Y tế

Làm gì để cứu nguy làn da bị cháy nắng?

29/06/2019, 16:42

Trong dịp nắng nóng đỉnh điểm, tại BV Da liễu TƯ nhiều ca cháy nắng đến thăm khám và điều trị.

img
Nhiều ca cháy nắng tìm đến viện thăm khám trong những đợt nắng nóng đỉnh điểm

Bỏng rát vì cháy nắng

Trở về sau chuyến du lịch biển cùng gia đình, cô gái trẻ N.M.H (Hà Nội) vội vàng tìm đến BV Da liễu TƯ thăm khám vì toàn bộ vùng da hở như cổ, mặt, cánh tay, lưng… đều đỏ lựng, bỏng rát, thậm chí cô không thể đặt lưng nằm xuống giường được. Nguyên nhân do H. bất chấp cái nắng gay gắt bên bờ biển để tạo dáng, chụp ảnh dù đã dùng kem chống nắng.

Các bác sĩ kê đơn thuốc để giảm viêm, hạn chế cảm giác khó chịu do cháy nắng gây ra. Tuy nhiên, sau 1 tuần, hai bên cánh tay của bệnh nhân H. xuất hiện đầy những đốm đen loang lổ - hậu quả của việc tăng sắc tố sau viêm do cháy nắng gây ra.

Chị N.T.K (45 tuổi, nông dân Bắc Giang) tìm đến bệnh viện Da liễu TƯ thăm khám vì toàn bộ vùng mặt và cổ bỏng rát. Được biết thời gian qua, chị K. thường phải ra đồng vào buổi trưa. Dù chị K chủ động trang bị mũ nón và khăn để bảo hộ song nhiệt độ ngoài trời quá cao vào khoảng giờ trưa nên không tránh được tác động của nắng nóng lên cơ thể. Tại bệnh viện chị được chẩn đoán cháy nắng và được chỉ định dùng thuốc điều trị ngoại trú.

Trường hợp của H. hay chị K chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị cháy nắng tới BV Da liễu TƯ thăm khám trong thời gian gần đây.

Ths.BS Đặng Bích Diệp (BV Da liễu TƯ) cho biết, các bệnh nhân bị cháy nắng hầu hết là những người đi biển, người lao động làm việc nhiều giờ ở ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Cần làm gì cứu nguy làn da bị cháy nắng?

img
Khi cháy nắng, cần nhanh chóng làm mát vùng da tổn thương bằng nước mát, nha đam, kem dưỡng ẩm..

Khi bị cháy nắng, bệnh nhân thường có cảm giác vô cùng đau rát, châm chích ở vùng da tổn thương. Điều này không chỉ gây ra sự bất tiện trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe, thẩm mỹ.

“Vùng da bị cháy nắng có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da”, BS. Diệp cho biết.

Theo các bác sĩ, ngoài điều kiện thời tiết có mật độ tia UV cao, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng dễ dàng xảy ra với nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm với ảnh nắng hoặc những người đang dùng kháng sinh nhóm Cycline hay sử dụng VIT A Acid…

Khi da bị cháy nắng, bác sĩ Diệp khuyến cáo, bệnh nhân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý không chà mạnh lên vùng da này bởi vì da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng; không chườm đá trực tiếp dễ gây bỏng lạnh vùng tổn thương. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.

Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.

Theo khuyến cáo của BS. Diệp, nặng hơn cháy nắng là tình trạng bỏng nắng với những vùng tổn thương thường rộng, lan tỏa. Bệnh nhân có thể xuất hiện các bọng nước trên da, kèm theo các biểu hiện như sốc nhiệt, buồn nôn, mệt mỏi… Đa phần các bệnh nhân này cần phải đưa vào các khoa cấp cứu, hồi sức để điều trị trước tiên, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.