Chuyện dọc đường

Lạm dụng tình dục trẻ em: Làm sao ngăn?

29/05/2020, 06:03

Chừng nào còn thái độ vô can, bàng quan thì vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em còn chưa có hồi kết.

img
Vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (ảnh nhỏ) dâm ô bé gái trong thang máy vẫn còn nổ ra cuộc tranh cãi thế nào là hành vi LDTD trẻ em (Trong ảnh lớn: Bị cáo Nguyễn Hữu Linh nghe tòa tuyên án)

Lạm dụng tình dục (LDTD) trẻ em, còn gọi là ấu dâm, là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. LDTD trẻ em có thể xảy ra ở bất kì nền văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, thể chế chính trị nào.

Những ai quan tâm đến đề tài này, có thể nhờ “công cụ” Google để xác nhận điều này. Sẽ biết ngay, thủ phạm có thể là giáo sỹ, linh mục, quan chức hay bất cứ thành phần xã hội nào.

Cuối tháng 6 cách đây 2 năm, báo chí thế giới rúng động trước tin Joel Davis - Chủ tịch của một tổ chức chống xâm hại tình dục tại Mỹ bị bắt vì cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em. Ai cũng bàng hoàng khi biết rằng hắn ta được đề cử giải Nobel Hòa bình và là một diễn giả.

Trước khi bị bắt, Joel còn từng là đại biểu thanh niên và điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề về bạo lực tình dục. Hắn thậm chí còn tham gia vào ủy ban điều hành Chiến dịch quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng hiếp dâm và bạo lực tình dục.

Đây là một tổ chức có quy mô rất lớn, quy tụ trên 5.000 tổ chức nhỏ hơn hoạt động về nhân quyền cùng hàng nghìn chuyên gia trên toàn thế giới.

Thật khó tưởng tượng!

Ở Việt Nam, đối tượng LDTD trẻ em, từng xảy ra những vụ án “chấn động” mà đối tượng phạm tội đa dạng: Là quan chức (Chủ tịch một tỉnh miền núi), là một thầy giáo LDTD học sinh, là cựu quan chức một ngành bảo vệ pháp luật địa phương...

Trong khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và có hành lang pháp lý bảo vệ quyền trẻ em, đáng tiếc, tình trạng LDTD trẻ em ngày càng gia tăng, báo động (tất nhiên chỉ mới dừng lại ở các vụ việc các cơ quan có trách nhiệm nắm được, được báo cáo).

Thi thoảng, dư luận vẫn giật mình khi nhiều vụ việc bố đẻ LDTD con gái, bố dượng LDTD con riêng của vợ trong thời gian dài nhưng không được phát hiện. Kèm theo đó, nhiều hậu quả đã xảy ra.

Không phải “nói ngoa” mà bằng chứng là sáng hôm kia, ngày 27/5, trên diễn đàn kỳ họp thứ 9, Quốc hội 13, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về kết quả báo cáo giám sát của “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Dẫn từ báo cáo giám sát đầy đủ, các phụ lục, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các ĐBQH lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau.

Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, lạm dụng nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần.

Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập, nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác, nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác...

Từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục. Hậu quả khiến 337 trẻ tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật…

Lạ kỳ là, không có ai chịu trách nhiệm mặc dù có tới 20 cơ quan trong hệ thống chính trị có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em để ăn lương và hưởng ngân sách.

Ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc LDTD trẻ gia tăng. Đó là pháp luật chưa được phổ cập, cho đây là vấn đề “nhạy cảm”, trẻ em (cả nam và nữ) chưa được quan tâm dạy dỗ về kỹ năng bảo vệ bản thân...; Luật pháp không nghiêm, còn tình trạng ngại, chưa tiến hành đúng cách khi giám định thương tích, lấy lời khai của nạn nhân trẻ em. Điều này rất dễ làm tổn thương các em về mặt tinh thần và làm giảm hiệu quả điều tra phá án.

Chỉ năm ngoái thôi, khi vụ việc nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy vẫn còn nổ ra cuộc tranh cãi thế nào là hành vi LDTD trẻ em.

Chống LDTD trẻ em thực sự là cuộc chiến vì những giá trị nhân bản, văn hóa, vì phát triển bền vững của đất nước, xem ra còn là “cuộc đấu tranh” ngay trong hệ thống có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Chừng nào còn thái độ vô can, bàng quan thì vấn đề LDTD trẻ em còn chưa có hồi kết.

Và chừng nào, gia đình chưa thật sự quan tâm tới con em mình, chỉ trông chờ nhà trường, xã hội, các cơ quan chức năng vào cuộc thì vẫn còn những nạn nhân nhí trở thành con mồi cho những kẻ bệnh hoạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.