để gia cố đoạn sông Krông Nô, trong đó có 3 đoạn qua xã Đạ M’Rông và 1 đoạn qua xã Đạ Tông, tổng chiều dài khoảng 1km.

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: “Ngay từ kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Lâm Đồng vào tháng 12/2022, các đại biểu đại diện cử tri huyện Đam Rông đã có kiến nghị về tình hình sạt lở trên sông K’rông Nô qua huyện Đam Rông. Ngay sau đó Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng có công văn đề nghị huyện Đam Rông rà soát lại tình hình sạt lở.

Sau đó, đến ngày 12/5 đoàn liên ngành bao gồm Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, chính quyền UBND huyện Đam Rông và các xã đi kiểm tra thực tế sạt lở trên sông Krông Nô qua huyện Đam Rông để tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng giải pháp và kinh phí khắc phục sạt lở”.

Có 4 vị trí sạt lở với chiều dài khoảng 1km

Bờ sông K’Rông Nô đoạn qua các thôn Liêng K’rắc I, thôn Tu La xã Đạ M’Rông; thôn Đạ Nhinh I, xã Đạ Tông huyện Đam Rông (phía thượng lưu của đoạn đã được gia cố) là khu vực đa số các hộ đồng bào dân tộc gốc địa phương sinh sống và canh tác.

Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại xã Đạ M’Rông có trên 1.800ha, cây trồng chủ yếu như lúa 396ha, dâu tằm 91ha, cây ăn trái (sầu riêng) 107ha, cà phê 402ha, cây trồng khác trên 804ha…; Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại xã Đạ Tông có trên 2.000ha, cây trồng chủ yếu như lúa 613ha; dâu tằm hơn 41ha, cây ăn trái (sầu riêng) 29,5ha, cà phê 634ha, cây trồng khác 682,5ha.

Đoàn liên ngành đã kết luận các khu vực bị sạt lở ở 4 vị trí có tổng chiều dài khoảng 1km, sạt lở sâu, nhất là mùa mưa lũ, làm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân, hiện khu vực này trồng nhiều dâu tằm.

Đặc biệt, đối với vị trí sạt lở đường vào thủy điện Trung Nam, đây là đường giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của bà con nhân dân. Đây là đường giao thông nông thôn khi xây dựng do đường sát bờ sông, có chênh lệch độ cao lớn tại vị trí của đường và lòng suối, gây nguy hiểm,

Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND huyện Đam Rông chỉ đạo các đơn vị quản lý các tuyến đường chủ động thực hiện các giải pháp xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân công; chủ động liên hệ với các sở ngành liên quan để được bố trí kinh phí, liên hệ với Công ty CP Thủy điện Trung Nam đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí để xử lý sạt lở trên tuyến giao thông này.

Đối với các vị trí sạt lở bờ sông K’Rông Nô đoạn qua thôn Đa Tế, thôn Liêng K’rắc I, thôn Tu La xã Đạ M’Rông; vị trí cầu Đa Ra Hố xã Đạ Tông, đoàn liên ngành cho rằng, việc đầu tư kè chống sạt lở bờ sông là cần thiết và phù hợp với thực tế; phù hợp với định hướng, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đoàn đề nghị UBND huyện Đam Rông chủ động liên hệ với các sở ngành liên quan để được bố trí kinh phí hoặc tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.