Thế giới giao thông

Làm đường hay xây công trình Olympic lựa chọn khó của Pháp

18/10/2017, 09:25

Chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đau đầu giữa hai lựa chọn: Tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống giao thông...

15

Dự án đường sắt Grand Paris giúp cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông và đời sống người dân Thủ đô Paris

Chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đau đầu giữa hai lựa chọn: Tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống giao thông công cộng của TP Paris, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân hay dồn tiền để chuẩn bị nền tảng hạ tầng cho Thế vận hội 2024 trong bối cảnh tài chính khó khăn, chi tiêu đang ở giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.

Gánh nặng tài chính

Hiện nay, Chính phủ Pháp đang thực hiện chiến lược “Grand Paris” để giải quyết tình trạng giao thông công cộng đông đúc, chật chội vốn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đi lại và đời sống của người dân.

Theo kế hoạch, Pháp sẽ cải thiện hệ thống tàu điện 100 năm tuổi bao gồm 4 tuyến mới, 68 ga tàu và mở rộng hơn 100km đường sắt, kết nối khu vực ngoại ô và trung tâm thành phố, tăng tổng lượt sử dụng tàu điện lên khoảng 40%. Giới chức hy vọng dự án này sẽ giúp giảm bớt các vấn đề về giao thông tại Paris và cải thiện kết nối cả về mặt xã hội và cơ sở hạ tầng, giữa ngoại thành và khu vực trung tâm bên trong đường vành đai Boulevard Périphérique.

Báo Atlantic nhận định, đây là dự án đường sắt mới tham vọng nhất tại khu vực châu Âu. Dự án khổng lồ được dự kiến hoàn tất vào năm 2030 với ước tính chi phí ban đầu là 26 tỉ euro nhưng nay đội lên tới 35 tỉ euro, đặt gánh nặng lớn lên Chính phủ Pháp vốn đang eo hẹp về ngân sách.

Grand Paris là dự án hạ tầng được cấp vốn qua hình thức nợ dài hạn. Societe du Grand Paris (SGP) - cơ quan quản lý dự án hoạt động dựa vào tiền thuế và trợ cấp từ chính quyền Paris kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2010. Cùng lúc này, Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu xây dựng/cải thiện hạ tầng giao thông để phục vụ Thế vận hội 2024. Do đó, gánh nặng về tài chính càng nặng nề.

Những nỗi lo này khiến Chính phủ Pháp tính đến kế hoạch thu hẹp quy mô dự án Grand Paris nhưng lập tức đối mặt làn sóng giận dữ từ nhiều giới chức địa phương.

Đời sống người dân ý nghĩa hơn sự kiện thể thao?

Giới chức, người dân địa phương xuống đường biểu tình, coi đây là lời cảnh báo với ông Macron nên sớm từ bỏ ý định thu hẹp Grand Paris. Chính quyền các địa phương cho rằng, việc tăng cường kết nối đường sắt sẽ góp phần cải thiện kết nối khu vực ngoại thành với trung tâm. Điều này có ý nghĩa hơn các dự án nâng cao hạ tầng phục vụ các sự kiện thể thao quốc tế.

Tham gia biểu tình gần văn phòng Thủ tướng Pháp, người đứng đầu khu vực Paris, ông Valerie Pecresse nói: “Chúng tôi có thể thu hút nhiều nhà đầu tư một khi giải quyết ổn thoả các vấn đề giao thông. Tôi không phản đối Thế vận hội mà tôi vận động vì việc làm và hoạt động đầu tư cho địa phương”.

Giới chức địa phương lo ngại, Chính phủ sẽ thúc đẩy dự án cải thiện hạ tầng phục vụ Olympic để nâng cao kết nối giữa sân bay Charles de Gaulle và trung tâm thành phố - tuyến đường phần lớn chỉ phục vụ khách du lịch và những người kinh doanh. Trong khi đó, họ lại trì hoãn, thậm chí có thể bỏ các dự án đường sắt giúp cải thiện kết nối cuộc sống thường nhật của người dân cũng như tạo hành lang để thu hút đầu tư.

Chưa kể, vì hy vọng “đường về làng” nên một số khu vực như ngoại thành Gonesse dự định chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu nghỉ dưỡng và mua sắm trị giá 3,1 tỉ euro. Nếu Chính phủ cắt mở rộng đường sắt tới đây, thì mọi kế hoạch sẽ đổ vỡ bởi kết nối giao thông không thuận tiện, đồng nghĩa lượng hành khách tới đây sẽ không nhiều.

Người đứng đầu Gonesse, ông Jean-Pierre Blazy, cũng tham gia biểu tình, chia sẻ: “Tuyến tàu điện mới, số 17 là tuyến cần thiết để hoàn thiện các dự án phát triển kinh tế mà chúng tôi đang thực hiện nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân”.

Ngoài ra, một phần trong tuyến đường sắt số 18 cũng nằm trong dự tính bị hoãn và gây bức xúc cho giới chức, người dân địa phương. Bởi tuyến đường này kết nối trung tâm nghiên cứu công nghệ miền Nam xung quanh thị trấn Saclay với sân bay Orly và trung tâm Thủ đô Paris. Người đứng đầu khu vực Paris, ông Valerie Pecresse từng nhận định tuyến đường sắt này là điều kiện sống còn để hiện thực hóa các kế hoạch mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hậu thuẫn để đưa nước Pháp thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Về phần Chính phủ, người phát ngôn Christophe Castaner cho biết: "Chúng tôi sẽ phải đưa ra lựa chọn cuối cùng. Chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm tới các cam kết của mình đối với Olympic”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.