70 năm truyền thống ngành GTVT

Làm đường dưới làn mưa đạn Fulro (kỳ cuối): Công trường như thời chiến

03/02/2015, 06:30

Một tháng sau chúng tôi quay lại công trường tiếp tục công việc thi công đang dở dang với đội hình tăng cường.

161
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua đèo Lò Xo

Chiếc áo khoác dính đầy miếng M79 mà tôi sử dụng băng cho Bình được giặt sạch phơi khô, cất đi làm kỷ niệm và cũng là lời nhắc nhở tinh thần cảnh giác với mọi sóng gió trong đời.

Khoác ba lô quay lại công trường

Vì Hải và Bình là bộ đội nên đơn vị của họ lo tang lễ và làm thủ tục công nhận liệt sỹ cho cả hai. Công ty 707 tiếp tục cử các lái máy khác thay thế. Hai chị nuôi cũng không dám tham gia tiếp tục mà thay thế bằng người khác. Lan vào làm việc tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, còn Minh ở lại nhà chờ tìm việc.

Trước khi quay lại công trường, trong Ban Kiến thiết cơ bản của Sở GTVT Kon Tum nơi tôi công tác e rằng sẽ có người phải thay tôi vào công trường 19 bis nên có vài anh đã gặp tôi thương lượng: “Tớ đã có gia đình, nếu có chuyện gì thì khổ vợ, khổ con, cậu còn trẻ chưa vợ con gì thì không sao, cậu tiếp tục đi 19 bis nhé”.

Tôi bảo: “Em sẽ tiếp tục, các anh đừng lo”. Tuổi trẻ, tính cách và nghề nghiệp khiến tôi không còn cảm thấy sợ hãi hay lần lữa lựa chọn cho mình một con đường khác. Hơn nữa bản tính tôi thường hay xung phong đi làm những việc khó khăn, mạo hiểm nên tôi lại khoác ba lô quay lại công trường ngay.

Nhắc lại chuyện xung phong này, tôi nhớ cuối năm 1977 khi vừa tốt nghiệp lớp 10 (tức là lớp 12 bây giờ), tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào bộ đội. Khi đó chiến tranh biên giới Tây Nam với bọn Pôn Pốt đang vào hồi khốc liệt, mẹ tôi khóc mà rằng: “Con ơi, tính mày hay xung phong thế nào rồi cũng hy sinh ngay mất thôi”. Tôi cười và nói: “Con không chết đâu, mẹ đừng lo”.

Hai năm công tác ở Liên hiệp tôi đã học hỏi được rất nhiều từ anh Tư Đành và trưởng thành vượt bậc. Đó cũng là tiền đề để trở thành một cán bộ cốt cán của những cơ quan mà tôi được công tác sau này.

Thế nhưng, sau đó giấy báo tôi vào học Đại học Giao thông đường sắt đường bộ Hà Nội về đến Nông trường 1/5 trước khi lên đường nhập ngũ nên tôi được miễn nghĩa vụ và đi học. Tốt nghiệp Đại học trở thành Kỹ sư đường ôtô, tôi được đào tạo qua lớp Sỹ quan công binh ba tháng nên cũng không lạ lẫm gì với súng đạn và kỷ luật quân đội.

Rút kinh nghiệm xương máu vừa qua, lần này công trường chúng tôi chọn vị trí đóng quân khác ở bên cạnh khu rừng già. Xung quanh lán công trường, chúng tôi cho ủi quang với bán kính khoảng 300 m, đào giao thông hào từ trong lán ra ngoài để có thể linh hoạt di chuyển khi cần thiết. Xí nghiệp thi công cơ giới làm việc với thị đội tăng cường thêm một số súng liên thanh AK47 cho công trường tự vệ.

