Việc đảm bảo môi trường học tập, sinh hoạt an toàn cho học sinh, giáo viên đang là mối quan tâm của chính quyền, ngành giáo dục, y tế các địa phương.
Không nên test nhanh định kỳ với giáo viên, học sinh
Những ngày này, khi tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội được kiểm soát, chỉ lác đác ca mắc mới, chủ yếu phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa, chị Nguyễn Hồng (quận Bắc Từ Liêm) cũng mong ngóng trường sớm mở cửa đón học sinh.
Phun khử khuẩn trường học, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tạ Hải
“Hai đứa con mình năm nay là cuối cấp. Con lớn lớp 12, con bé lớp 9 mà cứ học online như hiện nay, thực sự rất lo lắng. Hơn nữa lũ trẻ ở nhà suốt nửa năm qua, mọi giao tiếp với bạn bè đều qua máy tính nên cả mình và các con đều mong đến trường”, chị Hồng chia sẻ.
Mặc dù mong muốn vậy nhưng chị Hồng vẫn tỏ ra lo lắng liệu thời điểm này đến trường đã thực sự an toàn hay chưa?
“Hôm trước qua báo đài, mình thấy nhiều trường học ở Hà Nam phải đóng cửa sau gần 3 tuần các con đến trường học tập vì phát hiện nhiều học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Đáng lo là trẻ nhỏ đều chưa được tiêm vaccine và trường học lại mà môi trường đông người, dễ lây lan bệnh dịch”, chị Hồng nói
Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Hoài Lan (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Hà Nội nới lỏng giãn cách cũng là lúc cả hai vợ chồng chị quay trở lại công việc.
Tuy nhiên, cậu con trai 6 tuổi bắt đầu vào lớp 1 chưa biết phải xử trí ra sao vì trường chưa đón học sinh.
“Con năm nay vào lớp 1, lại học online, nếu bố mẹ không “học cùng” thì rất khó có thể bắt nhịp được với chương trình. Hiện, chỉ ông xã đi làm còn mình xin nghỉ không lương đến khi nào con đến trường mới tính tiếp được. Mong con đến trường nhưng cũng lo lắm”, chị Lan cho hay.
Điều chị Hồng, chị Lan lo lắng cũng là mối quan tâm của nhiều gia đình có con đang độ tuổi đến trường giữa mùa dịch Covid-19 này.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Việc đưa trẻ trở lại trường cần được tính toán trên nguyên tắc xây dựng và thực hiện theo bộ tiêu chí Trường học an toàn. Các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, bởi các địa phương đều cân nhắc kỹ càng trước khi tính đến bài toán mở cửa trường học trong tình hình mới, nhất là khi Bộ Y tế sắp ban hành hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19”.
“Điều quan trọng nhất là việc mỗi cơ sở giáo dục phải đảm bảo các hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành; đồng thời thường xuyên giám sát học sinh, giáo viên thực hiện tốt quy định 5K… Tuyệt đối không áp dụng việc test nhanh định kỳ với những đối tượng này”, ông Phu nhận định.
Trường học phải đảm bảo tiêu chí an toàn phòng dịch
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho việc trở lại trường học của giáo viên, học sinh, Sở đã xây dựng 15 tiêu chí trường học an toàn với 3 giai đoạn: Trước khi học sinh đến trường, khi đến trường và kết thúc buổi học.
Trong đó, nhấn mạnh 4 tiêu chí tiên quyết phải được thực hiện, cụ thể là: 100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường; Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; Đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ; Thực hiện đầy đủ theo quy định việc lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón theo quy định…
Cũng theo ông Cương, việc đánh giá và xếp loại trường học an toàn được tiến hành theo cách thức: Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức “đạt” và “không đạt”. Nếu đạt từ 11 tiêu chí trở lên, trường học đó được đánh giá mức độ tốt, trường học an toàn (đồng thời khuyến nghị thường xuyên kiểm tra để duy trì các tiêu chí đạt).
Nếu đạt từ 8 - 10 tiêu chí, được đánh giá mức độ khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí không đạt.
Nếu chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Tương tự, tại TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc mở cửa trường học trở lại sẽ phải tuân theo một số yêu cầu như các địa phương phải được xác định an toàn trong phòng chống dịch Covid-19; cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học gồm: Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho giáo viên, cán bộ, nhân viên; Giảm số lượng học sinh, giáo viên, công nhân viên; Tăng khoảng cách học sinh, giáo viên, nhân viên… trong cùng thời điểm. Ngoài ra, học sinh, giáo viên, nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; Tổ chức hoạt động bán trú, căng tin, xe đưa rước…
Theo PGS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tới trường trong mùa dịch, cần dạy trẻ em biện pháp phòng ngừa, rửa tay trước khi ăn; Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp học; Ra chơi không túm tụm lại. Nhà trường cần bố trí giờ tan lớp so le đảm bảo giãn cách, vừa giãn cách để phòng dịch, vừa đảm bảo đưa đón thuận lợi, không gây áp lực giao thông.
Tuy vậy, ông Dũng khuyến cáo: “Một số nước cho học sinh đi học trở lại và dịch lại bùng lên. Cần chuẩn bị tâm lý trước là có thể số ca nhiễm ở trẻ em tăng lên và chuyển biến nặng, do Covid-19 dễ lây trong phòng kín (học sinh ở phòng học nhiều hơn ngoài trời, thời gian tiếp xúc lâu, sĩ số các lớp học lớn… Tuy nhiên, thực tế đại bộ phận trẻ em miễn nhiễm tốt hơn người lớn”.
Kịch bản học sinh lớp 6, 9, 10, 12 ở “vùng xanh” đến trường từ tháng 10
Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19. Trong những kịch bản này có việc tổ chức cho học sinh lớp 6, 9, 10 và lớp 12 ở “vùng xanh” được đến trường học tập từ đầu tháng 10. Tương tự, nhiều địa phương khác cũng lên kế hoạch dạy học ứng biến với các vùng “xanh - đỏ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận