70 năm truyền thống ngành GTVT

Làm đường dưới làn mưa đạn Fulro

29/01/2015, 15:45

Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng những ký ức kinh hoàng khi Fulro tập kích vào lán công trường vẫn vẫn in đậm.

162

Ông Phạm Hồng Sơn (thứ hai từ trái) trong một lần tháp tùng nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng (đầu tiên bên trái) kiểm tra thi công dự án giao thông tại Tây Nguyên

K1: Công trường bị tập kích ban đêm

Đêm 10/9/1985, Fulro tập kích vào lán công trường (đóng tại Tà Huỳnh, phía Nam thị xã Kon Tum 13 km) thi công khôi phục đường 19bis (nối từ Tà Huỳnh QL14 sang Kon Tầng QL19 thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ) khiến nhiều anh em công nhân chết và bị thương.

Đạn nổ chát chúa

Lúc đó vào khoảng 19h, vừa ăn cơm tối xong, tôi đang nằm trên phản tại công trường kể chuyện phim “Cái tát” cho anh chị em công nhân nghe (thời ấy tivi chưa phổ thông như bây giờ). Trong lán có khoảng 13-14 người, bất ngờ nghe tiếng cạch cạch vang lên, tôi ngẩng đầu hỏi: “Cái gì vậy bay?”.

Trong tích tắc, một tiếng nổ xé tai kèm theo ánh chớp bùng lên. Theo phản xạ tự nhiên, tôi lăn ngay xuống đất, phía trên đầu tôi tiếng đạn nổ liên thanh chát chúa. Trong đầu tôi chợt nghĩ: “Thôi chết, bọn Fulro tấn công rồi. Thế nào chúng cũng sẽ đốt lán công trường và tiêu diệt hết anh em công nhân”. Tôi dán chặt người xuống mặt đất, chờ đón loạt đạn tiếp theo thì nghe tiếng Minh - chị đầu bếp gào khóc: “Anh Sơn ơi, em bị thương rồi”.

Trong đêm tối, dưới làn đạn, tôi bò sang phía có tiếng khóc thì đụng ngay cô ấy, tôi gằn giọng: “Nằm xuống không chúng nó biết còn sống thì nó giết đến cùng đấy”.

Tôi hỏi Minh: “Bị thương ở đâu?”. Minh trả lời chỉ bị thương ở tay. Tôi cầm vào cổ tay cô, máu ướt đẫm. Tôi vội xé ngay chiếc áo may-ô đang mặc để băng bó và cầm máu cho Minh và nói: “Cố chịu đau, đừng khóc, để anh tìm cách thoát khỏi nơi này”.

Năm 1985, kỹ sư Phạm Hồng Sơn là giám sát thi công của Ban Kiến thiết cơ bản, Sở GTVT Gia Lai - Kon Tum. Dự án thi công khôi phục đường 19bis do Sở GTVT Gia Lai - Kon Tum trực tiếp làm chủ đầu tư.

Lúc này, đạn vẫn xối xả liên hồi vào trong lán. Tôi bò về phía cuối lán gần với con suối, vừa bò vừa nghĩ: “Chắc là sẽ bị giết rồi, tiếc quá mình còn trẻ mà đã phải chết”. Nhìn qua vách lán, lờ mờ mấy bóng đen cầm súng chờ sẵn, nhìn thấy ai, chúng sẽ giết hết.

Giờ chắc hết đường thoát, chỉ còn biết chờ chết thôi. Hơi lui lại để quan sát chờ thời cơ, chợt nghe tiếng kêu: “Thằng Hải (lái máy ủi) chắc chết rồi”.

Tôi quát khẽ: “Im mồm, giả vờ chết hết rồi để chúng nó không bắn nữa”. Bỗng có tiếng máy kéo MTZ nổ từ xa tiến về phía lán, đèn pha sáng rực. Ngay lập tức tiếng súng im bặt.

Tôi nghe thấy tiếng xì xồ của bọn Fulro nói chuyện với nhau bằng tiếng địa phương nhưng chẳng hiểu gì cả. Rồi tôi nghẽ rõ cả tiếng chân tháo chạy của chúng. Lát sau, máy kéo MTZ vào đến sân lán, tôi chợt hiểu, mình đã thoát chết. Lúc đó, tôi bình tĩnh lạ thường, nghĩ đến chuyện phải rút quân khỏi lán công trường chạy về phía thị xã Kon Tum, tôi lao ngay ra sân chặn đầu xe MTZ, hai tay khua qua khua lại ra hiệu dừng và hét lên: “Thuận ơi (tên cậu lái máy kéo MTZ của công trường), không được tắt máy để cứu anh em”.

Thuận không hiểu chuyện gì xảy ra, hơn nữa tiếng máy nổ quá to, không nghe thấy tôi nói gì hết, cậu ấy tắt máy. Trời ạ, MTZ mà khởi động lại không biết là có chịu nổ máy lại cho không đây?!

Cậu ấy nhảy xuống đất hỏi tôi: “Có chuyện gì thế anh Sơn?”.

Tôi hét lên: “Cậu nổ máy lại đi để cứu anh em trong lán bị bọn Fulro bắn chết gần hết rồi”. “Cái gì? Fulro tập kích lán chúng ta?”.