Hàng đêm cắt cử canh gác, cứ mỗi ca hai người gác hai tiếng đồng hồ, hễ có động tĩnh gì là nổ súng cảnh báo, những người đang ngủ cứ thế lăn từ trên phản xuống đất và nhảy xuống giao thông hào ngay. Y như bộ đội thời chiến vậy. Phản xạ tự nhiên hình thành trong tôi khiến cho khi đi ô tô chỉ cần xe xóc mạnh một cái là ngay lập tức nằm rạp xuống sàn xe.

Để đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công, bên quân đội cho một Trung đoàn rải quân dọc tuyến 19 bis làm nhiệm vụ bảo vệ nên chúng tôi cũng đỡ lo bị bọn Fulro tấn công lần nữa. Đêm đêm, hễ nghe động tĩnh gì ở ngoài rừng là anh em đang phiên gác nổ súng ngay lập tức, báo hại những người đang ngủ ngon cũng phải lăn xuống đất chạy xuống giao thông hào ra ngoài lán. Dần rồi cũng quen với không khí vừa làm việc vừa tập dượt chiến đấu. Cứ chiều thứ bảy tôi lại về Pleiku nghỉ ngơi và thăm bạn bè, sáng thứ hai lại khoác ba lô vào công trường.

Hiện thực hóa con đường mang tên Bác

Nửa năm sau, tôi được bác Lâm, Giám đốc Sở, gọi lên giao nhiệm vụ mới: Tăng cường 1 năm cho Liên hiệp Lâm - Nông - Công nghiệp Đăk Glei. Liên hiệp mới thành lập do T.S Lê Tấn Đành, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Lâm nghiệp làm Tổng giám đốc. Do thiếu kỹ sư cầu đường nên đề nghị Sở GTVT cử người lên tăng cường. Vậy là tôi được lãnh đạo Sở đưa vào danh sách ấy.

Ai đã từng đọc bài thơ “Tiếng hát đi đày” của nhà thơ Tố Hữu viết về vùng đất Đăk Glei, sẽ cảm nhận được những khó khăn, gian khó của nơi đây: “Đường lên Đăk Sut, Đăk Lây; Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim”.

Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cho xây dựng Ngục Đăk Glei ở đây để giam giữ những người yêu nước, trong đó có Tố Hữu, bởi vậy mới có mấy câu thơ trên.Quả thật, nơi đây không hề nghe thấy có tiếng chim, có lẽ vì đất không lành nên chim không đậu chăng? Đăk Glei cũng là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là miền đất Bắc Tây Nguyên giáp với Lào và với Campuchia tạo nên một ngã ba biên giới kỳ bí, một con gà gáy cả ba nước cùng nghe. Đồng thời, nơi đây cũng giáp với Quảng Nam, có đỉnh núi Ngọc Linh cao nhất miền Nam nổi tiếng với loài sâm quý.

Con đường nối Đăk Glei về phía Nam với Pleiku, Kon Tum, về phía Bắc với Quảng Nam, Đà Nẵng chính là QL14 nơi có đèo Lò Xo hiểm trở (nay là đường Hồ Chí Minh) được làm từ thời Pháp do những người tù cách mạng bị bắt buộc lao động khổ sai làm nên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường đó cũng là một trong những tuyến đường trong mạng đường “xuyên rừng rậm”, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Sau 1975, con đường không được đầu tư xây dựng nên đi lại vô cùng khó khăn, tắc và đứt đường ở ngay đèo Lò Xo, vì vậy không thể liên thông về đồng bằng được mà phải quay ngược lại Pleiku mới có thể xuống QL1A.

Khi đứng ở đèo Lò Xo nhìn về phía Quảng Nam, Quảng Ngãi, tôi ước ao con đường được đầu tư xây dựng để nối liền Đăk Glei với quê mình. Và đó là con đường nối bao nhiêu mơ ước mà tôi đã viết trong ca khúc “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” giờ đây đã là hiện thực, có đóng góp sức lực và trí tuệ của chính mình và các đồng nghiệp.

Hồi ký của Tổng giám đốc Ban QLDA 2

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.