Pháp luật

Làm gì để bảo vệ các hiệp sĩ đường phố?

16/05/2018, 08:52

Để phòng tránh rủi ro, các hiệp sĩ TP.HCM cần được mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, võ thuật...

19

Nguyễn Tấn Tài là nghi can thứ 2 trong vụ giết 2 hiệp sĩ đường phố bị bắt đêm 14/5

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM cho biết, sáng 14/5, công an đã bắt Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ Hóc Môn). Đến 23h cùng ngày, bắt đối tượng thứ 2 là Nguyễn Tấn Tài (còn gọi là Tài “mụn”, ngụ Q.12) khi đối tượng đang trốn tại Gò Vấp. Tài khai, khoảng 18h tối 13/5, Tài rủ Phú đi trộm xe gắn máy. Phú dùng xe Exciter màu đỏ chạy qua chở Tài, đi đến trước nhà 348C đường Cách Mạng Tháng Tám thì phát hiện 1 chiếc SH dựng trước cửa. Tài xuống bẻ khóa và khi dẫn xe xuống đường thì bị các hiệp sĩ mai phục phát hiện. Tài dùng dao mang theo tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong, 3 hiệp sĩ bị thương.

Trả lời các câu hỏi của báo giới, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, công an sẽ tập hợp hồ sơ truy tặng liệt sỹ, khen thưởng xứng đáng cho các hiệp sỹ. Cũng theo ông Minh, trong những ngày qua, Công an TP nhận nhiều tin nhắn chê trách. “Sở dĩ như vậy do nhiều người không nắm đủ thông tin”, ông Minh nói.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), sau sự việc 2 hiệp sĩ bị đâm tử vong, TP HCM nên có biện pháp quản lý hoặc không nên duy trì việc tồn tại các nhóm hiệp sĩ đường phố, do lâu nay hoạt động này mang tính tự phát.

Các nhóm hiệp sĩ thường không được huấn luyện nghiệp vụ, không có công cụ hỗ trợ… khi bị tai nạn, rủi ro thậm chí thiệt mạng sẽ gây tổn thất lớn cho gia đình họ. Các nhóm hiệp sĩ được phép tồn tại thì cần có chính sách, văn bản hướng dẫn rõ ràng.

Vĩnh Phú

Về vấn đề trách nhiệm bảo vệ người dân là của công an chứ không phải hiệp sĩ đường phố, ông Minh cho rằng, Công an thành phố đã làm tốt nhưng chưa thể bảo vệ hoàn toàn, tuyệt đối. Đối với mô hình người dân tham gia phòng chống tội phạm, nếu không được quản lý thì nguy cơ lệch lạc rất lớn.

“Có mô hình thì phải vun đắp, không để sáng mọc, tối tàn. Hai năm nay, Công an TP đã nghiên cứu và đề xuất để các CLB hiệp sĩ đường phố được quản lý, công nhận. Họ cần được hỗ trợ của công an. Sự việc vừa qua là một bài học trong đấu tranh phòng chống tội phạm”, ông Minh nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TX Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, tại Bình Dương, các CLB Phòng chống tội phạm đều được các cấp lãnh đạo cũng như Ban giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các hiệp sĩ phát huy được hiệu quả hoạt động, phòng ngừa được nhiều rủi ro khi đấu tranh trấn áp tội phạm. Cũng theo anh Hải, để phòng tránh rủi ro, các hiệp sĩ TP.HCM cần được mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, võ thuật. Khi theo dõi bám theo các đối tượng phải hết sức cẩn thận, lường trước nhiều tình huống. Đặc biệt, khi xác định đối tượng xong, có cơ hội là áp sát, ra tay khống chế nhanh, không để đối tượng đủ thời gian xoay xở…

Được biết, tại Bình Dương, đến nay, 91/91 xã, phường trên địa bàn đều đã thành lập CLB phòng chống tội phạm. Trong đó, nổi bật nhất là CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Các trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB phòng chống tội phạm, còn đại diện các hiệp sĩ chỉ làm đội phó. Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với hiệp sĩ khi họ phát hiện, bắt được tội phạm. Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản để quy định tổ chức và hoạt động của CLB này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.