Chiếc MTZ oằn mình lao đi trong đêm đen

Cậu ấy hiểu ra cơ sự và nhảy ngay lên khởi động lại máy. Ơn trời, nhờ động cơ còn nóng nên máy nổ lại ngay. Tôi hô mấy anh em vào trong lán đưa hết mọi người và đồ đạc lên thùng mooc chạy về thị xã Kon Tum cấp cứu người bị thương. Tôi lại lao vào trong lán, tiếng kêu khóc, tiếng rên rỉ ầm cả lán. Mùi tanh của máu lẫn trong mùi khét lẹt của thuốc súng không làm tôi chùn bước. Tôi lệnh cho tất cả mọi người nhanh chóng lên thùng MTZ chạy về Kon Tum, đồ đạc mang được cái gì thì mang vì sợ Fulro quay lại.

Rất may cậu Thuận có cái đèn pin nên chiếu vào lán để anh em nhìn đường chạy ra leo lên thùng mooc. Những người bị thương đều được người khỏe mạnh cõng ra. Cậu Bình (lái máy ủi) bị thương rất nặng, cả một quả phóng lựu M79 găm vào và nổ ngay xương chậu làm xương vỡ toác ra, máu chảy lênh láng. Bình vẫn nằm trên phản. Tôi lấy chiếc áo khoác ngoài (dùng làm gối để ngủ) để làm băng quấn vào vết thương cho Bình. Lúc ấy tôi mới thấy cái áo khoác của mình dính đầy miếng M79.

Có tiếng ai đó hỏi: “Người chết rồi có đưa đi theo không anh?”.

Tôi nói, đưa đi lên bệnh viện hết, kể cả người chết. Đến lúc này tôi mới nhìn thấy Lê Ngọc Hiệp, Chỉ huy trưởng công trường (khi đó tôi đang làm nhiệm vụ giám sát thi công của bên A do bên A chưa thuê tư vấn giám sát như bây giờ).

"Tôi không thể kìm được những dòng nước mắt đang trào ra, kỷ niệm ngày đó ùa về đầy thảng thốt và xúc động. Lúc ấy, tôi có khóc đâu, sao bây giờ hồi tưởng lại, nước mắt cứ thế tuôn trào…”.

Ông Phạm Hồng Sơn

Tôi hỏi: “Nãy giờ ông chạy đi đâu để tôi phải chỉ huy thay ông thế này?” Hiệp trả lời: “Tôi đang ngồi ngoài cửa lán, khi thấy súng nổ vội chạy tuốt vào rừng, bây giờ thấy yên tôi mới quay về”.

Tôi bảo Hiệp lên mooc với anh em. Anh chàng ngoan ngoãn leo lên ngay. Rồi tôi nói to: “Đã lên hết chưa, còn ai nữa không?”. Có tiếng trả lời, lên hết rồi anh ạ. Nhưng không yên tâm, tôi cẩn thận cầm đèn pin quay vào lán kiểm tra kỹ xem còn sót ai không. Quét qua một vòng, không còn ai ở đó, đồ đạc ngổn ngang, có lẽ không ai còn tâm trí mà lo thu dọn nữa. Tôi quay ra và leo lên mooc bảo cậu Thuận chạy về Kon Tum.

Chạy được một đoạn, có tiếng đạn nổ phía sau mooc cách khoảng dăm chục mét. Tôi hét lên: Chạy nhanh lên Thuận ơi, bọn Fulro bắn đuổi theo đấy. Chiếc MTZ oằn mình lao đi trong đêm đen. Tôi nhìn quanh một vòng, người nằm, kẻ ngồi không ai nói gì, có lẽ mọi người đều đang lo sợ.

Cậu Bình bị thương vào đùi (người duy nhất giữ khẩu súng AK của công trường), cô Minh ngồi tựa vào thành mooc. Tôi đến bên cạnh cậu Bình, cả chiếc áo khoác mà tôi quấn quanh người cậu ấy đã ướt đẫm máu. Bình nắm lấy tay tôi mếu máo: “Anh Sơn ơi, em có sống được không?”

Tôi động viên Bình, yên tâm, chúng ta đang về Bệnh viện đa khoa Kon Tum, các bác sỹ sẽ cứu cậu. Tự dưng Bình nghêu ngao hát trong mê sảng: Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà sầu với nhớ…(bình thường cậu ấy cũng hay hát nhạc vàng). Tôi nói: “Thôi đừng hát bậy bạ nữa, cậu sẽ không sao mà”.

Tôi nhìn về phía cuối mooc nơi Hải nằm, trong lòng đầy đau xót và thương cảm. Hải và Bình là thợ lái máy ủi KOMATSU của Công ty 707 (thuộc Binh đoàn 15 Bộ Quốc phòng đóng tại xã Buôn Hồ - Pleiku) do đơn vị thi công là Xí nghiệp Thi công cơ giới Pleiku hợp đồng thuê máy. Bình đã có vợ và một con còn nhỏ, Hải thì chưa có gia đình.

Thứ bảy vừa rồi Hải xin nghỉ làm một ngày để lên thị xã Kon Tum thăm người quen, khi về lại lán công trường cứ kêu mãi: “Mình đi xe từ Kon Tum về cứ sợ ngã vỡ đầu, may mà không sao”. Vậy mà giờ đây cậu ấy vỡ đầu thật. Điều đó như là có điềm báo trước về cái chết của Hải vậy.

Còn nữa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.